Chúng ta biết rằng chất lượng là nhân tố quan trọng quyết định sự cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, nó tạo uy tín, danh tiếng, cơ sở cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong những năm qua, Cienco 4 đặt mục tiêu chất lượng làm yếu tố sống còn của đơn vị và xây dựng lộ trình chất lượng cho các công trình giao thông của Tổng Công ty. Về cơ bản các Công trình do Tổng Công ty thực hiện được các chuyên gia đánh giá rất cao về chất lượng cũng như tính thẩm mỹ.
Tuy nhiên, trên thực tế do điều kiện tự nhiên, khí hậu nên một số dự án mà Tổng Công ty thực hiện vẫn chưa đạt yêu cầu, chẳng hạn như tồn tại tình trạng mặt đường bê tông nhựa bị trồi lún, vệt hằn bánh xe trên các tuyến giao thông. Chính vì vậy, trong những năm qua Tổng Công ty luôn chú trọng tới đầu tư trang thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại nhằm khắc phục các hạn chế, đảm bảo chất lượng các công trình mà Tổng Công ty thực hiện. Cụ thể Tổng Công ty đã nhập khẩu mới hệ thống thiết bị có tính năng tiên tiến như: Trạm trộn bê tông nhựa nóng 120 m3/h; các loại lu bánh thép và bánh lốp 12-25 tấn của Đức (Bomag); máy rải bê tông nhựa nóng Bomag. Hiện tại, hệ thống thiết bị này đang phát huy hiệu quả tại dự án mở rộng QL1A đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh Hà Tĩnh và dự án B.O.T Nghi Sơn - Cầu Giát.
Ngoài ra, trong thời gian tới, Tổng Công ty cần thắt chặt quản lý từ cấp Tổng công ty đến Ban điều hành, đơn vị thi công và toàn bộ dây chuyền thi công. Từ năm 2010, Tổng Công ty xây dựng giao thông công trình 4 đã thành lập riêng một Ban KCS để quản lý chất lượng. Tuy nhiên, hoạt động của Ban KCS này chỉ mới tập trung chủ yếu ở khâu kiểm tra đầu vào nguyên liệu phục vụ cho quá trình xây dựng tại một số dự án Quốc gia, mà chưa nhân rộng cho các dự án khác. Tổng Công ty thường xuyên cử cán bộ giám sát chất lượng của Ban KCS nhưng việc giám sát, kiểm tra còn mang tính hình thức, thụ động và không phản ánh thực tế. Theo tác giả, cần tăng thêm trách nhiệm tại tất cả các dự án, công trình của Tổng Công ty nhằm thắt chặt công tác quản lý chất lượng nội bộ đối với các sản phẩm mang thương hiệu Cienco 4 để đưa ra
các cảnh bảo về chất lượng hoặc loại bỏ các loại vật liệu, hạng mục kém chất lượng ra khỏi công trường, đồng thời có chế tài nghiêm khắc đối với cá nhân hoặc tổ chức có hành vi gian dối như bớt nguyên liệu “rút lõi công trình”, thu mua nguyên liệu kém để hưởng chênh lệch, hoa hồng. Trong quá trình thi công, khi phát hiện có sự cố, Ban KCS cần tiến hành kiểm tra chất lượng và báo ngay cho Ban lãnh đạo Tổng Công ty để có những giải pháp khắc phục kịp thời nhằm hạn chế tối đa mức độ ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ dự án.
Trong những năm gần đây, Tổng Công ty đã hoàn thành nhiều công trình trọng điểm quốc gia về giao thông vận tải, có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy kinh tế - xã hội, đảm bảo tiến độ và chất lượng cônng trình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện thì một số dự án phải gia hạn thêm thời gian, ảnh hưởng tới tiến độ thi công. Mà nguyên nhân chính, mắc nghẽn lớn nhất đó là công tác giải phóng mặt bằng. Tại nước ngoài, giải quyết ổn thỏa về mặt bằng rồi mới giao cho nhà đầu tư tiến hành thi công. Tuy nhiên, tại nước ta thì vừa giải phóng mặt bằng lại vừa thi công. Công tác giải phóng mặt bằng chưa tốt nên các dự án như Nâng cấp Quốc lộ 1A đoạn Diễn Châu - Hoàng Mai tuy đảm bảo về chất lượng nhưng chậm tiến độ thi công. Vì vậy, theo tác giả cần hoàn thiện đội ngũ cán bộ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Cán bộ phải có năng lực, phải nắm được đầy đủ nội dung căn bản các văn bản pháp lý của Nhà nước về GPMB; có các kỹ năng về giao tiếp, thuyết phục, truyền đạt, giải quyết vấn đề, giải quyết tranh chấp, dàn hòa xung đột và có khả năng thiết lập, xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cán bộ GPMB tại các địa phương, chính quyền nơi có dự án. Cán bộ cần giải thích rõ ràng, đầy đủ trong công tác đền bù GPMB. Muốn vậy cán bộ GPMB cần phải cọ xát, tìm hiểu tình hình thực tế tại địa phương, nghiên cứu đánh giá về giá cả đất đai cũng như đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền để tìm ra phương thức phù hợp làm việc với các cấp lãnh đạo của các xã địa phương để có thể tranh thủ được sự hợp tác cao nhất trong công tác GPMB. Tại địa phương nào mà người dân không đồng tình vì giá đền bù thấp, chưa thỏa đáng thì Tổng Công ty cần cử người trực tiếp kết hợp với chính quyền địa phương, cán bộ địa chính xã và trưởng thôn đến làm việc với dân, giải thích rõ về chính sách đền bù theo quy định của UBND huyện, về nỗ lực của Nhà nước đối với các dự án, về lợi ích của người dân khi các dự án đưa vào sử dụng. Thông cảm và giúp đỡ những hộ gia đình neo đơn có hoàn cảnh đặc biệt trong công tác GPMB. Điều này cũng giúp tránh được tình trạng công tác GPMB chỉ mang tính chất thúc giục, bị động.