Đây là thời kỳ phồn thịnh của ngoại thương Đàng Trong

Một phần của tài liệu giao thương đàng trong với các nước trên thế giới thế kỷ xvii xviii (Trang 102 - 112)

Có lẽ sự thù hận cá nhân và cao hơn nữa là của dòng họ là nỗi bức xúc lớn nhất mà Nguyễn Hoàng đã cùng thuộc hạ của mình rời bỏ quê nhà Thanh Hóa vượt biển vào Nam năm 1558. Cũng với động cơ trả thù là trên hết mà Nguyễn Hoàng đã tạo dựng một cơ nghiệp vững vàng cho con cháu của ông trong hơn hai trăm năm tồn tại. Chức Trấn thủ Thuận Hóa rồi sau đó kiêm Trấn thủ Quảng Nam đối với bản thân ông có ý nghĩa cực kỳ to lớn, bởi nó đã tạo một thế đứng vững chãi để ông tiến thân trên con đường chính trị với một tham vọng tiến tới xây dựng một chính quyền cát cứ lâu dài. Với cương vị là Trấn thủ, chính quyền Đàng Trong không chỉ có danh nghĩa chính thức để mở rộng hơn nữa ảnh hưởng về phía Nam mà còn tạo thêm được thế phòng thủ có chiều sâu cho một chủ trương chiến lược.

Vùng đất Thuận - Quảng, một trung tâm kinh tế quan trọng của xứ miền Trung, với một không gian đồng bằng khá lớn, có tài nguyên và nguồn lâm thổ sản phong phú, có những cảng biển nổi tiếng đã từng thu hút thương khách nước ngoài trong nhiều thế kỷ trước đó.

Thế cuộc chính trị phức tạp của Đại Việt trong các thế kỷ XVI - XVII đã đặt lên vai những nhà cầm quyền hai xứ Trong - Ngoài trách nhiệm nặng nề. Đối với Nguyễn Hoàng, việc tận dụng và phát huy những tiềm năng của xứ Thuận - Quảng để nó có khả năng đảm bảo cho một tương lai chính trị mà thuở ra đi ông đã bắt đầu toan tính là việc làm tiên quyết. Nhận thấy những hạn chế của điều kiện tự nhiên đối với cư dân nông nghiệp vùng khô, Nguyễn Hoàng và sau đó là Nguyễn Phúc Nguyên đã xác lập một chiến lược phát triển mới với những bước đi và hình thức khác biệt nhăm hoà nhập mạnh mẽ hơn với những bước chuyển biến chung của khu vực. Cách thức lựa chọn con đường phát triển đó đã đưa Đàng Trong hội nhập với mô hình phát triển chung của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á lúc bấy giờ là hướng ra biển. Phát triển ngoại thương đã trở thành một chiến lược kinh tế liên quan đến sự sống còn của thể chế mà các chúa Nguyễn ra công tạo dựng.

Với chủ trương trọng thương, các chính sách khuyến khích kinh tế đối ngoại của các chúa Nguyễn đã có tác dụng cỗ vũ nên thương mại Đàng Trong. Vào thế kỷ XVII - XVIII Đàng Trong đã có quan hệ buôn bán với nhiều quốc gia, trong đó có những quốc gia có nền kinh tế hàng hóa phát triển thuộc loại bậc nhất của thế giới. Hầu hết các cường quốc kinh tế lúc bấy giờ, cả ở châu Á lẫn châu Âu đều đến và thiết lập quan hệ giao thương với chính quyên Đàng Trong.

Trong lịch sử thương mại Đại Việt, chưa bao giờ quan hệ buôn bán với Nhật Bản phát triển thịnh đạt như nửa đầu thế kỷ XVII. Mặc dù thời đại Châu Ấn thuyền ở Đàng Trong không kéo dài, song việc buôn bán của người Nhật tại vùng đất này để lại nhiều dấu ấn đậm nét. Sốlượng Châu Ấn thuyền hàng năm đến Đàng Trong trong bốn thập kỷ đầu thế kỷ XVII luôn đứng đầu danh sách các nước có quan hệ mua bán với Nhật. Phố Nhật ở Hội An ra đời là do nhu cầu của thương mại, nhưng đồng thời nó cũng là kết quả phát triển của quan hệ thương mại hai nước. Chưa có nơi nào trên đất châu Á mà thương điếm của người Nhật có qui mô và năng lực hoạt động có hiệu quả như thương điếm của họ đặt tại Hội An. Buôn bán với người Nhật đóng vai trò rất quan trọng trong nền thương mại Đàng Trong trong nửa đầu thế kỷ XVII.

