- Khái niệm sinh viên
“Sinh viên” là thuật ngữ dùng để chỉ những người đang học tập ở các trường đại học và cao đẳng. Độ tuổi chủ yếu của họ trong khoảng 18 đến 25, lứa tuổi này ở con người đã có sự trưởng thành nhất định về mặt sinh học lẫn quan hệ xã hội.
Về mặt sinh học, sinh viên ở giai đoạn thanh niên của đời người, cơ thể đang dần đi đến hoàn thiện về mọi mặt: cơ bắp, chiều cao, trọng lượng tăng nhanh, các đặc điểm sinh lý, giới tính phát triển đến độ chín muồi, đặc biệt là sự phát triển của bộ não. So với thiếu niên, tế bào thần kinh của sinh viên có khả năng phân tích, dẫn truyền thông tin tốt hơn (vì nó hoàn thiện và phân đốt, phân nhánh đều hơn). Do vậy, khả năng hoạt động trí tuệ ở sinh viên vượt xa học sinh phổ thông. Có thể nói, đây là độ tuổi cơ thể con người đang ở thời kỳ hài hoà, đẹp đẽ với sinh lực dồi dào nhất.
Về đời sống tâm lý, xã hội, ở sinh viên có sự phong phú, phức tạp, bộc lộ nhiều mối quan hệ khác nhau, phản ánh tồn tại xã hội nhiều vẻ, đa dạng. Với tâm lý nhạy cảm, thích cái mới lạ, ưa tìm tòi, khám phá, sáng tạo, sinh viên là những người giàu ước mơ, hoài bảo, giàu trí tưởng tượng, luôn mong muốn tự khẳng định mình, không lệ thuộc vào người khác, có nhu cầu cao về học vấn, về tình bạn, tình yêu nam nữ, thích công bằng, ghét bất công, thích giao lưu và các hoạt động xã hội. Vì vậy, về mặt xã hội, sinh viên đã biết quan tâm đến tương lai của
bản thân và suy nghĩ đến sự phát triển của dân tộc. Ở họ, bước đầu đã ý thức được trách nhiệm của người công dân cũng như nghĩa vụ của mình đối với tổ quốc.
Về hoạt động, sinh viên khi nhập học, hoạt động chính chi phối họ là học tập. Đây chính là thời gian quá độ chuyển từ học tập là cơ bản sang hoạt động chủ đạo là lao động về sau này, đồng thời cũng là giai đoạn quá độ chuyển từ vị trí là học trò sang vị thế “nhà trí thức” sinh viên hiện tại và là trí thức của tương lai. Dưới sự điều khiển, hướng dẫn của giảng viên, hoạt động học tập của họ có tính chất nghiên cứu nhằm nắm lấy tri thức, các kỹ năng, kỹ xảo cần thiết cho nghề nghiệp của mình sau này. Tri thức họ được trang bị gồm tri thức cơ bản, tri thức chuyên ngành của một lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hoá…cụ thể nào đó, theo hướng cơ bản, hiện đại và thiết thực, nhằm đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của thị trường sức lao động, của sự phát triển đất nước và sự hội nhập khu vực cũng như quốc tế.
Tóm lại, nói đến sinh viên là nói đến tầng lớp trí thức trẻ trong tương lai, có trình độ, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, là những người có lòng nhiệt tình và cũng rất nhạy cảm trong cuộc sống. Đây là nét nổi bật có ở tầng lớp sinh viên. Những ước mơ, những hoài bão lớn là động lực chắp cánh cho người sinh viên thời nay bay cao, bay xa. Với lòng nhiệt tình, tính hăng say, không chịu lùi bước trước những khó khăn, thử thách của cuộc đời, đại bộ phận sinh viên có chí tiến thủ, vươn lên trong học tập. Bên cạnh những ưu đểm đó, trong đội ngũ sinh viên vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: tính bồng bột, muốn tự khẳng định mình, trong khi bản thân chưa có điều kiện, và khi thất bại thì dễ nản chí và trượt dài. Do vậy, hiểu rõ đặc điểm tâm - sinh lý lứa tuổi sinh viên là một vấn đề hết sức quan trọng để có phương pháp giáo dục, vận động sinh viên một cách khoa học, thiết thực, phù hợp.
Chính vì vậy, việc xây dựng đạo đức mới cho sinh viên có một ý nghĩa quan trọng đặc biệt. Làm bất cứ nghề gì cũng cần đến lương tâm, trách nhiệm,
đạo đức của người làm nghề, nhưng với đặc thù của ngành y thì người hành nghề cần phải đề cao đạo đức nghề nghiệp mà xã hội thường gọi là y đức.
