1.4.2.1. Quản lý hoạt động lập kế hoạch
- Điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề
Xác định nhu cầu đào tạo là bước rất quan trọng trong hoạt động đào tạo. Bởi vì, đào tạo là hoạt động đòi hỏi nhiều thời gian và chi phí tài chính lớn. Nếu đào tạo tốt có thể thu hồi lại các chi phí đó, mang lại lợi ích cho cá nhân và xã hội, ngược lại sẽ làm tăng chi phí. Khi đánh giá nhu cầu đào tạo cần xem xét đến nhu cầu của xã hội, các chương trình phát triển kinh tế nông thôn có tính đến các đặc thù của từng vùng; yêu cầu về ngành nghề và trình độ; hiện trạng chất lượng nhân lực. Việc xác định nhu cầu đào tạo của một ngành, lĩnh vực rất có ý nghĩa cho các cơ sở đào tạo chuẩn bị về nguồn lực đào tạo. Thực hiện điều tra khảo sát giúp cho người tổ chức dạy nghề nắm bắt được nhu cầu học nghề của người lao động như thế nào, từ đó xây dựng kế hoạch mở các lớp dạy nghề cho LĐNT.
Muốn đào tạo nghề cho LĐNT thành công, học nghề xong ứng dụng hiệu quả, trước hết phải quan tâm, chú trọng đến công tác khảo sát và dự báo nhu cầu của lao động. Nắm được nhu cầu, đáp ứng nhu cầu sẽ là con đường ngắn nhất để triển khai có chất lượng việc đào tạo nghề cho LĐNT.
Vì vậy công tác điều tra, khảo sát cần xác định nhu cầu học nghề của LĐNT theo từng nghề, cấp trình độ; đặc biệt là nhu cầu học nghề của các đối tượng là người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác; Dự báo nhu cầu sử dụng LĐNT qua đào tạo nghề (số lượng, chất lượng, cơ cấu)
của các Công ty, Doanh nghiệp, các Cơ sở sản xuất, các ngành kinh tế và thị trường lao động...từ đó các địa phương, đơn vị tổ chức dạy nghề nắm bắt được nhu cầu học nghề để xây dựng kế hoạch mở lớp đào tạo nghề cho LĐNT phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời phải xác định được năng lực đào tạo của các cơ sở dạy nghề cho LĐNT gồm: mạng lưới, nghề đào tạo, chương trình, học liệu, giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, cơ sở vật chất thiết bị dạy nghề.
- Lựa chọn cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề
Căn cứ vào năng lực đào tạo của mỗi cơ sở dạy nghề để lựa chọn cơ sở dạy nghề phù hợp cho từng địa phương và từng nghề dự kiến tổ chức đào tạo.
Để đảm bảo cho LĐNT sau khi tham gia học nghề nắm vững kiến thức và thuần thục các kỹ năng về nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp thì việc lựa chọn cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cũng là vấn đề rất cần thiết.
Vì dạy nghề cho LĐNT còn phụ thuộc vào thời gian, đặc thù của ngành nghề và nhóm đối tượng tại mỗi địa phương nên việc lựa chọn cơ sở đủ điều kiện sẽ giúp cho người học nghề được đáp ứng đủ các điều kiện về môi trường học tập, được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị học tập đối với các yêu cầu đặt ra.
- Lựa chọn giáo viên, người dạy nghề
Cần phải lựa chọn giáo viên, người dạy nghề thích hợp tham gia dạy nghề cho LĐNT. Thông thường, các lớp dạy nghề cho lao động được tổ chức ngay tại xã (lớp học lưu động), gần nơi người lao động sinh sống để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động tham gia học nghề. Công việc này đòi hỏi giáo viên, người dạy nghề tham gia dạy nghề không chỉ có chuyên môn giảng dạy mà còn cần phải có sức khỏe, tâm huyết, khả năng thích ứng với môi trường và văn hóa đặc thù của mỗi địa phương.
Trong công tác đào tạo nghề, quan trọng nhất là yếu tố dạy và học bởi có dạy tốt và học tốt thì đến khi kết thúc khóa học, học viên mới sản xuất được những sản phẩm có chất lượng, đáp ứng được tay nghề mới đảm bảo
được việc làm, mang lại thu nhập cho bản thân. Giáo viên đóng vai trò quyết định trong quá trình dạy học, do đó việc lựa chọn giáo viên với phương pháp dạy học phù hợp với đối tượng học là vấn đề cực kỳ quan trọng trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy nghề. Tùy theo loại hình đào tạo, lực lượng giáo viên phải được lựa chọn xây dựng tương ứng, có phương pháp dạy học khoa học, cụ thể: phải là những người có trình độ, tay nghề kỹ thuật, tâm huyết với nghề và chịu trách nhiệm về nội dung cũng như kết quả đạt được của học viên sau khi kết thúc khóa học.
Bên cạnh đó cần phải huy động được các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho LĐNT đáp ứng yêu cầu giảng dạy ở các trình độ khác nhau, đội ngũ giáo viên dạy nghề, người dạy nghề cần được phát triển tương ứng về số lượng, đảm bảo chất lượng.
1.4.2.2. Quản lý việc thiết kế chương trình đào tạo
Biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình
Nắm bắt được các nhu cầu các nghề muốn học của người lao động, cơ sở dạy nghề sẽ tiến hành biên soạn chương trình, giáo trình dạy nghề trong trường hợp nghề đó chưa được xây dựng hoặc chỉnh sửa nếu chương trình, giáo trình đó đã được biên soạn để đáp ứng nhu cầu của người học, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội của địa phương.
Để tổ chức các lớp học nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp cho LĐNT đòi hỏi người dạy phải có chương trình, giáo trình để giảng dạy. Việc biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình phải luôn được đổi mới theo yêu cầu của thị trường lao động và thường xuyên được cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu của người tham gia học nghề, phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên, sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương.
Vì vậy việc biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình cần phải huy động được các nhà khoa học, nghệ nhân, cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao
động có tay nghề cao tại các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh, các trung tâm khuyến nông - lâm - ngư, nông dân sản xuất giỏi tham gia góp ý xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề cho LĐNT để đáp ứng được điều kiện đặc thù của mỗi địa phương.
Như vậy việc biên soạn, chỉnh sửa chương trình, giáo trình sẽ giúp cho người giảng dạy đưa ra được mục tiêu bài học, nội dung bài học, câu hỏi và bài tập thực hành, ghi nhớ phù hợp với từng ngành nghề đào tạo từ đó có kết cấu hợp lý giữa lý thuyết và thực hành nhằm cung cấp những kiến thức, kỹ năng cần thiết dành cho người học và giúp người học nghề dễ hiểu, nắm vững lý thuyết và thuần thục các kỹ năng trong thực hành.