Cùng với thương nhân Nhật Bản, thương nhân Trung Quốc cũng có mặt khá sớm ở đất Đàng Trong. Từ rất lâu, Trung Quốc đã là một bạn hàng gần gũi của Đại Việt. Tuy nhiên, so với các triều đại trước đó, việc buôn bán của người Trung Hoa trên đất Đại Việt vào thế kỷ XVII - XVIII phát triển cao hơn nhiều với số lượng tàu thuyền và khối lượng hàng hóa lớn mà hàng năm họ mang tới Phố Hiến ở Đàng Ngoài cũng như Hội An ở Đàng Trong. Sự xuất hiện phố người Hoa bên cạnh phố người Nhật tại Hội An nói lên sự phát triển quan hệ thương mại giữa hai nước. Khác với người Nhật, người Hoa từ Trung Quốc được phép đến buôn bán với Đàng Trong không chỉ trong buổi đầu nền thống trị họ Nguyễn mà hoạt động này kéo dài trong suốt thời kỳ tồn tại nền thống trị của các chúa Nguyễn cũng như ở trong thời kỳ sau đó. Giao thương giữa Đàng Trong với Trung Quốc có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển nền thương mại ở vùng đất mới mẻ này, nhất là nửa sau thế kỷ XVII và cả thế kỷ XVIII, khi chính phủ Nhật đã thực hiện lệnh tỏa quốc (1636) làm cho hoạt động của Châu Ấn thuyền giảm dần vai trò của nó tại Hội An.

Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp là những nước phương Tây có tiềm lực kinh tế lớn và có đội hải thương mạnh thuộc vào loại bậc nhất thế giới đã đến Đàng Trong đặt quan hệ thông thương. Thương nhân Bồ Đào Nha đến Đàng Trong từ đầu thế kỷ XVII, sớm hơn Hà Lan, Anh nửa thế kỷ, và sớm hơn Pháp khoảng một thế kỷ. So với thương nhân các nước phương Tây, thương nhân Bồ Đào Nha gây được ảnh hưởng lớn trong nền thương mại Đàng Trong. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt bởi thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc và cả với Hà Lan, Anh đang sung sức, lại không lập thương điếm tại Hội An, người Bồ tỏ ra là những lái buôn kiên trì, chịu khó kéo dài thời gian buôn bán với Đàng Trong cho đến cuối thế kỷ XVIII.

Hà Lan là nước xông xáo trong quan hệ thương mại tại thị trường châu Á. Việc buôn bán của họ xem ra thuận lợi hơn khi Nhật thực hiện chính sách tỏa cảng nhưng lại tiếp tục buôn bán với người Hà Lan, xem đó là một cửa ngõ thông thương với bên ngoài. Những ưu ái trong quan hệ Nhật - Hà tạo điều kiện cho công ty Đông Ấn Hà Lan thay thế chỗ đứng của thương nhân Nhật tại Hội An. Song trên thực tế, Hà Lan không làm được điều đó, thương điếm của họ vừa mới mở lại không thể đi vào hoạt

động. Tại Đàng Trong quan hệ giao thương giữa họ với chính quyền chúa Nguyễn tiến triển không tốt đẹp bởi sự liên minh của họ với chúa Trịnh trong cuộc chiến tranh chống lại chúa Nguyễn. Do vậy, đối với Hà Lan, quan hệ buôn bán của họ tại Đại Việt chỉ phát triển mạnh ở Đàng Ngoài.

Công ty Đông Ấn Anh cũng có nhu cầu thâm nhập thị trường Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII, đồng thời chính quyền chúa Nguyễn cũng muốn thiết lập quan hệ giao thương với Công ty này. Điều đó thể hiện rõ nét qua sự cố gắng của cả hai bên trong suốt gần 200 năm đặt quan hệ buôn bán. Nhưng xem ra cả hai bên chẳng đạt được những kết quả như mong muốn với những chuyến buôn qua lại thưa thớt và những rắc rối liên quan. Người Pháp đến Đại Việt có phần muộn màng hơn với chuyến buôn đầu tiên đến Đàng Ngoài vào năm 1669. Sau một thời gian hoạt động ở Phố Hiến, đến đầu thế kỷ XVIII mới thực sự đến buôn bán với Đàng Trong. So với các nước phương Tây khác, trong quan hệ giao thương của Pháp tại đất Đàng Trong, Hội truyền giáo nước ngoài Paris (MEP) gần như có mặt trong tất cả các hoạt động thương mại. Chính điều đó gây nên những cản trở trong việc thiết lập quan hệ giao thương giữa hai bên.

