Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá

Một phần của tài liệu Chế định miễn chấp hành hình phạt trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 49 - 51)

b) Phân biệt miễn chấp hành hình phạt với miễn hình phạt

2.1.1.2. Người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt khi được đặc xá hoặc đại xá

đặc xá hoặc đại xá

Đây là một quy định mới của Bộ luật hình sự năm 1999 so với Bộ luật hình sự năm 1985. Mặc dù chế định về đại xá đã được đề cập và áp dụng đối với người đang chấp hành hình phạt tù từ thời gian trước như tác giả đã đề cập đến trong phần trên, nhưng phải đến Bộ luật hình sự năm 1999 thì quy định này mới được các nhà làm luật thể hiện cụ thể trong luật hình sự.

Đại xá là quyết định do Quốc hội ban hành để miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt hay thay đổi hình phạt đã tuyên bằng một hình phạt nhẹ hơn đối với một loại người phạm loại tội nhất định nào đó. Theo quy định của Hiến pháp thì chỉ có Quốc hội có thẩm quyền quyết định đại xá (Điều 50 Hiến pháp 1959; Điều 83 Hiến pháp năm 1980 và Điều 84 Hiến pháp năm 1992). Quốc hội ban hành quyết định đại xá thường vào những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước và có hiệu lực đối với tất cả những hành vi phạm tội được nêu ra trong quyết định đó và xảy ra trước khi ban hành quyết định đại xá. Theo đó nếu như người phạm tội đang phải chấp hành hình phạt thì họ được miễn chấp hành phần hình phạt còn lại chưa chấp hành. Từ trước đến nay chỉ có hai lần Nhà nước ra quyết định đại xá. Lần thứ nhất vào năm 1945 với Sắc lệnh số 52/SL ngày 20/10/1945 xá miễn cho một số tội phạm trước ngày 19/8/1945 và lần thứ hai là Thông tư số 413/TTg ngày 09/11/1954 của Thủ tướng Chính phủ. Cũng theo hai sắc lệnh này thì các tội phạm từ Cách mạng tháng 8 đến ngày giải phóng thủ đô đều được đại xá trừ những người phạm phải một trong ba loại người phạm những tội nguy hiểm (loại nợ máu nhiều đối với nhân dân, đã tra tấn giết người một cách dã man nhân dân rất oán ghét; côn đồ chưa chịu thực sự cải tạo, hiện chưa được học nghề gì để sinh sống lương thiện; địa chủ cường hào gian ác đã bị đấu và xử phạt trong các đợt phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất) thì không được đại xá. Ngoài hai văn bản nói trên, từ đó đến nay Quốc hội không ra thêm một văn bản về đại xá nào khác. Quyết định đại xá thể hiện được chính sách nhân đạo của Nhà nước đối với người phạm tội.

Nếu như đại xá là theo yêu cầu của xã hội và chính sách của Nhà nước thì đặc xá thường được xem xét và quyết định dựa trên yêu cầu của những người bị kết án. Theo Luật đặc xá của Quốc hội ban hành ngày 21/11/2007, thì thẩm quyền đặc xá là do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho những người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt khác. Nếu

như đại xá từ trước đến nay chỉ có hai lần thì đặc xá được diễn ra hàng năm. Về cơ bản Luật đặc xá của Quốc hội đã quy định tương đối cụ thể về các trường hợp và điều kiện chung để xét đặc xá tuy nhiên cũng do sự thay đổi của tình hình mà tùy thuộc vào từng năm cụ thể mà điều kiện để hưởng chính sách này có sự thay đổi. Nhìn chung chính sách đặc xá của Nhà nước đã đạt được những kết quả đáng kể, cụ thể như sau: Năm 2007 có 8167 phạm nhân được đặc xá; Năm 2008 nhà nước không xét đặc xá đối với các phạm nhân nhưng Năm 2009 Nhà nước tổ chức 2 lần đặc xá, lần 1 có 15340 phạm nhân được đặc xá và lần 2 là 5480 phạm nhân; năm 2010 có 17814 phạm nhân được đặc xá; Năm 2011 có 10340 phạm nhân được đặc xá. Qua các số liệu trên cho thấy, việc đặc xá được diễn ra hàng năm và trên thực tế thì số lượng người được miễn chấp hành hình phạt do đặc xá là chiếm phần lớn trong số người bị kết án được miễn chấp hành hình phạt. Vì vậy, việc hoàn thiện Luật đặc xá và các văn bản có liên quan là điều rất cần thiết và cấp bách.

Một phần của tài liệu Chế định miễn chấp hành hình phạt trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 49 - 51)