6. Kết cấu của luận văn
1.2.1.2. Đấu tranh giải phóng con người
Không chỉ khẳng định những giá trị toàn năng của con người, tư tưởng nhân văn hiện thực còn đấu tranh để giải phóng con người. Con người phải chịu sự ràng buộc của nhà thờ, chế độ phong kiến, và nhiều rào cản khác nên không có quyền tự do cá nhân của riêng mình. Vì vậy, con người cần phải được giải phóng khỏi tất cả những điều đó, đây là một yêu cầu và đòi hỏi cấp thiết đối với vận mệnh và cuộc sống của con người. Bởi vì: “Con người không phải chỉ sống
bằng bánh mì, và nó cũng không phải chỉ sống bằng những của cải vật chất hiện
đại. Con người sống chủ yếu bằng chân lý và lương tri, bằng chính trực và tự
do, bằng đạo lý và nhân bản” [56, tr.28].
Các nhà nhân văn Phục hưng đã giải phóng con người thoát khỏi sự khống chế và ánh sáng quyền lực của các thần thánh, để họ có quyền hành động theo lí trí của mình một cách tự do, không phụ thuộc. Con người trở thành một cá nhân riêng biệt và độc lập trong xã hội. Dẫn theo lời của C. Mác và Ăngghen thì: Sự trả lại con người bản thân nó với tư cách là con người xã hội, tức là con
người tính người, sự trả lại này có tính chất đầy đủ, diễn ra một cách tự giác, có
sự giữ lại toàn bộ sự phong phú của sự phát triển trước đây [39].
Các sáng tác nhân văn hiện thực luôn đấu tranh giải phóng con người thoát khỏi những vây hãm, áp bức, từ đó khẳng định quyền tự do, phát triển tự do của con người. Đấu tranh giải phóng con người không chỉ là đưa con người thoát khỏi sự áp chế, xiềng xích mà còn là giải phóng nhân cách của con người, đòi quyền tự do thật sự cho con người và tạo mọi điều kiện để con người trở thành tự do với tư cách là một cá nhân trong xã hội. Có như thế con người và xã hội mới ngày càng phát triển bền vững hơn.
Tư tưởng nhân văn hiện thực có sự tiến bộ hơn tư tưởng nhân văn thời Phục hưng, đó là khẳng định sự tác động biện chứng, thống nhất giữa mỗi cá nhân với xã hội; hướng đến sự hoàn thiện nhân cách con người. Tư tưởng nhân văn hiện thực gắn với toàn bộ quá trình cải biến của xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tóm lại, bản chất của tư tưởng nhân văn hiện thực là hướng về vấn đề con người, mà đặc biệt là giải phóng để con người phát triển tự do và khẳng định những khả năng của mỗi con người.