7. Kết cấu của luận án
3.3.2. Những tồn tại, hạn chế
Bên cạnh những thành công đã đạt được, sau một quá trình thực hiện các biện pháp cải cách nêu trên, hệ thống ngân hàng Nhật Bản vẫn phải tiếp tục đương đầu với khá nhiều khó khăn và thách thức, cần tiếp tục thực hiện các biện pháp khác để có thể trở thành một hệ thống tài chính tiền tệ có sức cạnh tranh cao, linh hoạt, mở cửa và tự điều tiết theo cơ chế thị trường.
Hạn chế lớn nhất trong cải cách hệ thống ngân hàng Nhật Bản là nước này đã để cho tình trạng nợ xấu chồng chất kéo dài, cũng giống như “sự suy thoái kéo dài” của nền kinh tế Nhật Bản [Lưu Ngọc Trịnh, 2004]. Tỷ lệ nợ xấu vẫn tiếp tục gia tăng trong suốt nhiều năm kể từ khi nền kinh tế bong bóng sụp đổ.
- Thứ nhất, tốc độ xử lý nợ xấu của các NHTM Nhật Bản chậm hơn so với tốc
độ phát sinh các khoản nợ xấu mới. Điều này xuất phát từ tình trạng suy thoái kéo
dài của nền kinh tế Nhật Bản, hay sự phục hồi một cách chậm chạp của các ngành sản xuất. Đồng thời, các ngân hàng vẫn chưa dám nhìn thẳng vào thực trạng nợ xấu của mình: Cố tình che giấu tình hình hoạt động sa sút, công bố số nợ khó đòi, nợ xấu, thấp xa so với con số công bố sau khi Cơ quan giám sát tài chính (Financial Service Act- FSA) thanh tra kiểm soát. Tháng 4/2002, FSA đã tiết lộ các NHTM và các TCTC khác đang có số nợ xấu xấp xỉ 150 nghìn tỷ yên, chiếm 22,4% tổng số nợ toàn Nhật Bản, nhưng trong kế hoạch cả gói của chính phủ, số nợ bức bách cần giải quyết chỉ có khoảng 11,7 tỷ yên, một con số rất nhỏ và có tính tượng trưng.
- Thứ hai, tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của NHTW Nhật Bản:
Trước những năm 1990, khi các TCTC tham gia vào lĩnh vực bất động sản, BOJ đã lượng hóa được nguy cơ tổng nợ khó đòi của các NHTM Nhật sẽ lên đến 6 - 8% GDP [171]. Tuy vậy, dù đã dự đoán trước nguy cơ khủng hoảng, nhưng cho tới giữa những năm 1990, BOJ vẫn tin chắc tình trạng nợ khó đòi kể trên chỉ xảy ra đối với những TCTC nhỏ lẻ, không thể trở thành hệ thống được. Năm 1991, đã có một số NHTM phá sản, nhưng đó mới chỉ là các TCTC nhỏ lẻ. Đồng thời, GDP thực tế vẫn được duy trì ổn định trong giai đoạn 1992-1994 thậm chí năm 1995-1996 còn có dấu hiệu tăng [164]. Mùa thu năm 1997, BOJ mới thực sự bắt tay vào giải quyết vấn đề một cách sâu sắc. Mặc dù nhận ra tình trạng xấu đi từ năm 1993 (rủi ro trong hệ thống tài chính gia tăng, rủi ro tín dụng tập trung trong khu vực bất động sản khi giá đất giảm liên tục, khả năng duy trì nền kinh tế bắt đầu trở nên xa vời), nhưng BOJ vướng phải tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” cả dưới giác độ vi mô và vĩ mô. Xét trên góc độvi mô, mặc dù nhận ra tình trạng rủi ro của hoạt động tín dụng trong khu vực bất động sản, nhưng BOJ không thể can thiệp khi tín dụng gia tăng vẫn có hiệu quả và các NHTM (đặc biệt những NHTM lớn) không gặp bất kỳ rủi ro nào. Trên
100
góc độ vĩ mô, BOJ sẽ châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính nếu công khai kêu gọi sự trợ giúp của Hệ thống an ninh khủng hoảng. Tình trạng đó khiến cho cuối cùng BOJ đã né tránh việc kêu gọi sự trợ giúp của Hệ thống an ninh khủng hoảng mà chỉ có thể giải quyết tình trạng nợ xấu của từng NHTM.
