C: khâu nối bao ngoài ống dẫn tinh với bao xơ mào tinh
CHƯƠNG 4: BÀN LUẬN
4.3.3.2. Các yếu tố trong lúc mổ
Vị trí nối. Nhiều tác giả đều đồng ý rằng vị trí nối càng gần đuôi mào tinh thì khả năng thành công càng cao [28], [92], [135]. Nối ở đầu mào tinh có tỉ lệ thành công thấp hơn vì ống mào tinh nhỏ, khó nối và tinh trùng tại đó có độ di động kém, khả năng thụ thai giảm. Vì thế, Jarow và cộng sự [75] khuyên chỗ nối càng xa đầu mào tinh càng tốt. Tại thân mào tinh, theo Silber [136], nối ở vị trí nào trên thân mào tinh thì tiên lượng cũng như nhau.
Theo kết quả ở bảng 3.26, tỉ lệ thành công giữa nối ODT-thân MT và ODT-đuôi MT khác biệt không có ý nghĩa (p = 0,4485). Jarow [75] cũng có kết luận tương tự, kết quả phẫu thuật nối ODT-thân MT tương đương nối ODT-đuôi MT.
Kích thước ống mào tinh có ảnh hưởng đến kết quả nối hay không, không thấy tác giả nào đề cập đến. Đường kính ống mào tinh khoảng 0,15-0,25 mm, so với lòng ODT là 0,3 mm [38]. Qua phẫu thuật, tôi thấy rằng nếu mào tinh có bế tắc thì kích thước ống mào tinh tăng lên đáng kể, gần bằng lòng ODT. Để chụp ODT, tôi sử dụng kim luồn mềm tĩnh mạch số 24G (đường kính của kim là 0,47 mm). Lấy kim đó để đo kích thước ống mào tinh. Tất cả trường hợp có tắc, kích thước ống mào tinh ở thân và đuôi mào tinh đều bằng hoặc lớn hơn kích thước kim luồn 24G. Trong khi đó, ống mào tinh ở phần đầu chỉ bằng 1/2- 1/3 kích thước kim 24G. Ống mào tinh càng to thì khâu nối càng dễ.
Sự hiện diện của tinh trùng trong dịch mào tinh. Nếu như nối ODT- ODT vẫn cho kết quả phẫu thuật tốt dù không tìm thấy tinh trùng trong dịch ODT, thì ngược lại trong nối ODT-MT, phẫu thuật chắc chắn sẽ thất bại nếu không có tinh trùng trong dịch ống mào tinh [28]. Belker [28] khuyến cáo bắt buộc phải tìm thấy tinh trùng trong dịch mào tinh thì mới tiến hành nối. Kết quả nối thành công là như nhau dù tinh trùng tại chỗ nối có di động hay không [75].
Tất cả trường hợp nối ODT-MT của nghiên cứu này đều tìm thấy tinh trùng trong dịch mào tinh.