Tác động của giun sán đối với gà

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình nhiễm giun sán ở gà nuôi tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và đề xuất biện pháp phòng trị (Trang 36 - 37)

— Bệnh sán lá đường sinh dục

1.3.2Tác động của giun sán đối với gà

Theo Canek B. M., Ruff M. D (1991) [59], Kaufmann J. (1996) [72], G.Horning và cs., (2003) [65], gà bị bệnh giun sán thường có triệu chứng gầy yếu, còi cọc, chậm lớn và rối loạn tiêu hóa.

Theo Trịnh Văn Thịnh và Đỗ Dương Thái (1978) [47]; Phạm Văn Khuê và Phan Lục (1996) [8], bệnh giun sán thường diễn ra từ từ và thường ở thể mãn tính. Tuy nhiên bệnh giun sán đã gây ra những thiệt hại đáng kể cho chăn nuôi gà, làm giảm mức sinh trưởng và sinh sản ở gà đến 30% so với bình thường, làm giảm năng suất và chất lượng thịt, trứng từ 25 - 40%. Khi mắc bệnh, gà dễ bị kế phát các bệnh truyền nhiễm, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng hơn.

Theo Trịnh Văn Thịnh và Đỗ Dương Thái (1978) [47], Phạm Sỹ Lăng và Phan Địch Lân (2001) [20], giun sán thường ký sinh trong đường tiêu hoá gây viêm niêm mạc đường tiêu hoá và các tuyến tiêu hoá. Một số loài khác ký sinh và gây viêm, tổn thương ở bộ máy hô hấp, kết mạc mắt, mũi, đường tiết niệu, ống dẫn trứng. Có loài ký sinh ở trong những nội quan như tim, tuyến tuỵ, mô cơ… Tuy nơi ký sinh của giun sán khác nhau nhưng tác động gây bệnh đối với vật chủ tập trung vào các tác động cơ giới, ngăn trở ít hay nhiều hoạt động của các khí quan mà chúng ký sinh: giun đũa làm tắc ruột, sán lá bám và làm cho niêm mạc xuất huyết… Các tác động này đều gây viêm cấp tính hay mãn tính ở ruột, gan, phổi…

Theo Phạm Văn Khuê và Phan Lục (1996) [8], các móc bám, giác bám, của giun sán khi ký sinh bám vào các cơ quan gây ra những tổn thương cơ học, dẫn đến viêm loét, xuất huyết và hoại tử ở các nội quan, đặc biệt ở bộ máy tiêu hoá.

Theo Nguyễn Thị Lê (1998) [31], đôi khi giun sán không dùng trực tiếp thức ăn của vật chủ mà lấy các vitamin của vật chủ làm thức ăn của mình hoặc tiết ra các chất ức chế các men và phân huỷ khả năng trao đổi chất bình thường của cơ thể vật chủ. Tác động chiếm đoạt của số lượng lớn các loài giun sán cùng ký sinh diễn ra liên tục trong thời gian dài gây tổn hại rất lớn, làm con vật còi cọc, thiếu máu, gầy còm, có thể gây chết. Đây là tác động bắt buộc đối với giun sán bởi chúng phải tự nuôi bằng cách ăn các mô bào (tế bào thượng bì), cướp một phần thức ăn mà vật

chủ đã tiêu hoá, hút máu vật chủ…

Trong quá trình sống, một số giun sán bài xuất những chất độc thường xuyên đưa vào vật chủ; vật chủ hấp thu và bị trúng độc, biểu hiện thành những biến loạn thần kinh (co giật, bại liệt), gây rối loạn tiêu hoá, gây dung huyết, xuất huyết, thiếu máu... Độc chất do ấu trùng tiết ra tác động mạnh hơn so với giun sán trưởng thành. Con vật non bị nặng hơn so với vật trưởng thành (Trịnh Văn Thịnh và Đỗ Dương Thái, 1978) [47]. Độc tố của giun sán ký sinh gồm cả nội độc tố và ngoại độc tố (Phạm Văn Khuê và Phan Lục, 1996) [8]. Trong trường hợp độc tố làm biến đổi thành phần máu thường làm tăng số lượng bạch cầu ưa axit và dẫn đến những bệnh lý vỏ não (Nguyễn Thị Lê, 1998) [31].

Bệnh ký sinh trùng thường mở đường để các mầm bệnh khác xâm nhập. Tác động do giun sán ký sinh tạo ra những vết thương, giảm sức đề kháng, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm mạn tính và các bệnh ký sinh trùng khác (Nguyễn Thị Lê, 1998) [31].

Những tác động cơ giới, chiếm đoạt, đầu độc và truyền bệnh của giun sán thường không thể phân biệt rành rọt mà trong phần lớn các trường hợp, trạng thái bệnh quan sát được là hậu quả của các tác động trên trong một thời gian dài (Trịnh Văn Thịnh và Đỗ Dương Thái 1978) [47].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình hình nhiễm giun sán ở gà nuôi tại hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và đề xuất biện pháp phòng trị (Trang 36 - 37)