Các yếu tố ảnh hưởng đến hoạt độ của lectin

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thu nhận lectin từ rong đỏ eucheuma denticulatum (Trang 27 - 28)

1.2.5.1. Ảnh hưởng của pH

Các nghiên cứu về điểm đẳng điện của lectin cho thấy tại điểm đẳng điện (pI) hoạt độ lectin là bé nhất. Tại đó, lectin dễ bị kết tủa. Ở giá trị pH ngoài điểm đẳng điện, lectin ở trạng thái phân ly tích điện, dễ hòa tan và có hoạt độ. Mỗi dạng lectin thường có pH thích hợp với hoạt độ của nó, đó là giá trị pH mà ở đó hoạt độ lectin mạnh nhất hoặc duy trì ở trạng thái ổn định. Khi pH thuộc vùng axit và kiềm mạnh, hoạt độ lectin giảm hoặc mất hoàn toàn. So với lectin từ thực vật bậc cao hay động vật, lectin từ rong biển có khoảng pH thích hợp rất rộng, hầu hết pH từ 5 đến 9, đặc biệt có một số loại rong như: Boodlea composite, Dictyosphaeria versluysii hay Valonia

fastigiata không bị giảm hoạt độ trong khoảng pH từ 3 đến 9 [22].

1.2.5.2. Ảnh hưởng của nhiệt độ môi trường

Lectin có bản chất là protein và glycoprotein nên nhiệt độ có ảnh hưởng đến hoạt độ của chúng. Ở nhiệt độ cao, protein lectin bị biến tính không thuận nghịch. Hiện tượng sốc nhiệt cũng có thể làm mất hoạt độ lectin. Nhiệt độ tối thích là nhiệt độ tại đó lectin thể hiện hoạt tính mạnh nhất. Mỗi lectin có nhiệt độ tối thích khác nhau phụ thuộc vào bản chất và nguồn gốc của lectin. Đặc tính quan quan trọng này đã dẫn

đến những yêu cầu nghiêm ngặt trong kỹ thuật tách chiết và tinh sạch lectin trong các nghiên cứu về cấu trúc cũng như nghiên cứu ứng dụng.

So với lectin từ thực vật bậc cao hay động vật, hoạt độ của lectin từ rong biển khá ổn định với mức nhiệt độ khá cao. Khảo sát sự ảnh hưởng của nhiệt độ lên hoạt tính ngưng kết hồng cầu của lectin từ rong Pterocladiella capillacea cho thấy hoạt độ của nó vẫn giữ ổn định ở 60oC trong 30 phút, 50% hoạt độ chỉ bị mất đi sau 30 phút ở mức nhiệt 70oC và mất hoàn toàn hoạt tính ở 80oC sau 10 phút [41]. Thí nghiệm này cũng có kết quả tương đồng với nhiều nghiên cứu của các tác giả khác khi khảo sát sự ảnh hưởng của nhiệt độ đến hoạt tính ngưng kết hồng cầu của lectin từ rong biển [15].

1.2.5.3. Ảnh hưởng của một số nhân tố khác

Enzyme có khả năng làm tăng hoạt độ lectin. Trong nhiều thí nghiệm, các hồng cầu được xử lý bằng các enzyme như: trypsin, chimotrypsin, papain,… thì chúng dễ bị lectin làm ngưng kết. Như khi xử lý hồng cầu nhóm máu O bằng papain thì hoạt độ của lectin từ dòng rong xanh Ulva lactuca tăng lên 7 - 8 lần [28]. Sở dĩ có hiện tượng này là vì khi hồng cầu xử lý với enzyme thì chính enzyme đã thủy phân giới hạn một số protein trên bề mặt tế bào hồng cầu, làm phơi ra các nhóm carbohydrate của nó. Vì vậy, lectin dễ dàng gắn kết vào màng tế bào hồng cầu hơn, dẫn đến hoạt độ lectin tăng lên.

Cho đến nay, chưa có một công trình nào nghiên cứu đầy đủ về sự ảnh hưởng của ion kim loại đến hoạt tính ngưng kết hồng cầu của lectin. Mặc dù theo kết quả nghiên cứu của Benevides và Fabio năm 1998 thì hoạt tính ngưng kết hồng cầu của lectin từ 2 loài rong đỏ Enantiocladia duperreyiVidalia obtusiloba phụ thuộc vào sự có mặt của các cation hóa trị II như: Ca2+ và Mn2+ [10, 15]. Tuy nhiên, theo một số dẫn liệu khoa học của Hori và Keiji năm 1990; Leite và cộng sự năm 2005 cho thấy hoạt tính ngưng kết hồng cầu của lectin từ rong biển không bị ảnh hưởng bởi các ion kim loại [19, 28].

Một phần của tài liệu Nghiên cứu thu nhận lectin từ rong đỏ eucheuma denticulatum (Trang 27 - 28)