Các quy định về chế định miễn chấp hành hình phạt trong luật hình sự Philíppin

Một phần của tài liệu Chế định miễn chấp hành hình phạt trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 35 - 37)

b) Phân biệt miễn chấp hành hình phạt với miễn hình phạt

1.3.2. Các quy định về chế định miễn chấp hành hình phạt trong luật hình sự Philíppin

luật hình sự Philíppin

Theo quy định tại Điều 3 Bộ luật hình sự Philíppin, tội phạm được hiểu là "hành vi hành động hoặc không hành động bị trừng phạt về mặt hình sự theo quy định của luật thì được gọi là tội phạm"; "tội phạm không chỉ được thực hiện bằng lỗi cố ý mà còn có thể được thực hiện cả bằng lỗi bất cẩn (vô ý)"; "được coi là cố ý phạm tội khi hành vi được thực hiện với ý định có cân nhắc"; "được coi là vô ý phạm tội khi hành vi sai trái là kết quả của sự bất cẩn, thiếu sáng suốt, hạn chế khả năng thấy trước, hoặc thiếu kỹ năng".

Tại Điều 4 Bộ luật hình sự Philíppin quy định trách nhiệm hình sự đối với một người phát sinh khi người này thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hình sự coi là tội phạm hoặc khi người này thực hiện hành vi xâm phạm tới thân thể hoặc tài sản của người khác mà trong hoàn cảnh ấy, việc xâm hại không phải là sự lựa chọn duy nhất. Các yếu tố ảnh hưởng tới trách nhiệm hình sự của người thực hiện hành vi phạm tội được quy định tại chương 2 trong Bộ luật hình sự Philíppin. "Cũng giống như Bộ luật hình sự Việt Nam, Bộ luật hình sự Philíppin cũng quy định về các tình tiết tăng nặng cũng như

tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự" [13, tr. 40] và đặc biệt cũng quy định thành một chương riêng về những tình tiết được miễn trừ trách nhiệm hình sự (Chương 1 và Chương 2). Cụ thể như sau:

Tại Điều 12 Bộ luật hình sự Philíppin, người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội nhưng thuộc các trường hợp sau thì được miễn trừ trách nhiệm hình sự:

1. Người bị bệnh tâm thần và hành xử khi bệnh tâm thần phát tác. Trường hợp người bị tâm thần phạm tội thì tòa án có quyền ra lệnh buộc người này phải bắt buộc chữa bệnh trong một cơ sở y tế nhất định và người này không được thả khi tòa án này chưa cho phép.

2. Người dưới 9 tuổi

3. Người từ đủ 9 tuổi nhưng chưa đủ 15 tuổi trừ khi người này thực hiện hành vi mà biết rõ về hành vi đó. Trường hợp này, người này sẽ bị xử lý theo các quy định trong Điều 80 của Bộ luật này

Khi người chưa thành niên được tuyên là không phải chịu trách nhiệm hình sự, tòa án phải giao người đó cho gia đình giáo dục và chăm sóc để gia đình thực hiện việc giám sát và giáo dục người này. Trường hợp nếu không thể giao cho gia đình giáo dục và chăm sóc thì người này sẽ bị thực hiện theo các quy định tại Điều 80 Bộ luật này.

4. Người nào, trong khi thực hiện một hành vi hợp pháp một cách cẩn trọng nhưng đã gây thiệt hại do xảy ra tai nạn mà mình không có lỗi cũng như không có ý định gây ra thiệt hại đó.

5. Người thực hiện hành vi do sự cưỡng bức về bạo lực mà không thể kháng cự được.

6. Người thực hiện hành vi theo sự tác động của nỗi sợ hãi không tự chủ được về việc bị gây ra một thiệt hại tương đương hoặc lớn hơn.

7. Người không thực hiện hành vi mà pháp luật yêu cầu khi bị ngăn cản bởi nguyên nhân ngoài khả năng điều khiển của mình [Dẫn theo: 12]

Có thể nói, Bộ luật hình sự Philíppin cũng quy định tương đối đầy đủ về các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ cũng như miễn trừ trách nhiệm hình sự. Tùy vào hoàn cảnh và pháp luật của từng nước mà quy định cụ thể về các chế định này có khác nhau. Tuy nhiên, đối với trường hợp miễn chấp hành hình phạt thì không được quy định cụ thể thành một điều riêng như pháp luật hình sự Việt Nam. Qua đó có thể thấy được sự phát triển của quá trình lập pháp của Việt Nam ngày càng đi sâu vào chi tiết và đa phần các hành vi trên thực tế đều đã và đang được cụ thể hóa trong Luật.

Một phần của tài liệu Chế định miễn chấp hành hình phạt trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 35 - 37)