6. Kết cấu của luận văn
3.3.2. Lời văn nặng trĩu tình người
Lời văn là cái riêng tạo nên năng lực của mỗi nhà văn, đó là năng lực tìm tòi và sáng tạo. Và Bảo Ninh cũng vậy, chính lời văn đã tạo nên một phong cách riêng cho nhà văn. Người đọc khi nhắc đến Bảo Ninh sẽ nhớ ngay đến lời văn nặng trĩu tình người trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh và truyện ngắn của nhà văn.
“Vốn chữ của nhà viết tiểu thuyết phụ thuộc vào vốn sống và trình độ văn
hóa” [12, tr.321]. Với Bảo Ninh, tác giả cũng có những trải nghiệm về chiến
tranh, nên mới xây dựng và viết nên tiểu thuyết mang dấu ấn của riêng mình, mới có những kí ức rất đậm, rất sâu về chiến tranh như thế. Cùng viết về đề tài chiến tranh, nhưng đọc Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh sẽ thấy khác hẳn
với Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai. Tiểu thuyết của Chu Lai là những câu văn thương cảm, xót xa khi viết về số phận đầy bi kịch của những con người đã từng trực tiếp tham gia cầm súng chiến đấu. Còn với Bảo Ninh, cái khác và không nhầm lẫn đó chính là cái da diết, tình người trĩu đầy trong lời văn.
Sự trĩu nặng của lời văn về nỗi đau chiến tranh, nỗi đau còn mãi: “Nói
chung chẳng biết đến bao giờ lòng thì lòng mình mới có thể nguôi nổi, trái tim
mình mới thoát khỏi gọng bàn tay xiết chặt của những kỉ niệm chiến tranh”
[48, tr.54]. Và lời văn nặng trĩu tình thương dành cho Kiên, một nhân vật phải sống trong dằn vặt, hồi ức, ám ảnh: “Ôi năm tháng của tôi, thời đại của tôi, thế
hệ của tôi! Suốt đêm nước mắt tôi ướt đầm gối bởi nhớ nhung, bởi thương tiếc
và cay đắng ngậm ngùi” [48, tr.57] nhất là sống cùng những giấc mơ khiến cho
Kiên đau đớn về quá khứ: “Và trái tim tôi run rẩy nhói đau, hồi hộp đập dồn
như treo trên đầu sợi chỉ” [48, tr.58].
Xuyên suốt toàn bộ tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, lời văn nặng trĩu tình người bộc lộ qua từng câu, từng đoạn. Tiểu thuyết là một nỗi đau lớn và những nỗi đau của từng số phận con người cụ thể. Bảo Ninh đã viết về những nỗi đau đó, những số phận đó bằng tất cả tấm lòng của mình, viết để bày tỏ sâu sắc tình thương của mình. Lời văn nặng trĩu tình người trong tiểu thuyết Nỗi
buồn chiến tranh xuất phát từ điều đó. Và có thể nói, lời văn là một yếu tố góp
phần thể hiện tình yêu thương đối với con người, mang sắc thái riêng của Bảo Ninh.
Còn với truyện ngắn, cái nặng trĩu trong lời văn cũng hướng về nỗi đau thời chiến, nỗi đau thời hậu chiến và nỗi đau giữa đời thường với những trái khoáy, trớ trêu, khó có thể hóa giải được. Bảo Ninh đã đưa người đọc đến với rất nhiều mảnh đời khác nhau với sự xúc động, xót thương và chan chứa tình người.
Truyện ngắn Đêm cuối cùng ngày đầu tiên, người đọc sẽ phần nào cảm nhận được nỗi mất mát, chia li trong chiến tranh. Nỗi đau lan tỏa trong những người ở lại, những người được hưởng cuộc sống yên bình, mà cuộc sống đó phải
đổi bằng sự ra đi mãi mãi của những người mà mình thương yêu nhất: “Nỗi
buồn thương vẫn khiến cặp mắt của bao người phải âm thầm nhòa lệ. Hàng bao
nhiêu người cha người mẹ mất một, mất hai, mất ba, thậm chí mất tất cả những người con của mình trong chiến tranh. Những người vợ mất chồng. Những cặp
tình nhân bị chiến tranh chia lìa, mãi mãi không bao giờ còn gặp lại nhau”
[49, tr.523].
