Sự phát triển của thương nghiệp

Một phần của tài liệu giao thương đàng trong với các nước trên thế giới thế kỷ xvii xviii (Trang 38 - 40)

- Trong thủ công nghiệp

1.2.3.2. Sự phát triển của thương nghiệp

Trên cơ sở một nền nông nghiệp, thủ công nghiệp khá phát triển và đã ít nhiều mang tính chất hàng hóa, việc trao đổi buôn bán ở các vùng miền xứ Đàng Trong được mở rộng.

Vào thế kỷ XVII, cùng với sự phát triển của ngoại thương, nội thương Đàng Trong lúc này chủ yếu từ miền Thuận Quảng đến Phú Yên khởi sắc. Tại các trung tâm buôn bán lớn như Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn,... thương nhân buôn bán đông đúc. Họ thường đi mua hàng đặc sản của nhiều địa phương khác nhau về bán tại các trung tâm lớn, hoặc trữ hàng để chờ bán cho thương nhân nước ngoài.

Đàng Trong có nhiều đặc sản quí hiếm được thương nhân các nước ưa chuộng như hồ tiêu, càu, trầm hương, yến sào,... Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn đã trở thành những cửa ngõ thông thương với bên ngoài. Hoạt động xuất nhập khẩu của nhà nước và của tư thương Đàng Trong đã góp phần làm sôi động thị trường nội địa. Lê Quí Đôn cũng cho biết, thương nhân vùng Thanh Nghệ, Sơn Nam (phố Hiến) đã vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy vào Thanh Hà để trao đổi. Hàng hóa từThanh Hóa, Ai Lao cũng đưa bằng đường bộ vào chợ phiên Cam Lộ và được thương nhân vận chuyển vào bán ở Thanh Hà.

Tại phủ Qui Nhơn, nội thương rất phát triển, nhiều chợ búa mọc lên. Sản vật của Qui Nhơn - Bình Định và cả vùng Tây Nguyên rộng lớn theo nhiều thương nhân tuôn về Nước Mặn - nơi cảng thị buôn bán sầm uất với thương nhân nước ngoài. Trầm hương, vây cá, đồi mồi, tôm khô, sáp ong, cẩm hoa,... là đặc sản của vùng này.

Từ nửa sau thế kỷ XVII, thương nghiệp Đàng Trong phát triển rộng dần về phía nam với sự tham gia của thị trường Nam Bộ. Người Hoa sống trên lãnh thổ Đàng Trong khá đông, phần lớn họ thạo nghề buôn bán. Kinh tế Đàng Trong mà đặc biệt là kinh tế Nam Bộ ngay từ đầu đã có bước chuyển biến theo hướng sản xuất hàng hóa. Thương nhân Hoa sống trên đất Việt và thương nhân từ nước ngoài đến đây buôn bán là lực lượng quan trọng trong nền thương mại Đàng Trong. Họ góp phần dựng nên phố xá, chợ búa, những trung tâm buôn bán sầm uất.

Ở khắp các địa phương của Đàng Trong, hệ thống chợ địa phương phát triển. Sản phẩm hàng hóa ở các nơi khác nhau được tầng lớp thương nhân tập trung về các chợ phủ huyện, tại mỗi phủ có khoảng 4 đến 5 chợ. Ở Thuận Hóa có chợ Thanh Hà, chợ Dinh,... Ở Quảng Nam có Hội An, Điện Bàn, Thăng Hoa,... Ở Bình Định có chợ Gò Găng, Đập Đá, An Thái, Gò Bồi,... Ở Gia Định vào thế kỷ XVIII, chợ búa mọc lên san sát, có đến vài chục. Ngoài những trung tâm buôn bán lớn như Nông Nại Đại Phố, Mỹ Tho Đại Phố, thương cảng Hà Tiên, thương cảng Ba Thắc, trung tâm Bến Nghé, hầu hết ở các địa phương đều mọc lên nhiều chợ như chợ Đồng Nai, chợ Bến Cá, chợ Đồng Sử, chợ Lò, chợ Bàn Lân, chợ Thủ Đức,... thuộc trấn Biên Hòa; chợ Phố Thành, chợ sỏi, chợ Điều Khiển, chợ Nguyễn Thực, chợ Tân Kiểng, chợ Sài Gòn, chợ Bến Nghé,... thuộc trấn Phiên An; chợ Sông Tranh, chợ Cù úc, chợ Hàng Xoi, chợ Mỹ Quí, chợ Cái Bè,... thuộc trấn Định Tường; chợ Long Hồ, chợ Ba Vát, chợ Mỹ Lồng, chợ Sa Đéc,... thuộc trấn Vĩnh Thanh; chợ Mỹ Đức, chợ Rạch Giá, chợ Hoàng Giang,... thuộc trân Hà Tiên,...

Những trung tâm buôn bán lớn ở Trung bộ và Nam Bộ trở thành những kho hàng lớn, hoạt động thường xuyên nhờ hệ thống chân rết của nó rất rộng, rải ra các chợ gom thu mua hàng về. Nam Bộ còn đón nhận lúa gạo, thịt chó, ngà voi của rừng Campuchia. Hà Tiên gom đậu, hồ tiêu, thịt khô, ngà voi và các mặt hải sản khác. Bãi Xâu (Ba Thắc) nổi danh lúa gạo thơm ngon. Những kho hàng này là những đầu mối quan trọng trong việc bán hàng hóa cho tàu buôn nước ngoài cũng như mua hàng nước ngoài rồi đem bán ở thị trường nội địa.

Tại những nơi buôn bán, chính quyền có lập những sở Tuần ty để thu thuế hàng hóa. Ngoài ra, còn đánh thuế ở các chợ, bến đò.

Hoạt động thương nghiệp nội địa quan trọng nhất ở thế kỷ XVIII là buôn gạo từ Gia Định ra Thuận Quảng, và ngược lại, mua hàng của xứ Thuận Quảng vào bán ở Gia Định. Cùng với cau khô, lúa gạo Nam Bộ đã trở thành nông sản hàng hóa quan trọng nhất, không những buôn bán trong thị trường nội địa mà còn bán ra nước ngoài. Gạo Gia Định rất trắng, hạt mềm, không nơi nào rẻ bằng. Chợ búa, thị tứ ra đời do

nhu cầu của con người trong việc trao đổi mua bán hàng hóa, ngược lại, nó thúc đẩy quá trình sản xuất hàng hóa phát triển ở Đàng Trong.

Từ sự phân tích trên cho thấy, kinh tế nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp Đàng Trong ở hai thế kỷ XVII - XVIII có những bước chuyển biến đáng kể, nền kinh tế hàng hóa đang có chiều hướng phát triển thuận lợi. Đó là những cơ sở vật chất bên trong để Đại Việt - Đàng Trong tham gia hội nhập vào luồng thương mại khu vực và thế giới.

1.3. LỢI THỂ ĐỊA - KINH TẾ CỦA ĐÀNG TRONG TRONG GIAO

Một phần của tài liệu giao thương đàng trong với các nước trên thế giới thế kỷ xvii xviii (Trang 38 - 40)