Kháng thể chống tinh trùng

Một phần của tài liệu Chẩn đoán vô tinh do bế tắc mắc phải và kết quả nối ống dẫn tinh mào tinh (Trang 39 - 41)

Kháng thể chống tinh trùng là nguyên nhân gây hiếm muộn ở 10% cặp vợ chồng [152]. Do sinh tinh chỉ bắt đầu ở giai đoạn dậy thì, khi hệ miễn dịch đã

hình thành, nên tinh trùng trở thành một kháng nguyên. Hàng rào tinh hoàn - máu, gồm những tế bào Sertoli liên kết chặt chẽ nhằm ngăn hệ miễn dịch tiếp xúc với kháng nguyên bề mặt tinh trùng. Hiếm muộn do tự miễn có thể xảy ra khi có tổn thương hàng rào tinh hoàn - máu. Kháng thể chống tinh trùng có thể làm tinh trùng kết dính hay cản trở tinh trùng thụ tinh noãn [63].

Có nhiều thử nghiệm để phát hiện kháng thể chống tinh trùng. Các thử nghiệm trực tiếp phát hiện kháng thể trong tinh dịch có giá trị hơn các thử nghiệm gián tiếp phát hiện kháng thể trong huyết thanh, vì có kháng thể trong huyết thanh không bảo đảm chắc chắn có kháng thể trong tinh dịch. Thử nghiệm được dùng nhiều nhất là IBTMAR [134]. Với IBT, phức hợp hạt polyacrylamit gắn kháng thể người và kháng thể tinh trùng. Với MAR thì tinh trùng ngưng kết với hồng cầu cừu trong kháng huyết thanh do có sự hiện diện của IgA và IgG [4]. IBT cho nhiều thông tin hơn MAR nhờ khảo sát được số lượng tinh trùng gắn các hạt, loại kháng nguyên kết dính và vị trí các hạt kết dính với tinh trùng [139]. Sự kết dính hay ngưng kết trên 50% tinh trùng di động chứng tỏ có kháng thể chống tinh trùng có ý nghĩa lâm sàng [157]. Nhược điểm của các thử nghiệm này là cần phải có tinh trùng di động tốt; mặt khác, tế bào chết và những mảnh vụn mô có thể dính vào hạt latex làm sai kết quả. Do đó,

phép thử tế bào dòng chảy có lẽ có kết quả đáng tin cậy hơn hai thử nghiệm trên trong việc phát hiện kháng thể chống tinh trùng [116].

Khoảng 60% nam giới có kháng thể chống tinh trùng sau triệt sản, và 1/3 trường hợp bất sản ODT cũng có kháng thể chống tinh trùng. Viêm MT, tinh hoàn ẩn, chấn thương sinh dục là những nguyên nhân khác sinh kháng thể chống tinh trùng [134], [152]. Tại Việt Nam, nghiên cứu về kháng thể chống tinh trùng sau triệt sản do Trần Thị Chính thực hiện năm 1991, ghi nhận 32% trường hợp sau thắt ODT 6 tuần có kháng thể chống tinh trùng và 2,7% nam giới không

hiếm muộn có kháng thể chống tinh trùng [5]. Theo Trần Thị Trung Chiến [4], tỉ lệ sau thắt ODT có kháng thể chống tinh trùng là 50-80% tùy phép thử, đỉnh điểm là 6-12 tháng sau thắt và giảm còn 30% vài năm sau đó.

Theo Silverberg [139], sự hiện diện của kháng thể chống tinh trùng đơn thuần có lẽ không đủ ngăn chặn sự thụ thai. Có hay không có kháng thể chống tinh trùng không phải là chống chỉ định của phẫu thuật thám sát bìu và nối đường dẫn tinh. Mặt khác, theo Lee [86], tần suất có kháng thể chống tinh trùng khác biệt không có ý nghĩa giữa hai nhóm nối ODT-ODT thành công (thông) và thất bại (không thông). Vì thế, tìm kháng thể chống tinh trùng trước mổ trong VTBT mắc phải là không cần thiết [98].

Trong VTBT, vai trò của kháng thể chống tinh trùng là giúp tìm hiểu nguyên nhân những trường hợp đã có tinh trùng sau mổ nối thông đường dẫn tinh, nhưng chất lượng tinh trùng kém và vợ vẫn chưa thụ thai [134]. Tuy nhiên, hiện nay chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu vô sinh do kháng thể chống tinh trùng. Điều trị bằng corticoid thường không hiệu quả so với các biện pháp thụ tinh nhân tạo như bơm tinh trùng đã lọc rửa vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm; ngoài ra, có thể gặp tác dụng phụ của corticoid [4], [98].

Mới đây, Carbone [36] nghiên cứu cho thấy bán tắc tại chỗ nối chứ không phải kháng thể chống tinh trùng là nguyên nhân gây thiểu tinh sau mổ nối thông.

Một phần của tài liệu Chẩn đoán vô tinh do bế tắc mắc phải và kết quả nối ống dẫn tinh mào tinh (Trang 39 - 41)