- Những điều kiện thuận lợ
2.3.3.1. Nguyên nhân khách quan.
Từ phía gia đình.
Đây là nguyên nhân đầu tiên và chủ yếu, vì môi trường sống trong gia đình có tác động đầu tiên và ảnh hưởng sâu sắc tới quá trình phát triển nhân cách của trẻ em. Vai trò, chức năng của gia đình trong việc quản lý, giáo dục trẻ em, đặc biệt là vai trò của cha mẹ là hết sức quan trọng. Quản lý và giáo dục của gia đình là một quá trình liên tục và lâu dài từ khi đứa trẻ sinh ra cho đến khi trưởng thành. Gia đình nào tạo dựng được môi trường giáo dục tốt, có nề nếp kỷ cương thì mặc dù điều kiện kinh tế có khó khăn nhưng vẫn có cuộc sống hạnh phúc, con cái có lối sống trong sáng, lành mạnh. Ngược lại, môi trường giáo dục trong gia đình không tốt sẽ là nguyên nhân dẫn con cái đến
con đường vi phạm pháp luật. Trong quá trình phỏng vấn sâu về bầu không khí trong gia đình, sự quan tâm của bố mẹ và người thân dành cho các em như thế nào thì các em đều trả lời là " Bố mẹ rất ít khi dành thời gian quan
tâm đến cuộc sống của các em. Nếu các em làm gì không đúng thì bố mẹ chửi bới hoặc đánh đập chứ không để cho các em diễn giải suy nghĩ của mình. Nhiều lúc các em muốn tâm sự với bố mẹ về những vấn đề mình đang gặp phải nhưng nghĩ rằng bố mẹ không thể hiểu mình nên các em lại không chia sẻ với bố mẹ nữa ". Có một em đã chia sẻ thẳng thắn về cuộc sống trong gia đình mình như sau: " Em chán ghét gia đình, không ai hiểu em cả. Mỗi lần ăn cơm bố mẹ lại lôi những chuyện em làm sai ra để chì chiết, chửi bới. Có những bữa cơm em vừa ăn vừa khóc. Bố mẹ thường hay so sánh em với các bạn khác và nói em là đồ vô dụng, đồ bỏ đi. Những lời nói cay độc ấy khiến em vô cùng tủy thân. ". Những thiếu sót, sai lầm từ phía gia đình có
thể là do:
Một là, lựa chọn phương pháp quản lý, giáo dục không đúng, như:
thỏa mãn và đáp ứng đầy đủ yêu cầu vật chất của con cái khi các yêu cầu này là không chính đáng, không phù hợp với lứa tuổi hoặc điều kiện kinh tế của gia đình. Sự nuông chiều thái quá, không bắt làm lụng, coi nhẹ hoặc bỏ qua lỗi lầm, nghĩa vụ của con cái từ đó tạo ra thói quen, tâm lý đòi hỏi, hưởng thụ sống ích kỷ, ỷ lại. Bố mẹ chưa biết cách truyền đạt cho con cái hiểu giá trị của sức lao động. Ngược lại, có gia đình do bố mẹ thiếu hiểu biết nên khi thấy con có lỗi đã không tìm cách khuyên răn mà lại dạy con bằng cách đánh đập, hành hạ. Họ nghĩ yêu con là phải “ cho roi, cho vọt ”. Tuy nhiên cách dạy dỗ này của bố mẹ không những không giúp các em điều chỉnh hành vi mà còn khiến các em ngày càng lấn sâu hơn vào con đường sai trái. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vi phạm pháp luật của người chưa thành niên.
Hai là, gia đình thiếu trách nhiệm, không quan tâm trong việc quản lý
và giáo dục con cái, ỷ lại cho nhà trường và xã hội như: bố mẹ lo làm ăn buôn bán, do phải đi làm xa nhà, bố mẹ ốm đau bệnh tật không quản lý chặt chẽ việc học tập, sinh hoạt của con cái. Có trường hợp con cái bỏ học hàng tháng, đi chơi qua đêm, nghiện hút và có hành vi vi phạm pháp luật mà bố mẹ không hề hay biết, chỉ đến khi nhận được thông báo của cơ quan công an hoặc hàng xóm, bạn bè mách bảo thì mọi việc đã muộn.
Ba là, một số gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như: gia đình có điều
kiện kinh tế khó khăn, gia đình đông con, gia đình không đầy đủ ( do ly hôn, ly thân, vợ hoặc chồng đã mất… ), gia đinh lệch chuẩn ( nghiện hút, cờ bạc, rượu chè, phạm pháp… ), gia đình có người khuyết tật ( do tai nạn, do bẩm sinh ), gia đình thất nghiệp, gia đình di cư, gia đình nhập cư cưỡng bức ( do quy hoạch, do chiến tranh… ). Những trẻ em rơi vào hoàn cảnh này thường bị tổn thương về tâm lý do tự ti, mặc cảm, thiếu thốn tình cảm, thiếu điều kiện học tập vui chơi, thiếu quản lý, giáo dục dẫn đến mất phương hướng khi hành động dễ bị lôi kéo vào những hành vi tiêu cực, phạm tội.
