Cam kết quốc tế của Tổ chức thương mại thế giớ

Một phần của tài liệu Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Thuế xuất nhập khẩu, Thuế nhập khẩu theo pháp luật Việt Nam (Trang 28 - 31)

Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thành lập ngày 01/01/1995 với cơ cấu tổ chức cụ thể, nhằm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ: Quản lý việc thực hiện các Hiệp định của WTO; Diễn đàn đàm phán về thương mại; Giải quyết các tranh chấp về thương mại; Giám sát các chính sách thương mại của các quốc gia; Trợ giúp kỹ thuật và huấn luyện cho các nước đang phát triển; Hợp tác với các tổ chức quốc tế khác.

Ngày 11/01/2007, Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Đây được coi là bước ngoặt lớn trong tiến trình phát triển kinh tế, hội nhập, toàn cầu hóa của Việt Nam. Việc gia nhập WTO đưa đến cho Việt Nam nhiều cơ hội phát triển mới nhưng đồng thời cũng đòi hỏi Việt Nam phải tuân thủ “luật chơi”, đó là phải thực hiện các cam kết liên quan đến thương mại hàng hóa, đầu tư và tài chính, trong đó, phải thực hiện cam kết cắt giảm thuế quan, xóa bỏ hàng rào phi thuế quan (như hạn ngạch, cấp phép xuất nhập khẩu), xóa bỏ trợ cấp, mở cửa thị trường, tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Một số cam kết quốc tế của WTO tác động đến quản lý thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của Việt Nam là:

- Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (Hiệp định GATT); Hiệp định trị giá GATT (Hiệp định thực hiện Điều VII Hiệp định chung về thuế quan và thương mại). Thực hiện theo các cam kết này, Việt Nam sẽ phải điều chỉnh giảm dần các mức thuế suất. Theo biểu cam kết gia nhập WTO, Việt

29

Nam sẽ cắt giảm thuế với khoảng 3800 dòng thuế (chiếm 35,5% số dòng của biểu thuế).

Đồng thời thực hiện cam kết này, Việt Nam sẽ phải tuân thủ thực hiện các quy định về trị giá tính thuế. WTO quy định trị giá tính thuế hay trị giá hải quan (customs value) là trị giá giao dịch. Các nguyên tắc ghi trong điều VII của GATT nhấn mạnh rằng trị giá hải quan không được có tính áp đặt, giả định hay xác định dựa trên trị giá của hàng hoá bản địa. Trị giá hải quan phải là trị giá thực hoặc dựa trên trị giá thực của hàng nhập khẩu hoặc hàng giống với hàng nhập khẩu. Trị giá hải quan được xác định từ một giao dịch bán hàng hay chào bán hàng trong điều kiện kinh doanh thông thường và cạnh tranh hoàn hảo. Nếu không thể khẳng định được trị giá thật của hàng hoá, trị giá hải quan phải được dựa trên trị giá tương đương gần nhất có thể được. WTO có riêng một văn bản quy định về vấn đề này đó là Hiệp định về thực hiện điều VII của GATT. Hiệp định về thực hiện điều VII của GATT của WTO quy định trị giá hải quan của hàng nhập khẩu phải được xác định, ở mức độ nhiều nhất có thể, dựa trên trị giá giao dịch, tức là giá đã hay sẽ phải thanh toán trên thực tế có tiến hành một số điều chỉnh. Khi không thể sử dụng được trị giá giao dịch do không có trị giá giao dịch hoặc mức giá đã bị ảnh hưởng bởi một số điều kiện hay hạn chế nhất định, Hiệp định cung cấp 6 phương pháp thay thế được áp dụng theo trật tự xác định. Đó là: (1) Trị giá giao dịch; (2) Trị giá giao dịch của hàng hoá giống hệt; (3) Trị giá của hàng hoá tương tự; (4) Phương pháp trị giá khấu trừ; (5) Phương pháp trị giá tính toán; (6) Phương pháp suy luận.

Thực hiện Hiệp định trị giá GATT 1994, từ năm 2002 đến 2005, Việt Nam áp dụng 4 phương pháp xác định trị giá tính thuế (bảo lưu 2 phương pháp là phương pháp khấu trừ và phương pháp tính toán), 90% kim ngạch hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam thuộc đối tượng được áp dụng các phương

30

pháp xác định trị giá này. Năm 2004, Việt Nam bỏ hoàn toàn phương pháp xác định trị giá theo bảng giá tối thiểu. Từ năm 2006 đến nay, Việt Nam đã thực hiện đầy đủ 6 phương pháp xác định trị giá theo Hiệp định trị giá GATT/WTO 1994 và các phương pháp này được áp dụng với tất cả kim ngạch hàng nhập khẩu.

- Hiệp định về Quy tắc xuất xứ

Các nước thành viên WTO đã cùng nhau thoả thuận những nguyên tắc áp dụng chung thể hiện ở Hiệp định về Quy tắc xuất xứ (Agreement on Rule of Origin). Hiệp định này có hiệu lực áp dụng kể từ tháng 01 năm 1995.

Trong khuôn khổ hiệp định Ủy ban kỹ thuật của WTO đang phối hợp với WCO để thực hiện hài hòa các quy tắc xuất xứ, mặc dù đến nay công việc vẫn chưa hoàn thành. Tuy nhiên đã quy định rõ rằng:

+ Trong thời gian quá độ (nghĩa là cho đến khi hoàn thành chương trình hài hòa quy tắc xuất xứ theo quy định của Hiệp định), các thành viên phải bảo đảm các quy định về xuất xứ đưa ra yêu cầu rõ ràng.

+ Các thành viên phải bảo đảm áp dụng quy tắc xuất xứ như nhau cho tất cả các mục đích;

+ Theo quy tắc xuất xứ của mình, một nước được xác định là nước xuất xứ của một hàng hóa cụ thể nếu hàng hóa đó được hoàn toàn sản xuất ra ở nước đó hoặc khi nhiều nước cùng tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó thì nước xuất xứ hàng hóa là nước thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng;

+ Các định chế về quản lý quy tắc xuất xứ, không phân biệt đối xử, công bố các văn bản về quy tắc xuất xứ, yêu cầu đánh giá xuất xứ hàng hóa, sửa đổi hoặc ban hành quy tắc xuất xứ mới, thẩm quyền phán quyết về quyết định hành chính của tòa án, trọng tài hoặc tòa án hành chính và định chế về giữ bí mật thông tin... được quy định tương tự như trong giai đoạn quá độ.

31

Việc xác định xuất xứ sẽ ảnh hưởng đến việc áp dụng mức thuế suất đối với hàng hóa nhập khẩu. Tùy theo xuất xứ, hàng hóa nhập khẩu sẽ được áp dụng các mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi khác nhau phụ thuộc vào các cam kết mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Một phần của tài liệu Quản lý Nhà nước trong lĩnh vực Thuế xuất nhập khẩu, Thuế nhập khẩu theo pháp luật Việt Nam (Trang 28 - 31)