Như thế, việc buôn bán của người phương Tây trên đất Đàng Trong không mấy phát đạt. Số lượng thương thuyền của họ hàng năm đến Hội An chưa đều đặn, khối lượng hàng hóa được lưu thông chưa phải là nhiều. Song sự có mặt của thương nhân các nước phương Tây đã góp phần làm cho thương mại Đàng Trong nhộn nhịp hẳn lên. Sự có mặt của các đội thương thuyền Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh và Pháp còn có ý nghĩa duy trì vai trò trung chuyển hàng hóa của cảng thị Hội An, cũng như thúc đẩy hoạt động thương mại tại các thương cảng "vệ tinh" của nó. Hội An vẫn tồn tại với chức năng là một trung tâm thương mại quốc tế là nhờ lực lượng thương thuyền phương Tây có mặt tại đây. Chính họ là những người thay thế vai trò của thương nhân Nhật Bản trong hệ thông thương mại của khu vực vào cuối thê kỷ XVII và cả một thế kỷ XVIII.

Giao thương giữa Đàng Trong với một số nước trong hai thế kỷ XVII và XVIII có tầm quan trọng đặc biệt đến độ số tàu thuyền ngoại quốc đến Đàng Trong được

xem là tiêu chuẩn để đánh giá thu nhập kinh tế hàng năm cao hay thấp. Khi tiếp Thích Đại Sán, Chúa Nguyễn Phúc Chu nói: "Các năm trước, thuyền ngoại dương đến buôn,

một năm chừng 6, 7 chiếc, năm nay (1695) số thuyền lên đến 16, 17 chiếc, trong nước

nhờ đó tiêu dùng dư dật" [148, tr.24]. Nguyễn Văn Kim cũng khẳng định: "Trong lịch

sử Việt Nam, chưa bao giờ nền kinh tế hải thương lại có quan hệ mở rộng, đa dạng và

phát triển hưng thịnh như giai đoạn thế kỷ XVI - XVII. Hầu hết các cường quốc kinh tế

lúc bấy giờ, cả ở châu Á và châu Âu, đều đến và thiết lập quan hệ trao đổi, buôn bán

với Đàng Trong" [75, tr.23]. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, sự thịnh vượng quốc gia

lệ thuộc vào ngoại thương chứ không chỉ ở nông nghiệp.

Xem xét thương mại ở các khía cạnh như có những đối tác mới trong quan hệ giao thương, mức độ nhộn nhịp của tàu thuyền, bến cảng, khối lượng hàng hóa tiêu thụ, lợi ích mà kinh tế thương mại mang lại cho chính quyền Đàng Trong,... so với các thời kỳ lịch sử trước đó thì rõ ràng, thế kỷ XVII - XVIII được xem là thời kỳ thịnh đạt của thương mại Đàng Trong. Song đi vào chi tiết, cụ thể hơn thì quá trình phát triển này có thể tạm chia làm hai thời kỳ: Thời kỳ phát triển huy hoàng của thương mại Đàng Trong vào thế kỷ XVII; thời kỳ giảm dần và đi đến suy thoái của thương mại Đàng Trong vào thế kỷ XVIII.

Sau một thời kỳ phát triển sôi động của nền thương mại vào thế kỷ XVII, do chịu sự tác động của nhiều yếu tố làm cho thương mại Đàng Trong ở thế kỷ XVIII kém dần sự sầm uất vốn có của nó. Sự suy thoái từng bước của thương mại Đàng Trong được biểu hiện ngay từ những năm đầu của thế kỷ XVIII, khi các quan hệ thương mại của người Đàng Trong đối với phương Tây giảm đi đáng kể và họ đã đánh mất đi tính hợp pháp có thể đảm bảo các việc thiết lập thường xuyên quan hệ buôn bán giữa hai bên. Việc trao đổi được thực hiện một cách đứt đoạn. Số lượng tàu thuyền hàng năm đến đây bị giảm sút rõ rệt nhất là từ giữa thế kỷ XVIII. Nếu như vào những năm 1740 - 1750, có từ 60 đến 80 thuyền buôn cập bến Đàng Trong mỗi năm, thì vào năm 1771 chỉ còn 16 thuyền, năm sau số thuyền giảm xuống còn 12 và năm 1773 chỉ còn 8 chiếc [75, tr.35]. Như vậy, vào những năm 70 của thế kỷ XVIII, Đàng Trong đã thực sự rơi vào tình trạng suy thoái. Mặc dù cho đến thời điểm này, Hội An vẫn giữ được sự phồn

thịnh của nó, song quan hệ giao thương với các nước gần như thu hẹp lại, chỉ còn lại Trung Quốc là khá mặn mà. Lê Quý Đôn đã phản ánh hiện trạng này trong Phủ biên

tạp lục. Hàng hóa các nơi ở Đàng Trong "đều hội tập về Hội An, vì thế người khách

phương Bắc đều tụ tập ở đây để mua về nước. Trước đây hàng hoá nhiều lắm, dù trăm

chiếc tàu to chở cùng một lúc cũng không hết được" [82, tr.234].

