3.2 Đề xuất các biện pháp
3.2.2 Biện pháp 2: Bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn và thực hiện qui hoạch phát triển đội ngũ giáo viên
Mục tiêu của biện pháp
Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ GV là việc làm thường xuyên và cần thiết của mỗi nhà trường nhằm xây dựng đội ngũ GV giỏi tay nghề, giàu tình thương và trách nhiệm, nâng cao chất lượng DH để thực hiện tốt mục tiêu GD đề ra, đáp ứng yêu cầu của XH. Nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ GV giúp giáo viên tự tin trong DH và nâng cao uy tín với yêu cầu của phụ huynh, đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ xã hội. Mục đích của việc bồi dưỡng và nâng cao năng lực chuyên môn phát triển đội ngũ
GV nhằm khuyến khích tài năng, mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ và như vậy thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp của GV đặc biệt là trong hoạt động giảng dạy.
Tổ chức cho GV tham gia các lớp tập huấn về nội dung, phương pháp dạy học buổi thứ hai lớp 2 buổi/ngày. Từ đó GV nhận thức được nội dung và phương pháp DH lớp 2 buổi/ngày sao cho hiệu quả .
Lựa chọn GV phù hợp với nhu cầu của nhà trường, phù hợp với nguyện vọng của cá nhân với môi trường bên trong và bên ngoài nhà trường nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển GD.
Nội dung của biện pháp
Nâng cao năng lực đội ngũ GV chính là đảm bảo phát triển của nhà trường thông qua việc bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ sư phạm và thái độ nghề nghiệp. Tác giả Piper và Glatter đã đúc kết: “Phát triển và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên là một nỗ lực mang tính thường xuyên nhằm hòa hợp các lợi ích, mong muốn và các đòi hỏi mà đội ngũ giáo viên đã cân nhắc kĩ để tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình trên cơ sở có tính đến các yêu cầu của nhà trường nơi họ công tác.”[ 8, tr. 160]
- Nâng cao phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức tác phong sư phạm của nhà giáo.
- Nâng cao kiến thức về nghiệp vụ, năng lực sư phạm, trong đó tập trung vào đổi mới PPDH, đổi mới cách kiểm tra đánh giá, lựa chọn nội dung PPDH ở buổi thứ hai linh hoạt phù hợp với đối tượng HS, nhằm phát triển toàn diện HS.
- Nâng cao trình độ tin học, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác soạn giảng có hiệu quả gây sự hứng thú cho HS.
- Nâng cao kĩ năng lập kế hoạch dạy học, sưu tầm tài liệu giảng dạy phù hợp với chương trình buổi thứ hai lớp 2 buổi/ngày, lựa chọn nội dung và vận dụng linh hoạt kiến thức phù hợp với thực tế, rèn kĩ năng sống cho HS.
- Nâng cao kĩ năng tự học tập, tự nghiên cứu tài liệu, học tập kiến thức qua mạng, khả năng nghiên cứu khoa học và viết sang kiến kinh nghiệm.
- Trên cơ sở thu thập thông tin thực tế, từ điều tra thực trạng phát triển đội ngũ GV, lập kế hoạch dự báo. Nội dung của hoạt động QL quy hoạch phát triển đội ngũ GV bao gồm quy hoạch về cơ cấu, số lượng, ngành nghề, tuyển chọn, sử dụng hợp lí đội ngũ nhằm nâng cao trình độ năng lực và tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển đội ngũ giáo viên.
- Sắp xếp đội ngũ GV phù hợp với điều kiện hoàn cảnh và năng lực chuyên môn của GV và tâm lí lứa tuổi HS.
Tổ chức thực hiện biện pháp
Điều tra khảo sát, đánh giá chất lượng đội ngũ GV của từng trường thông qua nghiên cứu hồ sơ cá nhân; đánh giá chất lượng GV thông qua kết quả cụ thể xếp loại giảng dạy hàng năm của nhà trường, của Thành phố; đặc biệt thông qua các đợt kiểm tra chuyên đề, kiểm tra toàn diện vào mỗi học kỳ theo kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Sở GD - ĐT, của Phòng GD - ĐT và của nhà trường, các đợt sinh hoạt chủ điểm.
