Quyền thu phí bảo hiểm tiền gử

Một phần của tài liệu Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi theo pháp luật Việt Nam (Trang 49 - 53)

Có thể hiểu phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tín dụng được phép nhận tiền gửi phải nộp để bảo hiểm cho các khoản tiền gửi của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thuộc đối tượng được bảo hiểm, người gửi tiền không phải nộp phí này. Phí bảo hiểm tiền gửi không nằm trong lãi suất tiền gửi mà được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức nhận tiền gửi.

Các hệ thống BHTG trên thế giới thường lựa chọn áp dụng một trong hai loại phí bảo hiểm là phí đồng hạng và phí dựa trên mức độ rủi ro của từng ngân hàng. Có thể nói, trong giai đoạn đầu hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi thì phương pháp tính phí đồng hạng là phù hợp vì dễ làm và dễ thực hiện, tuy nhiên, phương pháp này không đảm bảo được nguyên tắc thị trường trong hoạt động vì tổ chức tín dụng hoạt động tốt cũng đóng phí như tổ chức hoạt động yếu kém. Đồng thời, phương pháp này không tạo ra khả năng kích thích cạnh tranh giữa các tổ chức tín dụng. Do vậy, từ những năm 1990 trở lại đây, nhiều nước đã chuyển đổi sang áp dụng chế độ tính phí bảo hiểm theo mức độ rủi ro. Theo cách tính phí này, cơ sở xác định tỷ lệ phí bảo hiểm tiền gửi phải nộp căn cứ vào kết quả phân loại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. Hoạt động của ngân hàng nào được đánh gia là có mức độ rủi ro lớn thì sẽ phải chịu tỷ lệ phí bảo hiểm tiền gửi cao, còn ngân hàng hoạt động tốt, mức độ rủi ro thấp sẽ được áp dụng mức phí thấp hoặc còn có thể được miễn phí [33].

Hệ thống thu phí theo mức độ rủi ro đầu tiên được công ty BHTG Mỹ (FDIC) áp dụng vào năm 1993. Kể từ đó số lượng các quốc gia áp dụng hệ thống thu phí phân biệt ngày càng tăng và trên thế giới hiện có khoảng hơn 60 quốc gia đang thực hiện như: Mỹ, Achentina, Canada, Colombia, Pháp, Peru,

50

Bồ Đào Nha, Đài Loan, Thổ Nhĩ Kỳ… Bên cạnh đó, nhiều nước cũng đang xem xét chuyển sang áp dụng hệ thống thu phí theo mức độ rủi ro nhằm tăng cường hệ thống bảo hiểm tiền gửi hiện có. Áp dụng mức phí theo mức độ rủi ro là một chủ trương phù hợp với thông lệ quốc tế, theo đó các tổ chức tham gia BHTG phải nộp phí theo mức tương ứng với mức độ rủi ro có thể xảy ra đối với tổ chức đó. Như vậy, việc áp dụng phí theo mức độ rủi ro có tác dụng đánh giá chính xác mức độ an toàn trong hoạt động, khuyến khích các tổ chức tham gia BHTG nâng cao chất lượng hoạt động, quan tâm việc giảm thiểu rủi ro để giảm phí BHTG phải nộp. Đây cũng chính là mục tiêu của BHTG: giảm thiểu rủi ro của các tổ chức tham gia BHTG chính là giảm thiểu chi phí chi trả tiền gửi được bảo hiểm, ngăn chặn các rủi ro đạo đức, đảm bảo nguyên tắc thị trường và cái được lớn nhất là tính an toàn của cả hệ thống tài chính ngân hàng. Đồng thời, việc triển khai hệ thống phí này còn giúp tổ chức BHTG nâng cao hiệu quả hoạt động một cách đồng bộ theo mô hình giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng, cho người gửi tiền và cho chính quỹ nghiệp vụ bảo hiểm [42].

Việc ấn định số lượng các loại phí là một vấn đề phức tạp mà mỗi quốc gia, tùy theo tình hình thực tế hoạt động của hệ thống ngân hàng mà đưa ra các mức phí khác nhau. Ví dụ, ở Mỹ áp dụng 9 loại phí, ở Canada là 4 loại, Pháp và Achentina không đưa ra các mức phí mà mức phí là một hàm số luôn gắn với tình trạng rủi ro của ngân hàng.

Hiện nay, theo quy định của Luật BHTG năm 2012 thì Thủ tướng Chính phủ quy định khung phí BHTG theo đề nghị của NHNN Việt Nam và căn cứ vào khung phí đó, NHNN quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia BHTG trên cơ sở đánh giá và phân loại các tổ chức này. Đây là quy định mới của Luật BHTG năm 2012 thể hiện việc thu phí BHTG ở Việt Nam đang dần chuyển sang cơ chế tính phí trên cơ sở mức độ rủi ro trong hoạt động của tổ chức tham gia BHTG, tuy nhiên, việc tính phí

51

dựa trên mức độ rủi ro đòi hỏi phải có những điều kiện lớn về tài chính, nhân lực để có thể đánh giá và phân loại chính xác các tổ chức tín dụng. Để có cơ sở thực hiện được cơ chế này thì trước hết cần sớm có những văn bản pháp luật hướng dẫn thi hành Luật và quy định cụ thể các mức phí tương ứng, phù hợp với sự phân loại của các tổ chức tín dụng. Trước khi Luật BHTG năm 2012 được ban hành, Việt Nam áp dụng chính sách phí BHTG đồng hạng, không dựa trên cơ sở mức độ rủi ro của mỗi ngân hàng. Theo đó, tất cả các tổ chức tham gia BHTG không phân biệt loại hình sở hữu, quy mô hoạt động, hiệu quả kinh doanh đều áp chung mức phí cố định 0,15%/năm trên tổng số dư tiền gửi được bảo hiểm.

