Thực tiễn giải quyết các vụ án hành chính cho thấy có những sai lầm, thiếu sót có thể phát hiện ngay khi bản án, quyết định chưa có hiệu lực pháp luật và được sửa chữa bằng thủ tục phúc thẩm. Nhưng cũng có những bản án, quyết định của Toà án đã có hiệu lực pháp luật được phát hiện có vi phạm pháp luật và có những tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung bản án và quyết định thì cũng phải sửa chữa bằng một thủ tục nhất định, đó là thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Xét xử giám đốc thẩm và tái thẩm là hai thủ tục đặc biệt của hoạt động tố tụng, không thuộc các giai đoạn tố tụng chung. Thực chất của hai thủ tục đặc biệt này là việc Toà án có thẩm quyền xét lại tính đúng đắn của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp dưới, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật trong quá trình hoạt động tố tụng, bảo đảm tính công minh của bản án và bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia tố tụng. Đối tượng kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm là những bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật bao gồm: những bản án và quyết định sơ thẩm đồng thời chung thẩm; những bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm không bị kháng cáo kháng nghị theo trình tự phúc thẩm; những quyết định của Toà án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; những bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm.
a) Căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm:
Bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong ba căn cứ sau:
-Bản án có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau: Hội đồng xét xử không đúng quy định, xét xử sai thẩm quyền, xét xử vắng mặt kiểm sát viên mà chưa có ý kiến bằng văn bản của Viện kiểm sát trong trường hợp Viện kiểm sát khởi tố vụ án.v.v.
- Phần quyết định trong bản án, quyết định không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, mà cụ thể không phù hợp với hệ thống chứng cứ của vụ án bao gồm chứng cứ trong hồ sơ và những chứng cứ mới đưa ra khi xét xử tại phiên toà.
- Có sai lầm nghiêm trọng trong áp dụng pháp luật, thể hiện các văn bản pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà toà áp dụng làm cơ sở ra bản án quyết định không phù hợp; ví dụ giải quyết khiếu kiện quyết định kỷ luật, buộc thôi việc lại áp dụng các quy định về sa thải theo Bộ luật lao động (Khoản 1, Điều 67, Pháp lệnh).
b) Căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm:
Bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật sẽ bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi phát hiện các căn cứ sau:
- Mới phát hiện được tình tiết quan trọng của vụ án mà đương sự đã không thể biết được khi giải quyết vụ án.
- Đã xác định được lời khai của người làm chứng, kết luận của người giám định, lời dịch của người phiên dịch rõ ràng không đúng sự thật hoặc có giả mạo bằng chứng.
- Thẩm phán, Hội thẩm, Kiểm sát viên, thư ký Toà án cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án.
- Bản án, quyết định của Toà án của quyết định của cơ quan nhà nước mà Toà án dựa vào đó để giải quyết vụ án đã bị huỷ bỏ (Khoản 2, Điều 67- Pháp lệnh).
Những tình tiết trên đây là những tình tiết mới được pháp luật phát hiện khi bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Đó là những tình tiết quan trọng làm thay đổi nội dung của bản án và quyết định. Những tình tiết này có thể là những tình tiết mà đương sự và Toà án không biết được khi giải quyết vụ án, cũng có thể những tình tiết mà người làm chứng, người phiên dịch biết nhưng Toà án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó. Để làm căn cứ kháng nghị theo thủ tục tái thẩm thì những tình tiết này phải được xác minh xem xét một cách thận trọng trước khi ra kháng nghị.
Pháp lệnh quy định chủ thể kháng nghị: Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc thủ tục tái thẩm của bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án các cấp (Điều 68).
Phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án địa phương. Chánh án Toá án nhân dân cấp tỉnh, Viện trưởng viện kiểm sát cấp tỉnh có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc theo thủ tục tái thẩm bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp huyện.
Pháp lệnh quy định thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm là sáu tháng, theo thủ tục tái thẩm là một năm, kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án có hiệu lực pháp luật. Trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà
giám đốc thẩm, tái thẩm, người đã kháng nghị có quyền rút kháng nghị của mình. Toà án ra quyết định đình chỉ việc xét giám đốc thẩm, tái thẩm trong trường hợp người kháng nghị rút toàn bộ kháng nghị.
Uỷ ban thẩm phán Toà án cấp tỉnh giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp huyện bị kháng nghị; Toà hành chính TANDTC giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án cấp tỉnh bị kháng nghị; Uỷ ban thẩm phán TANDTC giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà
quyết định đã có hiệu lực pháp luật của các toà phúc thẩm, Toà hành chính TANDTC bị kháng nghị, Hội đồng thẩm phán TANDTC giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà quyết định của Uỷ ban thẩm phán TANDTC bị kháng nghị. Toà phải nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án và mở phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời hạn một tháng, kể từ ngày nhận được kháng nghị và hồ sơ vụ án.
Thủ tục phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm được quy định tại điều 71 Pháp lệnh. Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Toà hành chính TANDTC gồm 3 thẩm phán. Uỷ ban thẩm phán, Hội đồng thẩm phán TANDTC, Uỷ ban thẩm phán Toà án cấp tỉnh khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia. Uỷ ban thẩm phán TANDTC gồm có chánh án, các phó chánh án, chánh toà các toà chuyên trách của TANDTC; Hội đồng thẩm phán TANDTC bao gồm chánh án, các Phó chánh án TANDTC; các chánh toà, Phó chánh toà các toà chuyên trách hoặc TANDTC; một số thẩm phán TANDTC được chánh án TANDTC cử và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Uỷ ban thẩm phán TAND tỉnh có chánh án, các phó chánh án, chánh các toà chuyên trách TAND cấp tỉnh.
Pháp luật quy định khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên tham gia. Như vậy không nhất thiết phải có chánh án Toà án tham gia. Trường hợp Uỷ ban thẩm phán Toà án cấp tỉnh xét xử giám
đốc thẩm, tái thẩm nếu chánh án TAND tỉnh có tham gia hội đồng xét xử thì chánh án sẽ chủ toạ phiên toà. Trường hợp chánh án không tham gia thì uỷ quyền cho Phó chánh án chủ tọa phiên toà.
Phiên toà giám đốc thẩm, tái thẩm, theo quy định của Pháp lệnh không cần triệu tập đương sự, người có quyền lợi, nghiã vụ liên quan đến kháng nghị, trừ trường hợp Toà án thấy cần phải lắng nghe ý kiến của họ trước khi quyết định.