Tổng hợp kết quả khảo sát đánh giá chất lượng đội ngũ GV của từng trường về năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức. Đầu năm học, GV xây dựng kế hoạch cá nhân, tổ chuyên môn và đăng kí chỉ tiêu thi đua. Dựa trên kết quả đã đạt được của năm học trước và đăng kí thi đua của mỗi cá nhân và các tổ công tác, nhà trường tiến hành giao khoán chất lượng bằng biên bản. Cuối năm học dựa vào kết quả công tác để đánh giá và xét thi đua cho cá nhân và tập thể trong trường.
Đề ra kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, nhằm phát huy những mặt mạnh và khắc phục những yếu kém của đội ngũ GV. Tăng cường các hoạt động bồi dưỡng GV Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục, Tiếng Anh, các môn dạy học buổi thứ hai đảm bảo chất lượng đáp ứng dạy học lớp 2 buổi/ngày bằng nhiều hình thức :
- Bồi dưỡng thường xuyên, định kì: Đây là hình thức đang được áp dụng rộng rãi trong toàn ngành GD như bồi dưỡng trong hè, học tập bồi dưỡng thông qua các tiết dự giờ, kiểm tra, tổ chức hội thảo chuyên đề. Nhà trường tổ chức học tập giao lưu ở các trường bạn trong và ngoài tỉnh để học tập kinh nghiệm về phương pháp dạy học, tham khảo hồ sơ giảng dạy và quản lí, học tập trường bạn về mọi mặt trong công tác phát triển chất lượng GD.
- Bồi dưỡng nâng cao: Áp dụng cho các đối tượng nòng cốt trong nhà trường, đội ngũ giáo viên giỏi tham gia dạy chuyên đề cấp thành phố, cấp tỉnh, thi GVG các cấp, viết phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy ….
Quan tâm nâng cao trình độ tin học, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác soạn, giảng buổi thứ hai của lớp 2 buổi/ngày nhằm nâng cao chất lượng dạy học. Mời chuyên gia tin học hướng dẫn GV sử dụng công nghệ thông tin để soạn giảng. Tổ chức thi các bài soạn chất lượng, bài giảng sử dụng công nghệ thông tin đạt kết quả cao. Trang bị máy tính nối mạng Internet ở các phòng GV, giúp GV hàng ngày truy cập mạng kịp thời nâng cao trình độ hiểu biết về GD và tin học.
Phân công các bộ phận và cá nhân thực hiện kế hoạch học tập, bồi dưỡng và xác định chức năng nhiệm vụ cho từng bộ phận, cá nhân thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đã đề ra. Chỉ đạo các tổ chuyên môn sinh hoạt theo định kì theo quy định 2 lần/tháng. Thường vào tuần thứ 2 và thứ 4 hàng tháng. Chuyên môn nhà trường yêu cầu các tổ trưởng báo cáo nội dung họp
từng tuần, từ đó có văn bản chỉ đạo cụ thể về nội dung cuộc họp chuyên môn, chú ý tập trung vào nâng cao trình độ chuyên môn cho GV như PPDH các môn học, nội dung kèm cặp HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá HS, ứng dụng công nghệ thông tin trong DH hiệu quả, DH tích hợp các nội dung bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng, học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ….
Hướng dẫn GV tìm hiểu khoa học, viết SKKN. Nhân rộng điển hình những SKKN của GV giỏi để áp dụng trong toàn trường học tập, nâng cao chất lượng dạy học.
Hiệu trưởng nhà trường cần tạo điều kiện về thời gian, động viên về tinh thần và vật chất cho GV được tham gia học các lớp đào tạo nâng cao trình độ ở nhiều hình thức tổ chức (từ xa, chuyên tu, tại chức..).
- Phối hợp với các trường Sư phạm trong công tác bồi dưỡng GV; thực hiện đào tạo GV đạt trình độ trên chuẩn; Chú ý bồi dưỡng thường xuyên, chú ý bồi dưỡng cho GV về kĩ năng nghề nghiệp: phát âm đúng, rèn viết chữ, truyền đạt dễ hiểu, đảm bảo kiến thức tương ứng với bằng cấp vào nghề bằng hình thức tổ chức kiểm tra định kì hàng năm: Thi viết chữ đẹp, thi giảng, thi tài năng của GV.
