Khâu quan trọng trong biện pháp phòng chống tổng hợp là tẩy giun sán cho gà. Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam, giun sán hầu như tồn tại và phát triển quanh năm. Vì vậy trong cùng một cơ thể gà đồng thời tồn tại nhiều giun sán ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Do đó, tốt nhất là chọn loại thuốc tẩy được cả giun sán non, nghĩa là khi giun sán chưa đạt đến giai đoạn trưởng thành, chưa phát dục để tránh mầm bệnh phát tán ra môi trường ngoài.
- Để tẩy giun sán đạt hiệu quả, các chuyên gia ký sinh trùng đã đưa ra một số các yêu cầu sau:
- Chẩn đoán bệnh giun sán chính xác bằng phương pháp mổ khám gà, từ đó lựa chọn loại hóa dược đặc hiệu tẩy giun sán.
- Sử dụng thuốc tẩy cho gà nhiễm giun sán nặng hoặc có biểu hiện lâm sàng. - Nên sử dụng thuốc tẩy giun sán cho cả đàn gà, vì có thể có nhiều gà đang nhiễm giun sán nhưng chưa được phát hiện khi chẩn đoán.
- Tính thời điểm tẩy thích hợp. Trước khi tẩy, cho gà nhịn ăn buổi sáng và cho uống thuốc buổi chiều, thường từ 8 - 10 giờ sau khi tẩy gà sẽ thải phân có giun sán ra ngoài.
- Tẩy giun sán được tiến hành ngay sau khi đã chẩn đoán chính xác bệnh. Chú ý chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc kháng độc.
- Sau 15 - 20 ngày kiểm tra để đánh giá hiệu quả của thuốc.
- Thuốc tẩy giun sán cần phải đạt được các yêu cầu sau: Hiệu quả cao, ít độc, không nguy hiểm; phổ rộng (một loại thuốc tẩy được nhiều loài giun sán và tẩy được cả giun sán non), không mùi vị, dễ tan trong nước, thuận tiện khi sử dụng, rẻ tiền. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường chưa có loại thuốc nào đạt được tất cả các yêu cầu trên (Trịnh Văn Thịnh, 1963, 1966) [44], [45], (Phạm Văn Khuê và Phan Lục, 1996) [8].