Người tiến hành tố tụng hành chính là những chủ thể độc lập trong hoạt động được mang quyền lực nhà nước để thẩm tra, xem xét và giải quyết khách quan đúng pháp luật. Cá nhân này, trong quá trình thực thi nhiệm vụ của mình được nhà nước uỷ quyền, nhân danh nhà nước trong quá trình giải
quyết vụ án hành chính bao gồm: thẩm phán, hội thẩm nhân dân, kiểm sát viên, thư ký phiên toà.
- Điều 1 Pháp lệnh về Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân quy định “Thẩm phán là người được bổ nhiệm theo quy định của Pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Toà án”. Thẩm phán Toà án hành chính phải hội đủ các điều kiện: là công dân Việt Nam, trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có kiến thức pháp lý, nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế XHCN, có sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên khác với Thẩm phán dân sự, kinh tế, lao động…vv thẩm phán hành chính phải là người có kinh nghiệm trong quản lý nhà nước, có kiến thức xã hội sâu sắc, có sự am hiểu về các lĩnh vực chuyên môn, kỹ thuật liên quan đến việc xét và giải quyết các vụ án quan hệ trực tiếp trong các lĩnh vực đó. Ở một số nước trên thế giới việc tuyển chọn thẩm phán hành chính rất khắt khe, ví dụ ở Pháp, các thẩm phán hành chính thường được tuyển chọn trong các cựu sinh viên của trường ENA-Trường Hành chính Quốc gia- nơi chuyên đào tạo những công chức cao cấp cho bộ máy nhà nước. Ngoài ra, một số được tuyển chọn từ các các cơ quan hành chính nhà nước, họ là những người đã có thời gian công tác nhiều năm trong bộ máy nhà nước và hiện tại họ vẫn đảm nhiệm chức năng tư vấn pháp lý cho chính quyền. Chính vì vậy, họ là người rất thông thạo thực tiễn hành chính, và rất vững vàng khi xét xử. [59;tr.121].
Khi tham gia tố tụng hành chính, thẩm phán có quyền thẩm tra, xác minh và xét xử các vụ án theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Khi xét xử, thẩm phán làm việc độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Thẩm phán chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
-Hội thẩm nhân dân: là những người được bầu hoặc cử theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án hành chính theo quy định của Pháp luật tố tụng hành chính. Hội thẩm nhân dân cũng ngang quyền với thẩm phán khi xét xử cũng như khi ra các bản án, quyết định của toà án. Do
tính chất của vụ án hành chính, nên hội thẩm nhân dân ngoài các tiêu chuẩn quy định tại điều 4 Pháp lệnh về thẩm phán và hội thẩm nhân dân cũng phải là người có trình độ pháp lý cần thiết, có kiến thức chuyên sâu về quản lý nhà nước, am hiểu về các lĩnh vực chuyên môn liên quan đến việc tham gia xét xử vụ án hành chính.
-Kiểm sát viên tham gia phiên toà xét xử hành chính để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
-Thư ký phiên toà: là cán bộ toà án, là người giúp Thẩm phán và Hội đồng xét xử, được giao nhiệm vụ giải quyết vụ án hành chính trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và cả trong khi tiến hành xét xử vụ án.