- Đường chuẩn và khoảng tuyến tính
CHƯƠNG 4 BÀN LUẬN
4.1.2.3. Cải thiện lượng metformin giải phóng ở thời điểm đầu
Đối với viên thẩm thấu qui ước, dược chất cũng giải phóng theo động học bậc 0, tuy nhiên trong quá trình giải phóng lượng TD tạo áp suất thẩm thấu giảm dần dẫn tới tốc độ GPDC giảm theo. Động học bậc 0 là một ưu điểm lớn của viên thẩm thấu qui ước, tuy nhiên nó vẫn có nhược điểm cần khắc phục. Khác với động học Higuchi, lượng dược chất giải phóng cao hơn ở thời gian đầu và vì thế thuận lợi hơn để nồng độ dược chất trong máu nhanh đạt nồng độ tối thiểu cho tác dụng. Đối với viên thẩm thấu, lượng dược chất giải phóng từ viên là hằng định vì thế cần thời gian dài hơn để đạt được nồng độ dược chất cần thiết trong máu. Nhược điểm này cần được khắc phục, trên thực tế sản xuất cần bào chế sao cho một lượng dược chất thích hợp phải giải phóng ngay để cho đáp ứng điều trị, lượng dược chất còn lại sẽ cho tốc độ GPDC hằng định để tiếp tục duy trì hàm lượng dược chất trong máu. Vì vậy, viên thẩm thấu thương mại, bên ngoài màng bao thẩm thấu thường bao thêm một lớp màng bao bảo vệ, đây là lớp màng bao hoà tan nhanh. Trong màng bao đó thường chứa 5 – 10 % lượng dược chất trong viên và giải phóng ngay khi sử dụng. Phương pháp bào chế như vậy đã được báo cáo trong nghiên cứu của Nguyễn Thanh Hải và cs. (2013) [8].
Trong đề tài này, viên thẩm thấu chứa MH muốn đạt được lượng dược chất giải phóng ở thời gian đầu theo yêu cầu của USP 35 phải đưa đến 25 % lượng dược chất ra màng bao bảo vệ. Natri croscarmellose (Disolcel) – một TD siêu rã có khả năng hút nước và trương nở mạnh được sử dụng để bào chế lớp giải phóng nhanh. Lượng TD siêu rã được sử dụng thay đổi từ 3 % đến 20 % so với tổng khối lượng bột và sử dụng phương pháp bao bồi với nồi bao truyền thống. Trong công thức màng bao, Disolcel được phối hợp với polyme có độ nhớt thấp HPMC E6 để tăng tính dẻo dai, tránh hiện tượng nứt vỡ màng, tăng khả năng bám dính vào viên bao, thay đổi độ tan và hệ số khuếch tán của màng bao [1], [84]. Để lựa chọn được lớp giải phóng nhanh đạt yêu
cầu trên, tiến hành bồi bột lên viên thẩm thấu chưa khoan lỗ và thử hoà tan trong 1 giờ. Tăng lượng Disolcel trong lớp bao, tốc độ rã của lớp bột nhanh hơn. Khi lượng Disolcel là 15 % và 20 % (kl/kl) lớp bao rã hoàn toàn sau 30 phút, viên thẩm thấu đã được bộc lộ. Tuy nhiên, công thức bao chứa tỷ lệ Disolcel cao (20 % kl/kl) cho quá trình bao gặp khó khăn do tỷ lệ HPMC E6 thấp (10 % kl/kl), làm giảm khả năng bám dính của bột. Điều này có thể ảnh hưởng đến độ bền cơ học và độ ổn định của lớp bao. Như vậy, lựa chọn công thức màng bao rã nhanh (chứa 15 % Disolcel) cho quá trình GPDC kéo dài 12 giờ, đạt yêu cầu USP 35 và tương đương với viên ĐC. Tuy nhiên, khi đưa dược chất ra ngoài màng bao, để đảm bảo độ đồng đều khối lượng giữa các viên, bột bao cần phải được rây qua rây 200 µm và kiểm soát độ ẩm trong quá trình bao. Ngoài ra, các thông số của qui trình bao cũng phải được kiểm soát nghiêm ngặt để tránh hư hao dịch bao và bột bao. Sai số về hàm lượng của các viên bào chế đều đạt yêu cầu đề ra nhưng độ đồng đều về hàm lượng dược chất ở phần màng bao thấp hơn so với viên nhân. Đây cũng là khó khăn cần khắc phục khi triển khai sản xuất ở qui mô lớn. Nhận thấy, để ứng dụng quy trình bào chế viên MH dạng thẩm thấu trên vào sản xuất phải kiểm soát nhiều giai đoạn và cần có một dây chuyền sản xuất đồng bộ nên không thuận lợi bằng viên dạng cốt. Vì vậy, dạng viên này không được lựa chọn để tiếp tục nâng cấp quy trình bào chế ở quy mô pilot.