Đổi mới phương pháp dạy học môn Ngữ văn là quản lý đổi mới cách tiến hành các phương pháp, các phương tiện và hình thức triển khai phương pháp trên cơ sở khai thác triệt để ưu điểm của các phương pháp cũ và vận dụng linh hoạt một số phương pháp mới nhằm phát huy tối đa tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Hiệu trưởng cần quan tâm chỉ đạo hoạt động đổi mới PPDH. Vì đây là yếu tố liên quan trực tiếp đến việc nâng cao chất lượng giáo dục thông qua quản lý một số hoạt động sau: Tổ chức hoạt động nghiên cứu, học tập, ứng dụng những lý luận, học hỏi về phương pháp dạy học mới thông qua học tập chuyên đề, tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm. Quy định và quản lý nề nếp, chất lượng các hoạt động của tổ, nhóm chuyên môn; chú trọng đổi mới hoạt động sinh hoạt nhóm chuyên môn để trao đổi PPDH, tìm hiểu những vấn đề khó, thảo luận đổi mới cách thiết kế bài học nhất là các bài dài, bài khó, trao đổi các tình huống dạy học theo hướng đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức dự giờ, rút kinh nghiệm các tiết học theo hướng tích cực hóa và tăng cường mối quan hệ tương tác giữa các hoạt động của học sinh. Tổ chức tham quan, trao đổi, học tập kinh nghiệm những trường thực hiện đổi mới phương pháp dạy học có hiệu quả. Tổ chức có định kỳ thi tay nghề sư phạm như thi giáo viên giỏi trường hàng năm, chu kỳ giáo viên giỏi huyện hai năm một lần. Đổi mới phương pháp đánh giá.
Nội dung cơ bản của quy trình chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học ở các trường theo bốn bước: Chuẩn bị; Tổ chức chỉ đạo mẫu; Chỉ đạo phát triển đại trà; Kiểm tra, đánh giá kết quả, rút ra các bài học kinh nghiệm
Hiệu trưởng cần hướng tới những giải pháp quản lý nhằm khai thác, sử dụng triệt để, hiệu quả các thiết bị dạy học hiện có, mặt khác cần khai thác tiềm năng giáo viên, học sinh, các lực lượng xã hội trong việc làm ra các thiết bị dạy học, sưu tầm tranh, ảnh, mẫu vật...