Vi phạm quy định về giấy phép hoạt động điện lực là một loại vi phạm hành khá phổ biến trong lĩnh vực điện lực. Về số lượng, các vụ vi phạm ngày càng gia tăng: xử phạt theo Nghị định số 74/2003/NĐ-CP, năm 2009 số vụ vi phạm là gần gấp đôi năm 2004.
Về chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, chủ yếu có ba loại chủ thể, là tổ chức hoạt động tư vấn chuyên ngành về điện lực, tổ chức bán lẻ điện nông thôn và đơn vị phát điện. Đối với các tổ chức hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực, vi phạm phổ biến bị xử phạt theo Nghị định số 74/2003/NĐ-CP là sử dụng giấy phép hoạt động điện lực đã hết thời hạn sử dụng do các tổ chức này không tuân thủ trình tự thủ tục xin gia hạn giấy phép hoạt động điện lực. Khi Nghị định số 68/2010/NĐ-CP có hiệu lực, ngoài vi phạm về thời hạn, tổ chức hoạt động tư vấn chuyên ngành điện lực cũng thường vi phạm quy định về duy trì các điều kiện được cấp giấy phép và không làm thủ tục sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thay đổi tên, địa chỉ trụ sở. Đối với tổ chức bán lẻ điện nông thôn và đơn vị phát điện, vi phạm chủ yếu là
hoạt động điện lực khi chưa có giấy phép. Các tổ chức bán lẻ điện nông thôn phần lớn vi phạm do thiếu hiểu biết và thiếu thông tin, nghĩa là do vô ý. Đối với đơn vị phát điện, theo quy định về việc cấp giấy phép hoạt động quy định tại Quyết định số 15/2008/QĐ- BCT ngày 01 tháng 7 năm 2008 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định điều kiện, trình tự và thủ tục cấp, sửa đổi, bổ sung, thu hồi và quản lý sử dụng giấy phép hoạt động điện lực ban hành kèm theo Quyết định số 32/2006/QĐ-BCN ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, việc cấp giấy phép hoạt động điện lực được cấp thành hai giai đoạn để thực hiện đầu tư xây dựng và phát điện thương mại toàn bộ nhà máy điện. Tuy nhiên, nhiều nhà máy sau khi đã xây dựng xong, có khả năng sẵn sàng phát điện nhưng chưa được cấp giấy phép hoạt động phát điện thương mại vẫn tiến hành bán điện lên lưới điện quốc gia.