8. AN SINH XÃ HỘ
9.5. Giáo dục thường xuyên
9.5.1.Quy mô
Mạng lưới giáo dục thường xuyên những năm gần đây phát triển khá mạnh, đáp ứng một phần nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân lao động. Năm 2008, cả nước có 9.010 trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ), tại 81,9% tổng số xã, phường; 66 trung tâm GDTX cấp tỉnh, 583 trung tâm GDTX cấp huyện, quận, 24 trường bổ túc văn hóa, 1.300 trung tâm bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ, 12 trường đại học triển khai các chương trình giáo dục từ xa. Ngoài ra, có nhiều cơ sở đào tạo ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ có yếu tố nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam.
Giai đoạn 2007-2011 cả nước tiếp tục duy trì được kết quả XMC và chống tái mù chữ, duy trì kết quả phổ cập giáo dục tiểu học (PCGDTH) và tiếp tục thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở (PCGDTHCS). Giai đoạn 5SWTO, tỷ lệ biết chữ trong dân số trong độ tuổi từ 10 tuổi trở lên tăng không đáng kể so với giai đoạn 5TWTO. Năm 2008 vẫn duy trì được tỷ lệ biết chữ của dân số trong độ tuổi từ 10 tuổi trở lên là 93,1%.
Tỷ lệ biết chữ của người lớn trong độ tuổi 15-35 đạt 96% vào năm 2006; đến năm 2009 tỷ lệ này giảm chỉ còn 93,5% (trong đó nữ là 91,4% so với nam là 95,8%), nhưng đã tăng trở lại trong những năm 2010-2011. Nhiều xã, phường, thị trấn, quận, huyện, tỉnh, thành vẫn duy trì đạt chuẩn xóa mù chữ - phổ cập giáo dục tiểu học (XMC - PCGDTH), trong đó có một số địa phương số người trong độ tuổi 15-35 đạt chuẩn XMC với tỷ lệ cao.
Phân bổ tỷ lệ biết chữ theo nhóm tuổi cho thấy tình hình giáo dục của nước ta đã được cải thiện một cách đáng kể qua từng giai đoạn. Tỷ lệ biết chữ của nhóm 50 tuổi trở lên là 87,2%. Tỷ lệ biết chữ của nhóm trẻ hơn được tăng dần cho đến mức cao nhất là 98% ở nhóm 15-17 tuổi đối với cả nam và nữ.
Cùng với việc mở các lớp XMC, các địa phương đã quan tâm đến việc mở các lớp học chuyên đề khoa học - đời sống nhằm bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng sống, giúp người học vận dụng ngay kiến thức đã học vào cuộc sống hàng ngày và trong lao động sản xuất. năm học 2005-2006 có 4,1 triệu lượt người tham gia các lớp chuyên đề, năm học 2007-2008 con số này tăng lên hơn gấp 2, đến 9,2 triệu lượt người. Những địa phương có nhiều lượt người theo học các lớp chuyên đề là: Thái Bình, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội, Thừa Thiên Huế.
Được sự quan tâm của xã hội, 5 năm qua công tác giáo dục bổ túc văn hóa (BTVH) đã được đẩy mạnh, tăng cơ hội học tập cho mọi người dân. Số học viên bổ túc tiểu học và
bổ túc THPT tiếp tục tăng đều theo từng năm, ngược lại số học viên bổ túc THCS giảm dần vì đến tháng 8/2008 đã có 42 tỉnh, thành phố đạt chuẩn quốc gia phổ cập giáo dục THCS.
Hàng năm, có khoảng 500 nghìn người theo học các lớp ngoại ngữ A,B,C và khoảng 200 nghìn người/năm theo học các lớp tin học A,B,C; khoảng 20 nghìn người/năm theo học các lớp TCCN tại chức với các ngành, nghề: kĩ thuật chăn nuôi, trồng trọt, tài chính kế toán, địa chính, y tế, điện dân dụng...
Cùng với sự phát triển của phương tiện truyền thông và công nghệ in ấn, giáo dục từ xa đã có những bước phát triển đáng kể. Nhiều chương trình ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng kiến thức về văn hoá xã hội, về nghiệp vụ quản lý kinh tế, thực hiện trên Đài phát thanh và truyền hình. Đến cuối năm 2007 theo phương thức đào tạo từ xa, các trường đại học đã đào tạo được 125,9 nghìn cử nhân về kinh tế, khoa học xã hội nhân văn, sư phạm, ngoại ngữ và công nghệ thông tin, trong đó số tốt nghiệp sư phạm, ngoại ngữ chiếm tỷ lệ lớn.
Hiện nay, tại 12 trường đại học đã có chương trình đào tạo từ xa với 196,3 nghìn học viên theo các chương trình ở trình độ đại học. Trong số này, 29,2% là những học viên có hoàn cảnh khó khăn; 60-70% người đang làm việc tại các cơ quan, xí nghiệp, các cơ sở kinh tế nhà nước và tư nhân. Nhóm ngành có đông người học nhất là sư phạm (chiếm 44,3%), khối kinh tế chiếm 32%. Một số trường đã phối hợp với Đài truyền hình Trung ương và Đài phát thanh – Truyền hình điạ phương để truyền tải các chương trình giáo dục từ xa hoặc đang thí điểm đào tạo qua mạng tin học-viễn thông.
9.5.2.Chất lượng
Mặc dù mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên (trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm ngoại ngữ, tin học) đã phủ kín hầu hết các xã, phường, quận, huyện, nhưng nhìn chung giáo dục thường xuyên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu học tập của mọi người, có một số lĩnh vực như đào tạo tại chức, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học lại phát triển quy mô vượt quá khả năng quản lý, cũng như các điều kiện đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, chất lượng các lớp liên kết đào tạo tại chức, đào tạo từ xa có cấp bằng vẫn còn thấp. Công tác quản lý còn lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng “học giả, bằng thật”. Đây là một khâu yếu của giáo dục thường xuyên ở nước ta.
• Đánh giá đối chiếu với mục tiêu nêu ra trong CLGD 2001–2010
- Đã hoàn thành chỉ tiêu XMC và PCGD tiểu học ở tất cả các tỉnh trước khi bước sang thế kỷ 21. Tỷ lệ người lớn trong độ tuổi từ 15 trở lên biết chữ đạt trên 97,8% (mục tiêu: 98%), trong đó đối với số người có độ tuổi từ 15-35 đạt 98,9% (mục tiêu: 99%).
- Đến năm 2010, đạt tỷ lệ trên 82% các xã, phường, thị trấn trong cả nước xây dựng được các trung tâm HTCĐ (mục tiêu: 80%).
Giáo dục thường xuyên những năm gần đây còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém, vẫn chưa thỏa mãn được nhu cầu học tập cho mọi đối tượng với mọi trình độ. Đến năm 2010, 87,3% quận huyện có trung tâm GDTX cấp huyện (mục tiêu: 100%); 57/63 tỉnh/thành phố có trung tâm GDTX cấp tỉnh. Chất lượng giáo dục thường xuyên thấp, đặc biệt chất lượng đào tạo tại chức, từ xa có cấp bằng; công tác quản lý chất lượng lỏng lẻo.