Để công tác giải quyết việc làm ở Nghệ An đạt kết quả tốt hơn nữa cần quán triệt các quan điểm sau:
Một là, giải quyết việc làm là trách nhiệm và nhiệm vụ kinh tế - chính trị - xã hội của từng cá nhân, tập thể, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội, các ngành, các cấp.
Giải quyết việc làm, sử dụng lao động không còn là công việc riêng của Nhà nước, mà là của toàn xã hội. Từng gia đình, đến phường, xã, quận, huyện, tỉnh và Trung ương đều có trách nhiệm giải quyết việc làm. Các thành phần kinh tế, các đoàn thể kinh tế xã hội đều phải coi giải quyết việc làm là một trong những nhiệm vụ kinh tế - chính trị và xã hội quan trọng. Nhà nước cần hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo sử dụng có hiệu quả tiềm năng lao động xã hội, đồng thời tạo ra các điều kiện cần thiết thông qua cơ chế chính sách, luật pháp để cho mọi công dân được tự do làm ăn theo pháp luật và hỗ trợ một phần về tài chính tạo nên những "cú huých" để người lao động tự tạo việc làm, thu hút thêm nhiều lao động xã hội. Mặt khác, Nhà nước thông qua các công cụ điều tiết vĩ mô để tích cực kiểm soát thị trường lao động, giảm hoặc khống chế tỷ lệ thất nghiệp ở mức cho phép.
Hai là, giải quyết việc làm có trọng tâm, trọng điểm cho những người có nhu cầu việc làm. Những đối tượng cần được ưu tiên là các đối tượng
79
chính sách, thanh niên mới bước vào độ tuổi lao động, hoặc sau khi tốt nghiệp các trường, bộ đội xuất ngũ, các đối tượng gặp khó khăn trong đời sống cần được giải quyết việc làm trước.
Ba là, đa dạng việc làm và chú ý việc làm tại chỗ, nhất là trong nông nghiệp, nông thôn. Xuất phát từ nhận thức mọi hoạt động tạo ra nguồn thu nhập, không bị pháp luật ngăn cấm đều được thừa nhận là việc làm. Việc làm có thể phục vụ cho sản xuất đời sống, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Việc làm có thể được tiến hành ở các ngành công nghiệp - nông nghiệp - thương mại - dịch vụ, văn hoá, giáo dục.., việc làm có thể đòi hỏi vốn đầu tư ít, cũng có thể đòi hỏi vốn đầu tư nhiều. Riêng trong nông nghiệp nông thôn phải quan tâm đến giải quyết việc làm tại chỗ.
Bốn là, huy động tối đa các nguồn vốn trong nước kết hợp với thu hút các nguồn vốn bên ngoài, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn này vào các chương trình dự án giải quyết việc làm có mục tiêu. Vốn là nhân tố cơ bản của quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế nói chung và giải quyết việc làm nói riêng. Sự gia tăng về vốn làm tăng năng lực sản xuất trong nước, thúc đẩy gia tăng sản lượng và năng suất lao động, nâng cao chất lượng hàng hoá sản xuất ra, tạo khả năng thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực khác như tài nguyên, lao động. Vốn có thể huy động từ nội lực song cũng có thể thu hút từ bên ngoài, vấn đề đặt ra là phải sử dụng có hiệu quả nguồn vốn tránh thất thoát, lãng phí.
Năm là, Các giải pháp tạo việc làm phải đồng bộ, toàn diện song cần lưu ý các biện pháp có tính đột phá tuỳ từng địa phương.
Các biện pháp giải quyết việc làm cần toàn diện, đồng bộ về chính trị - kinh tế - xã hội, về y tế, giáo dục, dân số - kế hoạch hoá gia đình cũng như về tín dụng và xây dựng kết cấu hạ tầng.
80
Tuỳ từng địa phương cụ thể, cần xác định rõ biện pháp đột phá, mũi nhọn phải lưu tâm thực hiện tốt nhất.