6. Bố cục của đề tài
3.2.3.2. Hoàn thiện những quy định kê biên vốn góp
Theo quan điểm người viết, để thực hiện việc kê biên vốn góp theo quy định tại Điều 92 Luật Thi hành án dân sự đạt hiệu quả và đúng pháp luật, pháp luật thi hành án nên thống nhất ở một số điểm sau:
Thứ nhất, sửa đổi tên điều luật 92 thành “Kê biên phần vốn góp”.
Như đã nói trên, Chấp hành viên gặp khó khăn trong việc kê biên phần vốn góp là do không xác định rõ được đâu là tài sản góp vốn, đâu là phần vốn góp. Xảy ra vấn đề trên là do tên điều luật và nội dung điều luật không thật sự đồng nhất. Khái niệm “Vốn góp” gây cho người đọc nhiều cách hiểu khác nhau, đó có thể là tài sản góp vốn cũng có thể là phần góp vốn. Trong khi đó nội dung điều luật khẳng định rõ đối tượng kê biên là là phần vốn góp của người phải thi hành án trong doanh nghiệp, mà không phải là kê biên tài sản đã góp vốn hay một tài sản cụ thể khác thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Do đó, luật thi hành án dân sự, cụ thể Điều 92 cần xác định rõ đối tượng kê biên là phần vốn góp ngay từ tên điều luật, tránh tình trạng hiểu sai nghĩa.
Thứ hai, bổ sung quy định “Các thành viên trong doanh nghiệp được quyền ưu tiên mua phần vốn góp bị kê biên. Nếu các thành viên của doanh nghiệp không mua, Chấp hành viên tiến hành bán đấu giá phần vốn góp đó. Trình tự, thủ tục bán theo quy định của pháp luật về bán đấu giá tài sản. Người mua phần vốn góp sẽ trở thành thành viên của doanh nghiệp”.
Trên đây là quan điểm cá nhân của người viết. Việc kê biên vốn góp dù muốn hay không cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, nên cơ quan chức năng cần ban hành một văn bản hướng dẫn, quy định rõ trình tự thủ tục tiến hành kê biên, xử lý phần vốn góp của người phải thi hành án để hạn chế tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp. Cụ thể: Quy định quyền ưu tiên mua phần vốn góp đó của các thành viên trong doanh nghiệp. Vấn đề vốn điều lệ ảnh hưởng rất lớn đế hoạt động kinh doanh, uy tín của một doanh nghiệp. Do đó, việc ưu tiên để các thành viên doanh nghiệp mua lại phần vốn góp bị kê biên là hoàn toàn hợp lý, đảm bào việc kinh doanh của doanh nghiệp vẫn diễn ra bình thường, không chịu nhiều tác động. Pháp luật hiện hành chưa có quy định này, nên trong nhiều tình huống, các thành viên trong công ty muốn mua lại phần vốn góp bị kê biên lại phải chờ đến lúc đem ra bán đấu giá. Như vậy là không hợp lý, phát sinh thêm chi phí không cần thiết (chi phí bán đấu giá). Trường hợp các thành viên trong doanh nghiệp không mua lại phần vốn góp đó, Chấp hành viên sẽ tiến hành bán đấu phần vốn góp theo thủ tục bán đấu giá tài sản, vì đây cũng được xem là một loại tài sản. Và để đảm bảo quyền lợi của người mua, pháp luật thi hành án dân sự nên quy định, người mua tài sản là phần vốn góp đương nhiên trở thành thành viên của doanh nghiệp.