Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường hàng không

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng logistic tại việt nam (Trang 61 - 62)

5 Tham khảo tại: Bộ giao thông vận tải (2020)

2.2.4.Thực trạng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường hàng không

Hệ thống đường hàng không Việt Nam bao gồm cơ sở hạ tầng là các sân bay quốc tế và các sân bay nội địa. Các hãng hàng không của Việt Nam và một số quốc gia khác cùng khai thác.

Tính đến năm 2020, tại Việt Nam có tổng cộng 22 cảng hàng không có hoạt động bay dân sự, trong đó có 11 cảng hàng không quốc tế và 11 cảng hàng không nội địa. Việt Nam hiện có các hãng hàng không trong nước khai thác thương mại như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific, Vasco, Bamboo Airways... và khoảng 70 hãng hàng không quốc tế đang khai thác thương mại đi và đến Việt Nam.

Thị trường hàng không Việt Nam ngày càng nhộn nhịp nhưng tình trạng quá tải ở các sân bay cũng trở nên nghiêm trọng hơn. Nhu cầu vận tải bằng đường hàng không đang vượt tổng công suất tiếp nhận của hệ thống cảng hàng không sân bay. Cơ sở hạ tầng và trang thiết bị chưa được đầu tư đồng bộ trong hệ thống các sân bay, đường băng, đường lăn tại một số sân bay như Nội Bài (Hà Nội) đang xuống cấp nghiêm trọng; sân bay Tân Sơn Nhất (TP HCM) đang bị quá tải từ trên không lẫn đường băng cất hạ cánh. Do đó, giải quyết hiện trạng quá tải ở các sân bay đang trở nên cấp thiết.

Từ tháng 12/2019, dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc và nhanh chóng lan rộng ra các quốc gia trên thế giới. Nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là ngành vận tải hàng không do việc hạn chế đi lại cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh bị gián đoạn. Nhiều kế hoạch đầu tư mới máy bay của các hãng hàng không đã bị dừng lại. Các hãng hàng không

Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng rất nặng nề bởi trong dịch Covid-19, chỉ khai thác 1 – 2% đội bay.

Ngoài tình trạng quá tải ở các sân bay, một trong những vấn đề nóng của ngành hàng không gần đây là nguồn nhân lực. Sự bùng nổ của ngành hàng không thời gian qua đã kéo theo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực khá lớn. Dự báo của các doanh nghiệp tại “Đề án phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, tốc độ tăng nguồn lao động từ 2,5%-5%/năm, cơ cấu lao động tăng chủ yếu ở lĩnh vực khai thác và cung cấp dịch vụ hàng không, nhất là đội ngũ nhân viên kỹ thuật, nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ và tác nghiệp về hàng không…

Thống kê của Viện Khoa học hàng không cho thấy tính đến tháng 6- 2019, cả nước có khoảng 2.361 thành viên tổ lái (phi công) trong khi nhu cầu dự báo tới năm 2025 phải có 3.586 người và năm 2030 tăng lên 4.235 người. Nhân viên kiểm soát an ninh hàng không hiện có 3.150 người, nhu cầu tới năm 2025 lên tới 5.953 người. Tương tự, đội ngũ tiếp viên hàng không, nhân viên kỹ thuật tàu bay, nhân viên không lưu… hiện có cũng thiếu nghiêm trọng so với dự báo nhu cầu lao động đến 2025 - 2030. Do đó, cần phải nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo nguồn nhân lực hàng không tập trung và gắn với hợp tác quốc tế. Chú trọng xã hội hóa tạo nguồn vốn trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cho ngành.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng logistic tại việt nam (Trang 61 - 62)