Sự thịnh - suy của nền thương mại Đàng Trong vào cuối thế kỷ XVIII chịu sự tác động của những nhân tố sau đây:

+ Nếu xem xét sự phát triển của giao thương Đàng Trong với các nước trong khu vực cũng như với các nước phương Tây không nằm ngoài sự tác động của bối cảnh thế giới và khu vực, thì thời kỳ phát triển huy hoàng và thời kỳ suy thoái của thương mại Đàng Trong cũng gần liền bối cảnh thương mại của nó. Một số chuyên gia nghiên cứu thương mại Đông Nam Á cho rằng, thời đại hoàng kim của thương mại khu vực là vào thế kỷ XVI - XVII. Như thế tác động của thời kỳ hoàng kim thương mại khu vực đến Đại Việt có phần muộn màng (thế kỷ XVII - XVIII), song chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng như chúa Trịnh ở Đàng Ngoài tỏ ra năng động, kịp thời hội nhập với xu thế thời đại, tạo ra được động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong bối cảnh chính trị xã hội phức tạp của đất nước. Cũng như thế, khi thương mại khu vực giảm dần vai trò kinh tế của nó vào thế kỷ XVIII, thì tác động cùng chiều với Đại Việt tất yếu diễn ra. Như vậy, sự hưng, thoái của thương mại Đàng Trong gắn liền sự hưng, thoái của thương mại khu vực. Đây là một tác nhân khách quan, mà xem ra không kém phần quan trọng. Vào những thập niên cuối của thế kỷ XVIII, nhiều biến cố xảy ra ở châu Âu lẫn châu Á. Chiến tranh chống thực dân Anh của nhân dân Bắc Mỹ và sự can thiệp vũ trang của Pháp, cuộc cách mạng tư sản Pháp bùng nổ,... Tại châu Á, hoạt động thâm nhập và tiến tới xâu xé thị trường Trung Quốc của các nước phương Tây làm cho trung tâm thương mại chuyển dần lên Trung Quốc. Thị trường Trung Quốc khổng lồ đang cuốn hút mạnh mẽ thương gia nhiều nước. Cùng với quá trình đó, các mối quan tâm thương mại hầu như không còn quan trọng bằng vấn đề chính trị nữa, mặc dù chính trị cũng chỉ là một trong những biện pháp nhằm thực hiện mục tiêu kinh tế. Đó

cũng là lý do làm cho các nước phương Tây ít xông xáo hơn trong giao thương với Đàng Trong.

+ Sự phát triển thịnh, suy của thương mại Đàng Trong toong hai thế kỷ XVII và XVIII còn do tác nhân bên trong quy định. Ở thế kỷ XVII, cuộc chiến tranh giữa hai tập đoàn phong kiến Nguyễn - Trịnh là một nhân tố quan trọng kích thích sự nỗ lực của chính quyền hai bên tìm mọi cách để phát triển hơn nữa quan hệ giao thương với các nước bên ngoài, nhằm tranh thủ sức mạnh quân sự, tăng tiềm lực kinh tế của mình. Ngược lại, các nước bên ngoài cũng lợi dụng tình hình chiến tranh để bán vũ khí và các mặt hàng cần thiết nhằm tăng nhanh lợi nhuận. Sang thế kỷ XVIII, chiến tranh Trịnh - Nguyễn đã kết thúc, nhân tố chiến tranh không còn có ý nghĩa kích thích sự phát triền của nền thương mại Đại Việt. Chính quyền chúa Nguyễn tỏ ra khắt khe hơn đối với thương nhân phương Tây. Đồng thời, các công ty buôn bán nước ngoài thường chú trọng nhiều đến việc đặt quan hệ thông thương chặt chẽ hơn, xoay xở để có những ký kết buôn bán rành rọt, dứt khoát hơn. Lợi ích thương mại giữa hai bên xem ra không còn theo chiều tỉ lệ thuận.

+ Vào thế kỷ XVIII, chủ nghĩa tư bản phát triển cao hơn một bước, việc tranh giành thị trường ở các châu lục trở nên quyết liệt hơn. Giao lưu buôn bán với các nước phương Đông không phải chỉ là công việc của các thương nhân phương Tây mà còn là công việc của các nhà nước phương Tây đương thời đang mong muốn xâm nhập lãnh thổ nước ta. Việc buôn bán của các công ty Đông Ấn thường kèm theo nhiệm vụ điều tra tỉ mỉ tình hình đất nước, chuẩn bị cho những kế hoạch thôn tính đất đai về sau.

Một phần của tài liệu giao thương đàng trong với các nước trên thế giới thế kỷ xvii xviii (Trang 102 - 112)