0
Tải bản đầy đủ (.docx) (166 trang)

Miễn dịch của gia cầm

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH NHIỄM GIUN SÁN Ở GÀ NUÔI TẠI HAI TỈNH BẮC NINH, BẮC GIANG VÀ ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ (Trang 41 -43 )

— Bệnh sán lá đường sinh dục

1.3.5 Miễn dịch của gia cầm

Hệ thống miễn dịch của gia cầm bao gồm các cơ quan lympho sơ cấp và thứ cấp. Cơ quan sơ cấp là thymus (tuyến ức) nằm dọc theo ven cổ, túi fabricius nằm sát ngay lỗ huyệt. Cơ quan thứ cấp là lách, tủy xương, tuyến harderian, manh tràng, amidan và các mô lympho liên kết niêm mạc (lymphoid tissues associated with mucosal surfaces = MALT) bao gồm mô lympho hô hấp (bronchial-associated lymphoid tissues = BALT), mô lympho tiêu hóa (gut associated lymphoid tissues = GALT), mô lympho liên kết (conjunctival associated lymphoid tissues = CALT) và các hạch lâm ba. Cũng có một hệ lâm ba và các mao mạch vận chuyển dịch lâm ba khắp cơ thể.

Về chức năng, hệ thống miễn dịch của gia cầm gồm 2 phần: Một là bẩm sinh nhưng không đặc hiệu, một là miễn dịch thu được. Hệ thống miễn dịch thu được có đặc điểm là đặc hiệu, dị loại và ghi nhớ. Miễn dịch thu được bao gồm miễn dịch tế bào và miễn dịch dịch thể.

Miễn dịch dịch thể gồm globulin miễn dịch (kháng thể) và các tế bào sinh ra kháng thể. Kháng thể đặc hiệu với kháng nguyên và sẽ gắn vào kháng nguyên đó. Các tế bào sản sinh kháng thể là tế bào lympho B. Các tế bào này được sinh ra ở gan của phôi, túi lòng đỏ và tủy xương. Các tế bào lympho B chuyển tới túi Fabricius, sau đó các tế bào này đi vào máu, lách, amidan, tủy xương, tuyến harderian và tuyến ức. Khi có chất lạ vào cơ thể, tế bào thực bào bao vây vật lạ. Đại thực bào tiêu hóa một phần vật lạ và trở thành tế bào trình diện kháng nguyên biểu hiện kháng nguyên lạ lên bề mặt của nó. Các kháng nguyên này phức hợp với

glycoprotein của MHC lớp II, nó đã có sẵn trên bề mặt của đại thực bào. Sau đó, đại thực bào vận chuyển phức hợp và trình diện nó lên lympho T (T hỗ trợ). Lympho T có cơ quan thụ cảm gắn đặc hiệu với kháng nguyên đã được trình diện, gắn với phức hợp/không phức hợp của đại thực bào. Lympho T hỗ trợ gắn bề mặt tiểu phần lạ đồng thời với glycoprotein của MHC lớp II lên tế bào B. Việc gắn này đã hoạt hóa các lympho B đi vào tủy xương để trở thành tương bào sản xuất ra kháng thể dịch thể. Sau khi tiếp xúc 5 ngày lympho B sản sinh ra kháng thể. Quá trình này bị chậm vì lympho B phải đặt chương trình và tiến hành mở rộng thêm clone để tăng số lượng kháng thể. Nếu gà tiếp xúc với cùng một loại kháng nguyên lần thứ 2, đáp ứng sẽ nhanh hơn và mức độ kháng thể sẽ cao hơn (ghi nhớ).

Các globulin miễn dịch khác nhau về đậm độ, cấu trúc và chức năng hóa sinh miễn dịch tìm thấy ở gia cầm là IgA, IgM, và IgY. IgA và IgM tương tự như IgA và IgM của động vật có vú cả về trọng lượng phân tử, cấu trúc và điện di (electrophoretic mobility).