Còn ở truyện Cái búng, lời văn thể hiện sự cảm thông, đồng cảm của tác giả với những nỗi đau rất sâu trong lòng người. Mỗi người đều có những góc khuất ẩn sâu trong lòng mà không phải ai cũng thấu và hiểu, những nỗi đau âm thầm mà khi vô tình chạm phải lại khiến con người đau xót. Những đoạn văn mang dáng dấp của diễn ngôn trữ tình ngoại đề, nhưng đã tạo nên một nét riêng trong văn Bảo Ninh:
Và tôi nghĩ chẳng riêng bạn, bạn cũng vậy thôi, thỉnh thoảng bạn vẫn vướng phải những chuyện mà người khác chẳng buồn để tâm nhưng bạn lại xúc động sâu xa, bạn không thể quên, như là một vết tự thương cứa sâu vào lòng, khó bề chữa khỏi. Ấy là những nỗi đau vô cớ, những bất hạnh mơ hồ, những đắng cay chua xót không đâu, những nỗi nhục, những mặc cảm không có duyên
do, không tài nào ai hiểu nỗi vẫn thường đầy rẫy trong cuộc đời mỗi người
[49, tr.44].
Tình yêu trong truyện ngắn của Bảo Ninh cũng nhuốm buồn, vì đa phần là những mối tình không trọn vẹn, chớm nở nhưng cũng sớm tàn phai và để lại những hoài niệm đau buốt trong lòng người, không quên được nhưng cũng không có cách nào để hàn gắn. Qua giọng văn, ta có thể cảm nhận được mối tình buồn tê dại trong truyện Hữu khuynh: “Mối tình như là được nuôi bằng những vết thương toác hoác, những cơn đau chết đi sống lại cùng triền miên những nỗi
hãi hùng” [49, tr.221].
So với các đồng nghiệp cùng thời, truyện ngắn của Bảo Ninh mà đặc biệt là truyện viết về chiến tranh: “lại có một cái nét gì đó thâm trầm hơn, trắc ẩn
hơn” [32, tr.72]. Có lẽ thâm trầm và trắc ẩn vì những mảnh đời bất hạnh, vì những câu chuyện không thoát khỏi cái lề của nỗi đau, vì tình cảm mà tác giả dành cho người, cho đời… Nỗi buồn trong truyện ngắn Bảo Ninh, theo Mai Quốc Liên cảm nhận, là:
Một nỗi buồn, một nỗi xót xa thấm đượm những trang sách. Những số
phận rất khác nhau nhưng đều giống nhau ở sự mất mát trong chiến tranh. Có
điều là nỗi buồn ở đây không tuyệt vọng mà có hiệu ứng thanh lọc con người,
làm cho nó “người” hơn một chút. Đó có lẽ là ý nghĩa cao nhất của những
trang truyện [80].
Bảo Ninh phải có một tấm lòng dạt dào thương yêu và hơn hết là sự thấu cảm mới có thể chuyển tải tất cả tình cảm của mình vào những trang văn, và người đọc sẽ cảm nhận được điều đó khi đọc tiểu thuyết và truyện ngắn của Bảo Ninh.
Tiểu kết chương 3
Để khắc họa và làm rõ nét biểu hiện tư tưởng nhân văn hiện thực trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Bảo Ninh, chúng ta cần tìm hiểu những yếu tố nghệ thuật.
Với điểm nhìn trần thuật, điểm nhìn bên ngoài giúp Bảo Ninh xây dựng và phản ánh khách quan những vấn đề của cuộc sống, của chiến tranh thông qua hành động, cử chỉ… của nhân vật. Và nhân vật tự bộc lộ cảm xúc, suy nghĩ của mình. Còn điểm nhìn bên trong góp phần soi rõ hiện thực khi có thể khám phá được sâu sắc những diễn biến cũng như nội tâm sâu kín của con người. Bảo Ninh hướng về con người không chỉ là nhìn khách quan bên ngoài mà quan trọng là nhìn từ bên trong, từ thế giới nội tâm đan xen với những bi kịch, thương đau, mất mát, éo le của cuộc đời con người. Để có được những điểm nhìn đó, chứng tỏ Bảo Ninh phải có tấm lòng yêu thương con người, thông cảm, đặt mình vào hoàn cảnh của những số phận đó và suy tư, trăn trở, đau khổ… cùng họ. Đó là một điểm sáng, là một điều trân quý từ điểm nhìn trần thuật của Bảo Ninh.
Còn giọng văn và lời văn nghệ thuật lại có tác dụng để khắc họa sâu sắc và nhấn mạnh những mất mát, tội ác của chiến tranh; vừa góp phần bộc lộ thái độ lên án, tố cáo chiến tranh, những vấn đề đáng buồn trong xã hội vừa thể hiện sự cảm thông, chia sẻ, yêu thương của nhà văn đối với con người. Giọng văn là lời văn nghệ thuật là hai phương diện đắc lực để thể hiện tư tưởng trong sáng tác của Bảo Ninh, đồng thời đánh dấu phong cách, cá tính và con người của nhà văn trong văn học thời kì đổi mới.
