6. Kết cấu của luận văn
3.1.1. Điểm nhìn trần thuật từ bên ngoài – hiện thực lắng đọng vào tâm hồn
tâm hồn
Điểm nhìn trần thuật từ bên ngoài sẽ tạo ra một khoảng cách nhất định giữa người trần thuật và nhân vật trong tác phẩm. Cho nên người trần thuật từ điểm nhìn này sẽ có cái nhìn khách quan để thuật lại, miêu tả hiện thực, sự kiện, miêu tả nhân vật và hành động bên ngoài của nhân vật nhưng không biết rõ về tâm lý hay suy nghĩ của nhân vật… Thông qua đó mà làm nổi bật lên tư tưởng cũng như các vấn đề đa dạng của hiện thực.
Với điểm nhìn từ bên ngoài, người trần thuật đóng vai trò là một người nắm rõ, biết rõ mọi sự kiện, sự việc, hiện tượng đang xảy ra và phản ánh lại dưới cái nhìn khách quan. Theo đó, những nhân vật trong tác phẩm sẽ được trần thuật từ ngôi thứ ba. Người kể chuyện hướng người đọc đến với kết quả thuần túy và tách mình khỏi sự đồng cảm với nhân vật, không đi sâu vào nội tâm của nhân vật mà chỉ ghi lại hành động, lời nói của nhân vật. Điểm nhìn bên ngoài còn được gọi là “điểm nhìn khách quan”, giúp cho nhà văn phân tích, khai thác nhiều khía cạnh của hiện tượng, sự việc…
Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, để khắc họa sự khó khăn, những mất mát, nỗi đau… của chiến tranh, tác giả đứng từ bên ngoài để quan sát và xây dựng, tái hiện lại một cách khách quan. Nhờ đó mà người đọc có thể cảm nhận được rất rõ ràng chiến tranh diễn như thế nào, những trận chiến ác liệt và dữ dội
như thế nào, con người phải chống chọi với chiến tranh ra sao… xuôi theo toàn bộ diễn biến của tiểu thuyết. Nhờ điểm nhìn bên ngoài, Bảo Ninh đã xây dựng và làm nổi bật được sự ác liệt, dữ dội của chiến tranh. Nhà văn hoàn toàn không tham gia vào cuộc chiến của Kiên, Phương… không trực tiếp bày tỏ suy nghĩ của mình, nhưng người đọc có thể tự tìm thấy thông qua những diễn biến, hành động, lời nói… của nhân vật.
Bảo Ninh đã tái hiện những cuộc đối đầu với kẻ thù, những lúc Kiên và đồng đội cùng xung trận, rồi sự hi sinh lần lượt của đồng đội Kiên… Kiên chứng kiến cảnh cái xác của cô gái bị đối xử dã man ở sân bay Tân Sơn Nhất, cảnh đó khiến người đọc thấy được góc tối tàn bạo của chiến tranh đáng lên án, chính là vấn đề nhân tính, tình người. Qua hành động, thái độ và lời nói của tên lính cao xạ đã nói rõ điều đó: “hắn sấn lại đá tới tấp vào vật vừa ngáng chân
hắn. Vừa đá, vừa rống lên: - Đ. mẹ mày, con đĩ! Mày ưỡn nợ ra đây cho chúng
nó ngắm à. Mày gài mìn bố mày! Tổ sư mày, cười cái cắc củ” [48, tr.126]. Với
cái nhìn khách quan, tỉnh táo, Bảo Ninh đã phản ánh diễn biến của hành động mất nhân tính đó, cũng như khai thác và phân tích được nhiều khía cạnh, nhiều mặt trái từ sự việc.