Hiện nay, nguồn lực GV trong biên chế, HT trường TH công lập chưa có quyền được tuyển chọn mà do Uỷ ban nhân dân thành phố tuyển chọn và phòng GD - ĐT Uông Bí điều động về các trường học. Đối tượng GV dạy môn năng khiếu ở buổi thứ hai đa số là GV hợp đồng, hiệu trưởng chỉ được quyền tuyển dụng vào giảng dạy trong thời gian ngắn hạn. Chính vì vậy việc tuyển chọn GV là một khâu quan trọng, ngoài quy định chung về bằng cấp, HT phải thành lập Hội đồng tuyển chọn GV và căn cứ kết quả thử tay nghề, trình độ GV để tuyển chọn đội ngũ có kiến thức và trình độ chuyên môn thực sự, có triển vọng sau khi tiếp tục được đào tạo bồi dưỡng chuyên môn, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện cho HS.
Bên cạnh việc sử dụng đội ngũ GV chính thức, mỗi trường cần xây dựng một lực lượng GV hợp đồng ổn định để DH các môn năng khiếu, tự chọn đảm bảo chất lượng. Để làm được điều này các nhà trường cần có những qui định cụ thể về tiêu chuẩn tuyển chọn, cơ chế hợp đồng và mức đãi ngộ phù hợp cùng với các cam kết trách nhiệm để có thể thu hút và sử dụng hợp lý đội ngũ GV. Giữa các trường có thể có sự phối hợp với nhau trong sử dụng đội ngũ GV, nhất là GV dạy các môn chuyên trách. Ở những trường có khó khăn, khó huy động nguồn lực từ cộng đồng thì cố gắng có đủ đội ngũ GV theo tỉ lệ qui định 1,5 GV/ lớp;
- Sắp xếp hợp lý đội ngũ GV dạy lớp 2buổi/ngày góp phần nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho GV.
Với đặc thù của HSTH mang tính hồn nhiên ở lứa tuổi đầu cấp và dần hình thành nhân cách ở bậc TH nên việc sắp xếp đội ngũ GVCN lớp phù hợp với từng đối tượng HS và trình độ của GV được chú trọng. HT phân công GV cần đảm bảo tính công bằng, sử dụng GV có trình độ chuyên môn chuyên sâu, động viên GV có trình độ tay nghề thấp hơn. Trong một khối có GV ở nhiều trình độ và lứa tuổi khác nhau để cùng giúp đỡ kèm cặp về chuyên môn cũng như cư xử với phụ huynh và đồng nghiệp tạo tập thể sư phạm đoàn kết, thân thiện, nhân ái và có trách nhiệm với sự nghiệp GD.
Hiệu trưởng phân công GV dạy học đảm bảo các yếu tố:
+ Phù hợp với năng lực của GV.
+ Phù hợp với điều kiện sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình.
+ Phù hợp với tâm sinh lí của trẻ ở từng khối lớp.
Áp dụng linh hoạt việc phân công GV dạy theo từng bộ môn và nhóm bộ môn. Phân công GV dạy theo từng bộ môn sẽ giúp cho GV nắm được cấu trúc chương trình liên thông nhau ở các khối để GV định lượng được kiến thức cần cung cấp cho HS ở lớp dưới và hỗ trợ thêm kiến thức đối với lớp cao hơn. Về
việc này, tuỳ theo tình hình thực tế và năng lực chuyên môn GV của nhà trường, HT bố trí sắp xếp sao cho hợp lý, đảm bảo chế độ lao động và phù hợp với sở trường của mỗi giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng soạn giảng để mỗi tiết học đều đạt hiệu quả cao "nhẹ nhàng, chất lượng, hiệu quả".
Phân công GV giảng dạy từng bộ môn không có nghĩa là tăng biên chế hay một GV chỉ phụ trách dạy bộ môn ở một khối lớp, mà là một GV có thể dạy một bộ môn ở một khối lớp hoặc xuyên suốt cả bậc học tuỳ theo số lượng lớp học trong mỗi nhà trường.