Trước kia, IgY, lớp globulin miễn dịch chính có trong huyết thanh và lòng đỏ trứng gia cầm được gọi là IgG, xét về chức năng và đậm độ trong huyết thanh gần giống với IgG của động vật có vú. Tuy nhiên, gọi như vậy không thích hợp vì có sự khác nhau về cấu trúc cơ bản giữa IgY và IgG nên sau đó IgY được quan tâm nghiên cứu chi tiết hơn.

IgY chiếm khoảng 75% tổng số globulin miễn dịch. Đậm độ IgY - 5,0 mg/ml; IgA = 1,25 mg/ml; IgM = 0,61 mg/ml.

Miễn dịch tế bào của hệ thống miễn dịch gia cầm bao gồm tất cả các tế bào phản ứng với kháng nguyên đặc hiệu, loại trừ những tế bào sản sinh kháng thể. Những tế bào của hệ thống miễn dịch này, lympho T cũng hình thành từ cùng loại tế bào gốc với lympho B. Song, lympho T thường được tạo ra từ tuyến ức hơn là từ túi fabricius. Lympho T là một quần thể lympho có nhiều chủng loại hơn lympho B. Một số lympho T tiết ra lymphokine, một số khác phá hủy trực tiếp vật lạ, một số làm tăng cường cảm ứng cho lympho B, đại thực bào hoặc tế bào T khác (T hỗ trợ) và một số lại ức chế hoạt động của những tế bào trên (suppressor).

Phản ứng đầu tiên với giun tròn đường tiêu hóa được thực hiện ở các mô lympho, nó đáp ứng với các kháng nguyên do giun tròn tiết ra (các sản phẩm chất tiết/bài tiết E/S) và tạo ra một loạt đáp ứng miễn dịch đặc hiệu. Bước đầu nó tạo ra cytokine Th2, bao gồm interleukin (IL)-4, IL-5, IL-9, IL-10, IL-13 đầu tiên ở các hạch lâm ba màng treo ruột và mảng Payer tiếp theo ở lách, thu hút các tế bào B nguồn (gốc), các tế bào mast niêm mạc và bạch cầu ái toan đi đến ruột; ở đó chúng được nhân lên, trưởng thành để đáp ứng, với sự kích thích liên tục của cytokine Th2 và kháng nguyên ký sinh trùng. Sự tham gia của các tế bào trên cùng cytokine Th2 đã giúp cho việc tống giun ra khỏi cơ thể. Song, cũng nhiều nhà miễn dịch học cho rằng vẫn chưa xác định được chính xác đáp ứng miễn dịch như thế nào để có thể đẩy ký sinh trùng ra khỏi ký chủ.

Theo Mauricio E và cs., (2008) [79], đáp ứng miễn dịch trở nên phức tạp hơn khi gia cầm nhiễm ký sinh trùng lại bị nhiễm thêm các bệnh khác. Khi nhiễm đồng thời nhiều bệnh với các kháng nguyên khác nhau, gia cầm có đáp ứng miễn dịch nhưng rất khó dự đoán nó đáp ứng với kháng nguyên nào, cũng có một số trường hợp có thể điều chỉnh đáp ứng miễn dịch tạo nên như khi nhiễm với riêng từng bệnh. Khi nghiên cứu trên gà bị nhiễm Ascaridia galli và Pasteurella multocida, theo dõi tăng trọng, số lượng bạch cầu và biến đổi bệnh lý đã cho thấy khi nhiễm cùng lúc hai bệnh trên thì tổn thương bệnh lý nặng hơn nhiều do tác động của vi khuẩn.

Một phần của tài liệu NGHIÊN CỨU TÌNH HÌNH NHIỄM GIUN SÁN Ở GÀ NUÔI TẠI HAI TỈNH BẮC NINH, BẮC GIANG VÀ ĐỀ XUẤT BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ (Trang 41 -43 )

×