C: khâu nối bao ngoài ống dẫn tinh với bao xơ mào tinh
CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN
4.3.1. Chìa khoá thành công của kỹ thuật nối ODT-MT
Theo Goldstein [56], thành công của kỹ thuật khâu nối tùy thuộc vào những yếu tố sau:
1. Khâu nối chính xác niêm mạc - niêm mạc.
2. Mối nối không rò. Tinh trùng chui qua lỗ rò ra ngoài tạo thành các u hạt tinh trùng làm tắc chỗ nối.
3. Mối nối không căng. Cần di động đủ ODT và khâu vài mũi chỉ ở bao ngoài ODT vào tinh mạc gần chỗ nối để giữ yên đầu ODT .
4. Máu nuôi tốt. Nếu chỗ cắt ODT có máu nuôi kém, cần phải cắt lại cho tới khi đến mô lành rỉ máu. Nếu cần cắt ODT một đoạn dài, phải di động ODT một đoạn dài hơn để mối nối không căng.
5. Niêm mạc và lớp cơ ODT tốt. Nếu niêm mạc hay miệng ODT ở mặt cắt không co giãn tốt sau khi nong, hay nếu niêm mạc bị lột khỏi lớp cơ hoặc
bong ra dễ dàng, ODT cần được cắt thêm cho tới mô lành. Nếu lớp cơ bị xơ hay sần sùi, ODT cần được cắt thêm.
6. Không hay ít chấn thương. Nếu có quá nhiều sai sót trong kỹ thuật như rách niêm mạc do kim khâu, cần phải cắt lại ODT và khâu nối lại.
Nhất trí với Goldstein, tôi cũng cho rằng sự khác biệt của các kỹ thuật khâu nối ODT-MT chủ yếu ở yêu cầu số 2 (mối nối không rò) và yêu cầu số 6 (kỹ thuật nối không chấn thương).
Trong nối mạch máu, tiểu cầu và các yếu tố đông máu sẽ bít những chỗ trống giữa các mũi chỉ. Trong nối ODT-MT, dịch mào tinh và ODT không có tiểu cầu hay yếu tố gây đông, do vậy khả năng không rò chỗ nối tùy thuộc vào có khâu nối kín hai mép niêm mạc hay không. Kiểu khâu nối ODT với bao xơ MT bên – bên theo Martin [91] nhằm tạo được một đường thông từ lỗ mở của ống MT sang lòng ODT, khó tránh rò. Với các kiểu khâu nối trực tiếp niêm mạc của lỗ mở ống MT với niêm mạc lòng ODT (khâu nối tận – tận [135], hay tận – bên kinh điển [148]), rò được hạn chế. Tuy nhiên, rò vẫn có thể xảy ra tại các khe hở giữa các mũi chỉ. Khâu lồng ống mào tinh vào lòng ODT, lợi dụng dòng chảy của dịch mào tinh ép niêm mạc ống mào tinh áp chặt vào niêm mạc ODT [37], [90] là kiểu khâu giúp làm kín mối nối nhất. Hạn chế được rò thì hiệu quả thông thương cao hơn. Nghiên cứu này (bảng 4.33) cũng cho thấy kiểu khâu lồng tận – bên có hiệu quả thông thương cao hơn kiểu khâu nối bên–bên.
Để hạn chế chấn thương trong kỹ thuật nối, cần hạn chế số mũi chỉ khâu nối. Kỹ thuật khâu tận-tận (hình 1.16) hay tận-bên kinh điển (hình 1.17) cần tới 6-8 mũi chỉ. Các kỹ thuật khâu lồng tuy ít gây chấn thương mối nối nhưng cũng còn nhiều mũi chỉ trong lòng ODT. Kỹ thuật khâu lồng tam giác ba mũi kim (hình 1.18), theo Berger [30], cũng có 6 mũi chỉ trong lòng ODT. Kỹ thuật khâu lồng hai mũi kim (hình 1.19), theo Marmar [90], thực chất có 4 mũi chỉ trong
lòng ODT. Kỹ thuật khâu lồng được áp dụng trong nghiên cứu này (hình 2.25) chỉ còn hai mũi chỉ trong lòng ODT. Số mũi chỉ trong lòng ODT giảm, giúp giảm sự hiện diện của vật lạ, nên có thể giảm hiện tượng tạo sẹo do phản ứng, tránh được tắc tái phát sau khi đã thông. Ngoài ra, nhờ khâu dọc ống mào tinh nên kỹ thuật khâu lồng áp dụng trong nghiên cứu này có không gian thao tác khâu nối rộng rãi. Mặt khác, cũng nhờ hai mũi chỉ ở hai bên lỗ mở ống mào tinh, nên lỗ này luôn được mở rộng, ép vào thành niêm mạc lòng ODT, giúp mối nối vừa kín, vừa hạn chế tắc tái phát (hình 2.25 và 2.26).