Từ phía nhà trường
- Nhà trường là môi trường văn hoá xã hội thứ hai trong quá trình hình thành nhân cách, phẩm chất và năng lực của các em. Nhưng đó lại là nơi có vai trò gần như quyết định tới quá trình phát triển mọi mặt của thanh, thiếu niên. Nhà trường và công tác đào tạo giáo dục của chúng ta là tốt. Song cơ chế thị trường những năm qua phần nào cũng làm cho chất lượng giáo dục có phần giảm sút và xuống cấp. Nhiều trường do cuộc sống của giáo viên thiếu thốn đã dẫn tới nhiều giáo viên bỏ nghề. Những vấn đề rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống… không được chú ý hoặc bị coi nhẹ. Kiến thức về pháp luật
chưa được đưa vào giảng dạy trong chương trình cho các em, do đó các em chưa thấy được quyền và nghĩa vụ của mình đối với xã hội.
- Ngoài vấn đề nội dung và phương pháp giáo dục trong nhà trường, còn phải chú ý đến môi trường xung quanh các trường học hiện nay. Xung quanh các trường học mọc lên rất nhiều các hàng quán để phục vụ học sinh. Trong đó có đủ các loại hàng hoá, văn hoá phẩm có nội dung xấu, tốt. Ngoài những yếu tố tích cực còn có những ảnh hưởng tiêu cực. Mặt khác, sự tiếp xúc sớm với đồng tiền đã làm cho các em dễ đi vào con đường phạm pháp một khi gia đình không có điều kiện đáp ứng bằng bạn bè.
- Hiện nay, hầu hết các trường học đều tổ chức cho học sinh tham gia ký cam kết không vi phạm pháp luật, nhưng thực tế đây cũng chỉ có tính hình thức. Trong khi đó, các chương trình giáo dục pháp luật lại chưa được chú trọng, chưa có nhiều giải pháp quản lý, giáo dục và giúp đỡ các học sinh chưa ngoan. Thông thường, khi phát hiện học sinh vi phạm kỷ luật thì hình thức xử lý là đuổi học, mà hình thức này khi áp dụng lại vô tình tạo ra khoảng trống thiếu vắng sự quản lý, giáo dục nên dễ đưa học sinh vào con đường vi phạm pháp luật.
- Ngoài ra, sự phối hợp trao đổi thông tin, liên lạc giữa gia đình và nhà trường thiếu chặt chẽ nên nhiều học sinh tự ý bỏ học đi lang thang hoặc tìm niềm vui qua các trò chơi điện tử, phim ảnh bạo lực, khiêu dâm mà nhà trường và gia đình không hay biết. Đây là điều kiện để các đối tượng xấu ngoài xã hội lợi dụng để lôi kéo các em vào con đường vi phạm pháp luật.
- Ngoài sự giáo dục các em ở gia đình, nhà trường thì giáo dục còn là cả một quá trình mang tính xã hội. Do những tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường cùng với những thiếu sót trong việc quản lý văn hóa – xã hội của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, vì vậy chúng ta chưa đánh giá hết tính chất phức tạp, nghiêm trọng của tình hình trẻ em làm trái pháp luật để đề ra những chủ trương, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh phù hợp. - Hệ thống pháp luật về trẻ em và người chưa thành niên thiếu đồng bộ, việc thi hành chưa nghiêm. Sự phối hợp hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật còn thiếu chặt chẽ, các ngành, các cấp chính quyền chưa coi trọng đúng mức và chưa thực hiện hết trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, coi đó là trách nhiệm chủ yếu của gia đình và nhà trường.
- Chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể xã hội chưa thật sự quan tâm và đầu tư đầy đủ điều kiện vật chất cho các em vui chơi một cách lành mạnh. Sự buông lỏng kỉ cương trong lĩnh vực văn hoá đã làm cho các em bị lôi cuốn vào những phim ảnh, văn hoá phẩm đồ truỵ, độc hại.
- Vai trò của các đoàn thể xã hội, đặc biệt là Đoàn Thanh niên trong công tác giáo dục và phòng ngừa vi phạm pháp luật của người chưa thành niên còn mờ nhạt. Thông thường những người vi phạm pháp luật thuộc đối tượng ở tổ chức nào thì ủy ban nhân dân xã giao cho tổ chức đó giáo dục, giúp đỡ và bảo vệ quyền lợi của họ nhưng thực tế thì rất ít trẻ em vi phạm pháp luật được giao cho Đoàn Thanh niên quản lý, giáo dục, nếu có thì cũng chưa được các cơ sở đoàn quan tâm đúng mức. Sự mờ nhạt của các tổ chức đoàn cùng với việc thiếu quan tâm của gia đình dẫn đến nhiều thanh niên sau khi trở về từ trường giáo dưỡng lại tiếp tục đi vào con đường tái phạm.