Những phương diện nghệ thuật này đã phần nào làm sáng rõ tư tưởng nhân văn hiện thực trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Bảo Ninh.
KẾT LUẬN
Bảo Ninh, với vốn sống và ký ức của chính mình về chiến tranh cũng như hiện thực cuộc sống đã cho ra đời nhiều tác phẩm hay và có sức hấp dẫn rất riêng. Số lượng tác phẩm của Bảo Ninh không nhiều như các nhà văn khác, nhưng đó là những tác phẩm giàu cảm xúc, đã chạm đến trái tim của độc giả, chứa đựng tư nhiều tư tưởng và giá trị sâu sắc, trong đó có tư tưởng nhân văn hiện thực.
Bằng tất cả tình yêu thương và quý trọng con người, Bảo Ninh đã viết về sự ác liệt của chiến tranh, viết về những số phận con người bất hạnh, viết về những câu chuyện đời đầy éo le và nghiệt ngã…
Tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh đã mang đến sự thành công cũng như để lại dấu ấn riêng của Bảo Ninh trong nền văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Tuy thành công hơn trong lĩnh vực tiểu thuyết, nhưng truyện ngắn của Bảo Ninh cũng góp thêm nhiều mảnh ghép sinh động và màu sắc cho bức tranh sáng tác lớn của nhà văn nói riêng và văn học nước nhà nói chung. Đó là cả một quá trình cống hiến, khám phá và nỗ lực không ngừng của Bảo Ninh.
Chương 1: chúng tôi đã giải quyết vấn đề lí luận của tư tưởng nhân văn
hiện thực.
- Đầu tiên là chúng tôi trình bày sơ lược về cơ sở và bản chất của tư tưởng nhân văn. Tư tưởng nhân văn ra đời trong thời đại Phục hưng đầy biến động, xung đột.Tư tưởng nhân văn thời kì này hướng về con người với tư cách là trung tâm của vũ trụ, là chủ thể của lịch sử - xã hội. Mặc dù còn nhiều hạn chế, nhưng tư tưởng này cũng đã ảnh hưởng lớn đến tư tưởng của con người. Tư tưởng nhân văn hiện thực luôn hướng về con người, khẳng định những vẻ đẹp và giá trị vốn có của con người, đấu tranh vì quyền lợi của con người và giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột.
- Về bản chất của tư tưởng nhân văn hiện thực, đó là khẳng định những giá trị toàn năng của con người với tư cách là con người chân chính, với những
giá trị vốn có. Tư tưởng này còn đấu tranh giải phóng con người thoát khỏi áp bức, khẳng định tự do của con người trong xã hội. Những điều đó thể hiện tinh thần vì con người và sự tôn trọng con người.
- Biểu hiện của tư tưởng nhân văn hiện thực trong văn học rất đa dạng, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng đều tập trung hướng về con người, tiêu biểu trên những phương diện là: tình yêu thương con người; sự phân đôi trong thái độ của người nghệ sĩ với con người, cuộc sống; khơi dậy những khát vọng của con người; tôn vinh những vẻ đẹp của con người. Tư tưởng này đã hướng về con người với những góc tối, những vùng đau chứ không chỉ ca ngợi con người với mọi vẻ đẹp, nâng cao giá trị của con người.
- Mục đích của tư tưởng nhân văn hiện thực là phát triển những năng lực bản chất của mỗi con người, là sự hiểu biết, khám phá và sáng tạo.
Tư tưởng nhân văn hiện thực sẽ đi sâu và bàn luận kĩ hơn về con người. Đó là những vấn đề về tình yêu thương con người; là những nỗi đau, bất hạnh của con người; hướng về con người, nhân cách con người; thể hiện khát vọng sống, ý thức vươn lên, hướng thiện của con người. Tư tưởng này sẽ làm rõ hơn vấn đề hiện thực trong các tác phẩm văn học thông qua yếu tố nhân văn.
Khảo sát tiểu thuyết và truyện ngắn của Bảo Ninh, chúng tôi nhận thấy những điểm nổi bật biểu hiện tư tưởng nhân văn hiện thực ở chương 2 và chương 3 như sau:
Chương 2: Biểu hiện của tư tưởng nhân văn hiện thực trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Bảo Ninh. Có những luận điểm lớn là: tình yêu thương con người, khơi dậy những khát vọng con người và tôn vinh vẻ đẹp của con người.
