Tốc độ phát triển và sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956 ở TP Hà Nội (Trang 36 - 37)

Đào tạo nghề nhằm nâng cao chất lượng nguồn lao động đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, sự phát triển của công tác đào tạo nghề chịu ảnh hưởng của sự phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cho thấy, kinh tế càng phát triển càng yêu cầu những con người có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao. Xã hội phát triển cần con người phải có việc làm và thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Do vậy, kéo theo sự phát triển của công tác đào tạo nghề, đặc biệt đối với lao động nông thôn.

Kinh tế Hà Nội năm 2012 duy trì tăng trưởng, nhưng thấp hơn kế hoạch và mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước: Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,1%; vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tăng 13,2%; tổng mức bán hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tăng 18,8%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5,3%. Chỉ số sản xuất công nghiệp cộng dồn cả năm 2012 tăng 5,1% so cùng kỳ. Nếu cơ cấu năm 2008 là: dịch vụ 52,1%; công nghiệp-xây dựng 41,4%; nông nghiệp 6,6%, thì năm 2012, cơ cấu các ngành tương ứng là: 52,6%; 41,8% và 5,6%.

Năm 2012, Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn thành phố Hà Nội ước năm 2012 đạt 232.658,5 tỷ đồng, tăng 13,2% so với năm 2011. Đối với các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài: Ước đạt khoảng 41.348,4 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2011.

Năm 2012, Hà Nội cấp phép mới và bổ sung tăng vốn đầu tư cho 283 dự án đầu tư nước ngoài với vốn đầu tư đăng ký 985 triệu USD (so với năm 2011

bằng 80,6% về số dự án và bằng 51,6% về số vốn đầu tư đăng ký), trong đó: cấp mới 222 dự án với vốn đầu tư đăng ký 775 triệu USD; bổ sung tăng vốn 61 dự án với 210 triệu USD vốn đầu tư đăng ký.

Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong năm 2012 là 15 nghìn doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 83 nghìn tỷ đồng, bằng 90% về số doanh nghiệp và 70% về vốn đăng ký so với năm trước.

Tổng mức và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội cả năm 2012 tăng 18,8% so với cùng kỳ, trong đó, bán lẻ tăng 18,3%.

Năm 2012, kim ngạch xuất khẩu tăng 5,3% so cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu địa phương tăng 6,8% so cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu giảm 3% so cùng kỳ, trong đó, nhập khẩu địa phương tăng 2%. [3]

Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sẽ kéo theo sự chuyển dịch về cơ cấu lao động. Số doanh nghiệp thành lập mới luôn có xu hướng tăng nhanh chóng đòi hỏi một lượng lớn lao động phục vụ. Sự chuyển dịch này đòi hỏi phải đào tạo nghề cho người lao động đang hoạt động trong những lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp chuyển sang hoạt động ở lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ mới đáp ứng được yêu cầu của công việc. Điều này sẽ thúc đẩy công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn phát triển mạnh.

Một phần của tài liệu luận văn thạc sĩ Nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đề án 1956 ở TP Hà Nội (Trang 36 - 37)