Thứ ba, biện pháp giám sát yếu kém và tình trạng bưng bít thông tin trong các ngân hàng đối với các khoản nợ xấu.
Trước khi FSA ra đời, công tác kiểm tra và giám sát tài chính vẫn do Bộ Tài chính đảm nhận. Độc lập khỏi Bộ Tài chính và các ngân hàng, FSA góp phần cải thiện công tác giám sát, tăng tính minh bạch hóa hoạt động ngân hàng. Trước năm 1992, hầu như không có việc công khai các khoản nợ khó đòi [133]. Lần đầu tiên, năm 1992 dựa trên tiêu chuẩn của luật thuế, các khoản NPLs được công bố là khoản nợ quá hạn 180 ngày hoặc khoản nợ của các tổ chức sắp phá sản. Tuy vậy, cách phân loại này không phản ánh được khả năng trả nợ của doanh nghiệp vì theo sự phân loại này, nếu một doanh nghiệp có nguy cơ phá sản có hai khoản nợ là khoản nợ quá hạn 180 ngày và khoản nợ khác thì tiêu chuẩn chỉ yêu cầu công khai khoản nợ quá hạn trên là NPLs thôi. Nói là công khai như vậy nhưng NPLs thực tế là bao nhiêu thì chỉ người đi vay mới biết. Phải đến năm tài chính 1995, 1996, 1997, phạm vi NPLs mới được mở rộng và yêu cầu công khai toàn bộ các khoản NPLs mới được đưa ra trong Luật Ngân hàng năm 1999. Các tiêu chuẩn NPLs được tách khỏi tiêu chuẩn trong luật thuế và thay bằng quy định "Ngân hàng tự giác đánh giá các khoản nợ". Trên nguyên tắc, quy định này tập trung vào xem xét tình trạng tín dụng của doanh nghiệp đi vay không phân biệt lớn nhỏ, theo đó nếu doanh nghiệp có nguy cơ phá sản thì toàn bộ vốn vay của doanh nghiệp đó là NPLs. Quy định này cũng chính là một phần nguyên nhân của tình trạng NPLs không được phản ánh chân thực, dẫn đến khủng hoảng trong hệ thống ngân hàng.
Ngoài ra, một lý giải nữa cho tình trạng khủng hoảng kéo dài ở Nhật là phản ứng của thị trường. Bản thân Chính phủ và BOJ đã không lường trước được phản ứng của thị trường khi khủng hoảng xảy ra: Thị trường tiền tệ ngắn hạn ngay lập tức đóng băng trong những tuần đầu khi chỉ số chứng khoán Sanyo sụp đổ vào tháng 11 năm 1997. Trên thị trường chứng khoán, nỗi lo sợ rủi ro khiến mọi người chuyển toàn bộ tiền vào tài khoản cho BOJ nắm giữ, thông qua BOJ để tiến hành giao dịch. Cũng trong thời gian này, những người gửi tiền cá nhân bắt đầu rút tiền khỏi ngân hàng để lấy tiền mặt. Trong khu vực tài chính, những khoản tiền gửi trong những TCTD nhỏ lần lượt chuyển thành các khoản tiết kiệm bưu điện hoặc chuyển sang các ngân hàng lớn cho an toàn. Từ năm 1990, các tổ chức đánh giá xếp hạng NHTM thường xuyên đánh tụt hạng các ngân hàng của Nhật. Phản ứng của thị trường khiến cho tình trạng đã xấu lại càng xấu hơn mà không ai có thể lường trước được.