Các nghiên cứu về hoạt động của các tổ chức BHTG quốc tế chỉ ra rằng, hệ thống phí theo mức độ rủi ro có nhiều ưu điểm nổi trội. Cơ chế này đảm bảo công bằng giữa các tổ chức tham gia BHTG theo nguyên tắc tổ chức có rủi ro cao hơn phải đóng mức phí cao hơn, từ đó tạo động lực nâng cao chất lượng quản trị rủi ro và áp dụng các chuẩn mực quốc tế của tổ chức tham gia BHTG. Như vậy, phí BHTG theo mức độ rủi ro có thể sử dụng làm thước đo sự lành mạnh của mỗi tổ chức tham gia BHTG. Mặt khác, quy định các khung phí, mức phí phù hợp sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ tích lũy quỹ BHTG nhằm đảm bảo nguồn lực ứng phó tốt hơn với rủi ro tăng cao của hệ thống ngân hàng. Hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, Tổng công ty BHTG Malaysia đã có nhiều kinh nghiệm và Tổng công ty BHTG Indonesia đã bắt đầu triển khai phí theo mức độ rủi ro.

Thực tiễn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua cho thấy, rất nhiều quốc gia đã gặp khó khăn trong việc tìm nguồn tài chính xử lý các ngân hàng đổ vỡ. Mỹ đã phải tăng phí BHTG; một số quốc gia Châu Âu đã phải vay tiền với quy mô lớn từ các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, hai giải pháp trên đều chưa thực sự tối ưu. Việc tăng phí BHTG trong giai đoạn khủng hoảng tài

52

chính khiến khó khăn của hệ thống ngân hàng trở nên trầm trọng hơn, và các quốc gia như Hy Lạp, Cộng hòa Ireland đã phải tuyên bố vỡ nợ khi vay tiền để cứu trợ ngân hàng [43].

Về vấn đề thời hạn nộp phí BHTG, Luật BHTG năm 2012 vẫn kế thừa những quy định trước đây, theo đó phí BHTG được tính và nộp định kì hàng quý trong năm tài chính; tổ chức tham gia BHTG phải nộp phí BHTG cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp. Có thể thấy rằng, việc xác định mức phí và thời hạn nộp phí đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã được pháp luật Việt Nam quy định rõ ràng và cụ thể. Trong trường hợp tổ chức tham gia BHTG vi phạm thời hạn nộp phí bảo hiểm thì ngoài việc phải nộp đủ số phí còn thiếu thì còn phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm, trước đây mức phạt này là 0,1% (Điều 8 Nghị định số 89/1999/NĐ-CP). Sau thời hạn nộp phí bảo hiểm tiền gửi 30 ngày mà tổ chức tham gia BHTGVN có quyền đề nghị NHNN trích tài khoản của tổ chức tham gia BHTG tại NHNN để nộp phí bảo hiểm và tiền phạt. Trước đây, pháp luật quy định trong trường hợp tài khoản của tổ chức tham gia BHTG không đủ số dư để thực hiện việc trích nộp nêu trên thì tổ chức BHTGVN có văn bản báo cáo NHNN Việt Nam và nếu trong 03 tháng tổ chức tham gia BHTG không nộp đủ phí bảo hiểm thì BHTGVN có quyền thu hồi chứng nhận BHTG của tổ chức tham gia bảo hiểm. Theo quy định mới của Luật BHTG thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của tổ chức BHTG về việc trích tài khoản của tổ chức tham gia BHTG để nộp phí BHTG thì NHNN có trách nhiệm phải xử lý. Điều này phần nào thể hiện được vị thế độc lập tương đối của tổ chức BHTG với NHNN khi hai cơ quan này cùng chia sẻ trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng hoạt động của mình chứ không đơn thuần là quan hệ hành chính như trước đây. Còn trường hợp tổ chức BHTG có văn bản đề nghị NHNN

53

đình chỉ hoặc tạm đình chỉ hoạt động tiền gửi thì phải sau khi tổ chức tham gia BHTG không nộp hoặc nộp không đầy đủ phí BHTG mà NHNN phải trích từ tài khoản của tổ chức đó để nộp phí lần thứ hai. Ngoài ra luật mới có quy định thêm cho tổ chức BHTG có trách nhiệm xử lý trong trường hợp có sự thiếu chính xác trong việc tính và nộp phí, theo đó tổ chức BHTG có trách nhiệm thông báo và truy thu số phí còn thiếu hoặc thoái thu đối với số phí nộp thừa trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày phát hiện có sự thiếu chính xác. Điều này sẽ góp phần hạn chế sai sót trong việc tính và nộp phí BHTG, từ đó góp phần nâng cao trách nhiệm của đội ngũ nhân lực làm công tác tính và thu phí BHTG.

Thu phí trên cơ sở rủi ro là một bước tiến cần thiết để khẳng định sự phát triển của hoạt động BHTG tại Việt Nam. Tuy nhiên khó khăn lớn nhất là phải đưa ra được phương pháp tính phí mang tính thuyết phục cao, đảm bảo các điều kiện tạo ra sự công bằng giữa các tổ chức tín dụng, theo thông lệ quốc tế và phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam. Vấn đề này đã được BHTGVN nghiên cứu và xây dựng đề án thu phí BHTG theo mức độ rủi ro. Với những tính năng vượt trội, mô hình tổ chức BHTG có thể giảm thiểu rủi ro, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đảm bảo tính ổn định và an toàn hệ thống, đề án thu phí trên cơ sở rủi ro sẽ được phê duyệt trong thời gian sớm nhất.

Một phần của tài liệu Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi theo pháp luật Việt Nam (Trang 49 - 53)