Hiện thực chiến tranh đau thương đã lắng đọng lại trong tâm hồn của Bảo Ninh. Điều đó giúp cho điểm nhìn khách quan của tác giả được soi sáng và rõ ràng hơn. Thông qua việc kể lại những điều được trực tiếp chứng kiến, nghe thấy, không tham gia vào diễn biến của câu chuyện từ đầu đến cuối nhưng câu chuyện lại tự hiện ra dưới cái nhìn khách quan và tỉnh táo của người kể chuyện.
Trong truyện ngắn của Bảo Ninh thì không sử dụng nhiều điểm nhìn bên ngoài mà chủ yếu là sử dụng điểm nhìn bên trong. Nhưng các truyện ngắn được trần thuật từ điểm nhìn bên ngoài đã mang đến những nỗi xót xa, cảm thông thông qua lối kể của nhà văn. Ở truyện ngắn Bên lề cuộc tấn công, người kể chuyện sẽ đưa người đọc đến với câu chuyện xúc động xen lẫn với những nỗi niềm xót xa. Phúc đã hi sinh vì cứu vợ của kẻ đã làm tay sai cho giặc, đây là
phẩm chất tốt đẹp của người lính trong chiến tranh. Phúc can đảm và dũng cảm, đã sẵn sàng hi sinh bản thân mình để cứu người. Người kể chuyện không bộc lộ quan điểm hay thái độ của mình mà chỉ khách quan dựng lại toàn bộ câu chuyện thông qua đối thoại, hành động… của các nhân vật. Và người đọc có thể cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của truyện, đó là tình người, là những con người biết quên mình vì người khác. Hành động của Phúc rất đáng quý và đáng ca ngợi.
Hay với truyện Mắc cạn, người kể chuyện đứng bên ngoài quan sát và kể lại câu chuyện của Túc và Hảo. Hoàn cảnh của hai nhân vật này thật éo le và đầy trớ trêu. Họ không thể mang lại cho nhau tình yêu, để kết thúc cuộc hôn nhân trong bi kịch. Nhưng ngay cả khi kết thúc thì cả Túc và Hảo vẫn không thể tự giải thoát cho mình, họ vẫn mãi “mắc cạn” trong chính bi kịch mà họ tạo ra. Nguyên nhân sâu xa gây ra khổ đau và bi kịch của họ chính là chiến tranh và số phận, khiến cho con người không thể có được niềm hạnh phúc trọn vẹn, bởi vì:
“Con người ta thuở ấy cũng như con người muôn thuở chỉ lo sống, cứ thế sống,
sống và chỉ có sống mà thôi” [49, tr.390].
Tương tự như hoàn cảnh của Túc và Hảo, Vinh trong truyện Quay lưng
cũng rơi vào éo le và trớ trêu. Nhưng ở Vinh là câu chuyện buồn, đầy nghịch cảnh vì duyên phận đã không đưa Vinh và Hạnh đến được với nhau. Đến khi họ nhận ra nhau trong bất ngờ thì mọi chuyện cũng đã muộn màng. Họ gặp nhau trong sự ngẫu nhiên mà đầy xót xa, nghẹn ngào. Với điểm nhìn bên ngoài, người kể chuyện cũng giúp người đọc đến với câu chuyện đầy thương cảm của Vinh, và để cho các nhân vật tự bộc lộ cảm xúc của mình. Nhất là qua những lời nghèn nghẹn cuối truyện, qua hành động và cử chỉ của nhân vật, người đọc sẽ cảm nhận được nỗi xót xa, ngỡ ngàng đang diễn ra trong lòng của các nhân vật.
Các truyện ngắn khác như Quay lưng, Loan, Hỏa điểm cuối cùng… Bảo Ninh cũng sử dụng điểm nhìn trần thuật từ bên ngoài và kể lại các câu chuyện, các hoàn cảnh khác nhau với sự khách quan của tác giả.
Nhờ điểm nhìn bên ngoài, Bảo Ninh đã khái quát được hiện thực của cuộc sống, xã hội đa dạng đồng thời có thể nêu bật nhiều khía cạnh khác nhau của con người.