- Văn Bảo Ninh luôn chứa chan tình cảm dành cho con người. Và tình yêu thương con người là điều dễ nhận ra nhất trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Bảo Ninh. Đó là hướng về những nỗi đau, mất mát và ám ảnh của con người. Những nỗi đau cụ thể và mất mát lớn do chiến tranh gây ra, nỗi đau về nhân tính, nỗi đau của tình yêu, nỗi đau của cuộc đời… Đó là chia sẻ và cảm thông
với những nỗi đau của con người trong chiến tranh và sau chiến tranh hòa cùng với thái độ lên án chiến tranh. Tình yêu thương con người là biểu hiện rõ nhất, đậm nhất trong tư tưởng nhân văn hiện thực.
- Tiểu thuyết và truyện ngắn của Bảo Ninh còn khơi dậy những khát vọng của con người: khát vọng tình yêu, khát vọng tìm thấy lối thoát cho những nỗi đau, khát vọng hòa nhập với cuộc sống thời bình, khát vọng hòa giải dân tộc sau chiến tranh. Qua đó thấy được tinh thần và sự quan tâm của Bảo Ninh đối với con người.
- Cùng với yêu thương và khơi dậy khát vọng, Bảo Ninh còn tôn vinh những vẻ đẹp của con người. Mặc dù cách khai thác trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Bảo Ninh khác so với các tác giả cùng thời nhưng vẫn phát hiện và khám phá được những vẻ đẹp của tình yêu đôi lứa, vẻ đẹp của tình người và vẻ đẹp của người lính.
Những biểu hiện trên khẳng định rõ ràng và sâu sắc tưởng nhân văn hiện thực trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Bảo Ninh. Qua đây, không chỉ khẳng định tài năng, sự đóng góp của Bảo Ninh mà hơn hết còn thấy được tấm lòng, tâm huyết và sự cố gắng của nhà văn.
Chương 3: Nghệ thuật biểu hiện tư tưởng nhân văn hiện thực trong tiểu thuyết và truyện ngắn của Bảo Ninh. Chúng tôi khảo sát những phương diện là: điểm nhìn trần thuật, giọng văn nghệ thuật và lời văn nghệ thuật.
Về nghệ thuật, tiểu thuyết và truyện ngắn của Bảo Ninh có rất nhiều phương diện đặc sắc, sáng tạo mới mẻ. Sở dĩ chúng tôi khảo sát những phương diện nghệ thuật trên vì: tư tưởng nhân văn hiện thực hướng về con người nên phải khai thác những phương diện nào nổi bật, góp phần soi sáng và biểu hiện tư tưởng.
- Với điểm nhìn trần thuật, chúng tôi khảo sát điểm nhìn trần thuật bên trong và bên ngoài.
Tiểu thuyết và truyện ngắn trần thuật từ điểm nhìn bên ngoài, từ hiện thực lắng đọng vào tâm hồn, giúp cho nhà văn khái quát được hiện thực cũng như khám phá được chiều sâu của con người, đặc biệt là thể hiện tính khách quan.
Trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, điểm nhìn bên ngoài sẽ tái hiện lại hiện thực chiến tranh đau thương, vất vả và khốc liệt, đưa người đọc trở về với quá khứ, chiêm nghiệm và suy tư về chiến tranh cùng tác giả. Đồng thời người đọc sẽ tự nhận ra được những trăn trở và suy nghĩ của nhà văn thông qua hành động, ngôn ngữ của các nhân vật. Ở lĩnh vực truyện ngắn thì điểm nhìn bên ngoài ít được Bảo Ninh sử dụng hơn, nhưng nhà văn sẽ đưa người đọc đến với những câu chuyện đời đầy xót xa và xúc động.
Với điểm nhìn từ bên trong, từ tâm hồn sẽ soi chiếu ra hiện thực bên ngoài, điểm nhìn này tuy chủ quan nhưng tái hiện đời sống nội tâm, suy nghĩ của nhân vật sâu sắc. Trong tiểu thuyết, nhờ điểm nhìn trần thuật bên trong mà cảm nhận về chiến tranh đối với mỗi nhân vật cụ thể và có chiều sâu hơn. Còn các truyện ngắn của Bảo Ninh được kể theo dạng thức trần thuật từ ngôi thứ nhất xưng “tôi”, nhờ đó nhân vật tự mình kể lại câu chuyện về cuộc đời mình, kể về câu chuyện của người khác, và đối diện với chính mình để bày tỏ mọi suy nghĩ, cảm nhận. Điểm nhìn bên trong là một trong số những biểu hiện rõ nét của tư tưởng nhân văn hiện thực.
- Về giọng văn nghệ thuật, tiểu thuyết và truyện ngắn của Bảo Ninh đa