Tổ chức lao động của GV một cách khoa học. Trong tình hình GVTH hiện nay của nước ta nói chung và GVTH ở thành phố Uông Bí nói riêng, đa số đội ngũ GV cao tuổi không được đào tạo một cách toàn diện để dạy có chất lượng các môn học bắt buộc, do đó để tạo điều kiện cho họ đi sâu nghiên cứu đồng đều các môn, đồng thời tránh quá tải trong việc soạn bài, để giúp HS học tốt tất cả các bộ môn là vấn đề cần thiết để nâng cao chất lượng DH ở trường TH, đặc biệt là ở trường TH dạy học 2 buổi /ngày. Do đó ngay trong việc soạn bài cũng có thể có sự phân công cụ thể theo nhóm hoặc cá nhân những bài soạn khó để điều hòa cường độ lao động của GV trong trường với mục đích cùng trao đổi học tập lẫn nhau, giúp đồng nghiệp cùng tiến bộ.
Những bài soạn này phải được chuyển cho GV trong khối nghiên cứu trước mỗi buổi sinh hoạt chuyên môn hàng tuần (bài phải soạn được cả tuần) để trao đổi thảo luận bổ sung trong từng tổ chuyên môn của nhà trường.
Việc soạn bài theo nhóm bộ môn có thể luân phiên trong GV để GV nào cũng được nghiên cứu sâu các bộ môn, không nhất thiết phải giới hạn trong một nhóm bộ môn suốt cả năm học (trừ GV dạy môn năng khiếu).
Để nâng cao chất lượng DH của GV, nhiều biện pháp đã được nêu ra như:
phát triển năng lực toàn diện của đội ngũ GV tiểu học từng trường theo cơ cấu hợp lý: GV dạy nhiều môn, giáo viên dạy các môn chuyên biệt: Nhạc, Hoạ, Thể dục,
Ngoại ngữ, Tin học... Các trường TH sẽ là những đơn vị chủ yếu tổ chức và kiểm tra bồi dưỡng chuyên môn của GV theo nhu cầu nhằm hoàn thiện năng lực sư phạm cho GV theo yêu cầu của Chuẩn nghề nghiệp. Phát triển và bồi dưỡng đội ngũ GV là yêu cầu cần thiết cho công tác GD trong thế kỉ mới. Tuy nhiên không phải lúc nào nhu cầu của đôi bên cũng hòa hợp vì thế trong công tác quản lí, HT các nhà trường cần nêu cao vai trò của đội ngũ GV, biết sử dụng nhân lực hợp lí, công bằng đồng thời kích thích GV hăng say chuyên môn, tích cực lành mạnh cùng chung trách nhiệm đào tạo thế hệ học sinh vừa
“hồng” vừa “chuyên” đáp ứng nhu cầu xã hội.
Kết luận: Đội ngũ GV là nguồn lực quan trọng nhất trong việc duy trì và nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường. Đặc biệt trong kỉ nguyên của nền kinh tế tri thức, với yêu cầu cấp thiết thay đổi nền GD đạt chất lượng thực chất và đáp ứng nhu cầu XH đòi hỏi đội ngũ GV và nhà QLGD cần có trình độ chuyên môn cao hơn và một sự liên tục trau dồi tài năng để đương đầu với các thách thức mới. Chính vì thế mà Muller cho rằng: “cần phải luôn luôn nhớ rằng hiệu quả của bất kì một thay đổi nào của nhà trường hay của chương trình đào tạo phụ thuộc vào năng lực thực hiện của đội ngũ giáo viên” [9, tr.159]
Muốn có đội ngũ GV giỏi, HT các nhà trường luôn đề cao vai trò hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ GV về năng lực chuyên môn và thái độ nghề nghiệp, đồng thời có kế hoạch về phát triển đội ngũ đủ số lượng và đảm bảo chất lượng theo nhu cầu của nhà trường. Tuy nhiên để đào tạo đội ngũ GV tốt bên cạnh những nỗ lực của GV và HT nhà trường thì khâu đào tạo chất lượng và số lượng GV ở các trường sư pham đóng vai trò quan trọng và đang được quan tâm.
3.2.3 Biện pháp 3: Chỉ đạo GV hoàn thiện kế hoạch dạy học và xây dựng