- Đặc thù của sinh viên ngành y
Đặc thù lao động của ngành y tế liên quan đến tính mạng, sức khoẻ con người, là ngành nhân đạo (thầy thuốc) vì vậy đòi hỏi người cán bộ y tế phải tinh thông nghề nghiệp, phải có lương tâm nghề nghiệp. Xã hội càng phát triển thì nghề y là nghề càng được coi trọng. Nên thời gian để làm được việc đối với người học y thường kéo rất dài. Nghề y là một nghề gắn chặt với trách nhiệm, nên ngay từ trong trường, sinh viên trường y đã vừa học lý thuyết vừa thực tập; lịch học kín và dài nhất so với các ngành học khác. Với đặc điểm là trường của khoa học gắn với thực nghiệm, mà lại thực nghiệm trên cơ thể người nên đòi hỏi sinh viên trường y phải có kiến thức chính xác tuyệt đối. Y khoa không có thần đồng mà phải khổ luyện. Sau khi tốt nghiệp, ít nhất họ phải trải 10 năm trong nghề mới có kinh nghiệm. Có thể nói, đối với ngành y, không có ngày tết, ngày nghỉ, ngày lễ mà chỉ có ngày làm việc, ngày trực và ngày không trực và đối với sinh viên cũng đã phải làm quen với đặc điểm này ngay từ năm thứ hai.
Lao động ngành y là loại lao động gắn với trách nhiệm cao trước sức khoẻ của con người và tính mạng của người bệnh. Là lao động hết sức khẩn trương giành giật từng giây từng phút trước tử thần để cứu tính mạng người bệnh. Là lao động liên tục cả ngày đêm, diễn ra trong điều điện không phù hợp của quy luật sinh lý con người làm ảnh hưởng rất nhiều đến sức khoẻ nhân viên y tế, trực đêm, ngủ ngày và ngược lại. Sinh viên trong thời gian đi thực tập sớm phải tiếp xúc hàng ngày và liên tục với người bệnh mang mầm bệnh như viêm gan siêu vi, bạch hầu, lao phổi, HIV/AIDS, đặc biệt là tại các chuyên khoa như truyền nhiễm, lao, ngoại khoa, các khoa có can thiệp phẫu thuật, thủ thuật (ví dụ răng hàm mặt, sản khoa, hồi sức cấp cứu). Tuy thầm lặng, nhưng nghề y rất nhạy cảm với dư luận xã hội. Bao đóng góp cải thiện sức khỏe người bệnh đó sẽ lu mờ đi chỉ đôi khi với những sự cố đáng tiếc hoặc bất khả kháng. Tác
phẩm hoàn hảo và phức tạp nhất của tạo hóa là con người mà trong đó phần quý nhất chính là sức khỏe; do vậy, mất mát lớn nhất của tạo hoá là con người và mất mát lớn nhất của con người là sức khoẻ. Đối tượng của nghề là con người đang bị bệnh cho nên sinh viên ngành y dễ đối diện với những phản ứng nhạy cảm từ người bệnh và cộng đồng. Con người là vốn quý nhất. Bệnh tật thiên biến vạn hóa theo thời gian. Y học ngày càng phát triển, đòi hỏi nhiều cách thức chữa trị phải có bằng chứng. Vì vậy, trong khi sinh viên các ngành khác có thể ung dung mà dừng lại với tấm bằng tốt nghiệp thì trong ngành y, không chỉ học trong trường y mà họ phải học suốt đời. Cái đúng, cái sai trong y học nhiều khi mong manh đòi hỏi người hành nghề phải hết sức thận trọng, phải cập nhật kiến thức liên tục mới giảm được những sai sót đáng tiếc và đem lại lợi ích tối đa cho người bệnh.
Ngành y là loại lao động luôn tiếp xúc với những người có sức khỏe về thể chất và tinh thần không bình thường. Người bệnh là người có tổn thương về thể chất và tinh thần, họ luôn lo lắng bức xúc với tình trạng bệnh tật của mình. Vì vậy họ buồn phiền, cáu gắt dễ có phản ứng phức tạp, nếu như trình độ nhận thức hiểu biết chưa tốt, thiếu giáo dục, thiếu bản lĩnh thì họ sẽ có những hành vi không đúng mức với thầy thuốc - những người đang tìm cách cứu sống họ. Khi trong gia đình có người bị bệnh cả nhà lo lắng đưa người bệnh đến cơ sở y tế, họ yêu cầu người thầy thuốc và bệnh viện quá mức trong lúc đáp ứng của bệnh viện không có thể, họ coi trách nhiệm của bệnh viện là phải đáp ứng nhu cầu của họ mà không thấy trách nhiệm của mình là phải hợp tác với bệnh viện để tìm mọi cách tốt nhất điều trị người bệnh. Do đó dễ gây thắc mắc, căng thẳng giữa thầy thuốc và người bệnh.