Giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm gạo là việc không ngừng cải tiến nâng cao giá trị gạo của Việt Nam sánh ngang tầm với hạt gạo chất lượng cao của các đối thủ cạnh tranh nước ngoài. Thế giới đang ngày càng phát triển thì nhu cầu của con người càng cao và họ trở nên quan tâm nhiều hơn đến chất lượng. Để sản phẩm gạo có chất lượng cao thì quan trọng trên hết là phải có nguồn nguyên liệu cung ứng chất lượng, ổn định và đồng đều. Chúng có quan hệ hỗ trợ lẫn nhau nên việc nâng cao và ổn định chất lượng nhất thiết phải thực hiện song hành với nhau.
Để đáp ứng được điều đó, doanh nghiệp cần phải chú trọng các công việc sau:
- Công ty cần liên kết chặt chẽ với Hợp tác xã, Hội nông dân ở địa phương để xây dựng quan hệ hợp tác lâu dài với các vùng trồng lúa có chất lượng, năng suất cao. Từ đó sẽ có cơ hội nhân giống lúa mới chất lượng hơn góp phần tạo ra nguồn giống ổn định, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Hiện nay, mô hình cánh đồng mẫu lớn mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân cũng như khả năng đáp ứng nguồn nguyên liệu chất lượng và đồng đều. Doanh nghiệp và người nông dân nên áp dụng mô hình này rộng khắp. Theo Sở NNPTNT tỉnh Kiên Giang, vụ lúa Đông Xuân 2013 - 2014 tỉnh dự kiến xây dựng 14 mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa theo hướng VietGAP với quy mô diện tích 1.524 ha. Bên cạnh đó, Kiên Giang còn thực hiện đề án phát triển vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao phục vụ xuất khẩu với diện tích khoảng 90.000ha ở các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao, Hòn Đất và thành phố Rạch Giá. Như vậy, công ty có thể thực hiện việc thu mua nguồn nguyên liệu tại các vùng này mà hơn hết là thực hiện việc liên kết với các hộ trồng lúa tại đây để thành lập vùng lúa riêng của Công ty và đảm bảo việc kiểm tra, rà soát cũng như đáp ứng nhu cầu thị trường.
- Ngoài nông dân là thành phần cốt lõi trong sản xuất lúa gạo xuất khẩu, hiện còn có các thành phần khác là: thu gom (thương lái, hàng xáo, lái lúa...), các nhà máy xay chà đánh bóng và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Công ty nên liên kết lại các thành phần trên, hỗ trợ lẫn nhau để cùng có lợi.
- Xây dựng những nhà máy hiện đại chế biến lúa gạo công suất lớn kết hợp với vùng nguyên liệu của Công ty gồm diện tích lúa của những hộ nông
dân tham gia thực hiện "Cánh đồng lúa mẫu lớn", nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu lúa chất lượng đồng đều cho nhà máy hoạt động.
- Thành lập đội ngũ cơ hữu gồm những kỹ sư trẻ "cùng nông dân ra đồng" vừa làm khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, chỉ đạo thời vụ, chỉ dẫn nông dân mua vật tư (giống, phân bón, thuốc sát trùng) đúng chất lượng, đúng giá ở các đại lý, vừa giúp nông hộ thực hiện hợp đồng với Công ty.
- Để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu, Công ty cũng nên tổ chức lại khâu vận chuyển. Sau khi nông dân thu hoạch lúa bằng máy gặt đặp liên hợp rồi đóng bao tại ruộng, sau đó dùng ô tô chuyển thẳng về nhà máy xay chà, nông dân được trả tiền ngay sau khi nhà máy xác định độ sạch và độ ẩm. Ngoài ra, khi họ cần gạo ăn, những người đã từng bán lúa cho nhà máy được giảm giá so với giá thị trường. Ở vùng nguyên liệu lúa của Công ty, thuê đội ngũ thương lái mua buôn lúa dùng tàu thuyền của mình để chở hàng cho Công ty.
- Liên kết với các nhà khoa học thuộc Viện lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long hoặc các học viện chuyên về nghiên cứu nông nghiệp như Viện Nghiên cứu phát triển Đồng Bằng Sông Cửu Long – Đại học Cần Thơ, Học viện Khoa học Kỹ thuật Miền Nam,… để giải quyết các vấn đề trong chuỗi giá trị ngành lúa gạo, từ tạo giống, xác định cơ cấu mùa vụ, máy móc và kỹ thuật canh tác, thiết bị và công nghệ bảo quản, chế biến, …..Đầu tư, nghiên cứu những giống lúa mới, giống lúa đặc sản chất lượng cao để tạo sản phẩm gạo thơm đặc sản cho xuất khẩu. Đây là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng thương hiệu gạo Công ty nói riêng và Việt Nam nói chung trên thị trường thế giới.