- Trong quan hệ với kiểm toán có thể khái quát những đặc điểm chính của nợ công như sau:
Thứ nhất: Nợ công được hình thành từ nhiều nguồn với nhiều hình thức biểu hiện khác nhau song có thể xác định hai nguồn chính là từ phát hành trái phiếu chính phủ và từ các khoản nợ vay của chính phủ.
Thứ hai: Nợ công không phải là tài sản nhà nước (thuộc quyền sở hữu hay sử dụng lâu dài) mà ngược lại là khoản nợ (thuộc nghĩa vụ).
Thứ ba: Nợ công thường là hậu quả của những hoạt động phát hành trái phiếu hoặc vay vốn nước ngoài. Sự tồn tại và hiệu quả của những hoạt động này được quyết định trước hết lại không phải từ giá trị về tiền bạc mà là uy tín của chủ thể hoạt động - một chính phủ cụ thể. Mặt khác, nợ công lại là hậu quả từ những năm trước nên giới hạn đánh giá ảnh hưởng của nợ công về mặt thời gian không đồng nhất với thời gian đánh giá thường sử dụng là kỳ NSNN;
Thứ tư: Nợ công có tính đa dạng cả về kết cấu, về hình thái vật chất cũng như về quá trình lưu chuyển hay hoạt động. Ví dụ, trái phiếu chính phủ cũng gồm rất nhiều loại (trái phiếu kho bạc ghi sổ gồm trái phiếu lãi suất cố định và trái phiếu lãi suất thả nổi hàng năm; trái phiếu có thể đồng nhất của kho bạc v.v), được thể hiện trên nhiều hình thức vật chất khác nhau (chứng khoán nợ và chứng khoán vốn, kỳ phiếu, văn tự, hợp đồng, văn bản uỷ thác, giấy làm tin…) và biến chuyển theo nhiều đường với nhiều loại dịch vụ (ghi nợ, tài trợ nợ, bù đắp nợ, đổi nợ lấy trái phiếu, đổi nợ thành vốn góp v.v...);
Thứ năm: Nợ công có quá trình quản lý và kiểm soát rất chặt chẽ (từ những quyết sách của cơ quan lập pháp qua quyết định triển khai của chính phủ đến tổ chức thực thi của kho bạc nhà nước).
- Trên cơ sở các đặc điểm của nợ công sẽ có nhưng ảnh hưởng tới việc tổ chức kiểm toán nợ công:
Một là, tổ chức xác định đối tượng cụ thể của kiểm toán nợ công trong kế hoạch kiểm toán hàng năm: Nợ công được hình thành từ nhiều nguồn với nhiều hình thức biểu hiện khác nhau và có kết cấu phức tạp song lại có những nguồn chính yếu là phát hành trái phiếu và vay nợ nước ngoài của chính phủ. Vì vậy, hai nguồn này cũng đồng thời là đối tượng cụ thể chính yếu cho hoạt động kiểm toán nói chung và cho lập kế hoạch kiểm toán năm nói riêng.
Hai là, loại hình kiểm toán phù hợp là liên kết giữa kiểm toán bảng khai tài chính (quyết toán nợ) với kiểm toán hoạt động. Tất nhiên trong trường hợp này, cần có sự kết hợp giữa kiểm toán nợ công với xác minh và khai thác thêm thông tin từ phía chủ nợ. Đây là công việc khó khăn nên chỉ có thể thực hiện có trọng điểm. Mặt khác, để nợ công không phản tác dụng đến tình hình tài chính công, tốt nhất nên thực hiện kiểm toán từ nguồn tức là kiểm toán trước (tiền kiểm) từng dự án phát hành trái phiếu hoặc dự án vay vốn. Trường hợp này thường phải tổ chức những cuộc kiểm toán hoạt động với đầy đủ ba mục tiêu: Hiệu lực quản trị nội bộ dự án (phát hành hoặc vay vốn); Hiệu quả hoạt động và hiệu năng quản lý có xem xét cả yếu tố tín chấp trong vay nợ hoặc phát hành.
Ba là, do tính phức tạp, đa dạng của nợ công và do nợ công không thuộc ngân sách nhà nước hàng năm cùng sự tốn kém về nhiều mặt trong mỗi cuộc kiểm toán hoạt động nên các cuộc kiểm toán này thường áp dụng loại kiểm toán điển hình hoặc trọng điểm và thường không tổ chức thường kỳ hàng năm. Việc này chủ yếu xuất phát từ giới hạn về nguồn lực, và từ đó, về công việc cần triển khai (nhất là về kiểm toán hoạt động) của KTNN.
Bốn là, nợ công được quản lý và kiểm soát bởi nhiều cấp và nhiều cơ quan khác nhau từ Quốc hội, Chính phủ, các Bộ (Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, các bộ chuyên ngành), các địa phương, các đơn vị sử dụng,… điều đó sẽ tác động đến việc xác định nội dung và phương pháp kiểm toán phù hợp với từng đối tượng kiểm toán với từng cuộc kiểm toán cụ thể.