Đặc điểm tự nhiên, kinh tế và xã hội của huyện Nông Cống

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý hoạt động dạy học ở các trường Tiểu học huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa (Trang 30 - 35)

2.1.1.1. Điều kiện tự nhiên

Nông Cống là huyện thuộc vùng đồng bằng của tỉnh Thanh Hoá, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Thanh Hoá 24 km về phía Tây Nam. Phía Bắc tiếp giáp với huyện Đông Sơn, Phía Tây giáp huyện Như Thanh, phía Đông giáp huyện Tĩnh Gia và huyện Quảng Xương. Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 28.656,53 ha. Toàn huyện có 33 đơn vị hành chính gồm 32 xã và 1 thị trấn. Thị trấn Chuối là trung tâm văn hoá của huyện.

Nông Cống có quốc lộ 45 trục giao thông chính và tuyến đường Bắc -Nam chạy qua, cùng với hệ thống đường liên huyện, liên xã tạo thành mạng lưới giao thông tương đối đồng đều, nối các khu đô thị công nghiệp trọng điểm của tỉnh như: đô thị trung tâm thành phố Thanh Hoá - Sầm Sơn, Nghi Sơn - Tĩnh Gia với các vùng miền trong tỉnh và cả nước là điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế của huyện Nông Cống phát triển. Là huyện đồng bằng nhưng địa hình của Nông Cống tương đối đa dạng: vừa có đồng bằng với độ chênh cao tương đối lớn, địa hình cũng bị chia cắt bởi hệ thống sông ngòi tự nhiên. Tổng thể bị nghiêng dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam ở phía Bắc huyện và từ Tây Nam xuống Đông Bắc ở phía Nam huyện.

Sự đa dạng của địa hình đã tạo điều kiện cho việc phát triển nông lâm đa dạng, nhưng cũng gây ra những khó khăn nhất định cho quá trình tổ chức sản xuất, đặc biệt là sản xuất với quy mô lớn. Vì thế, cho đến nay cây trồng chiến lược của Nông Cống vẫn là cây lúa nước, bên cạnh đó cũng trồng một số cây công nghiệp, chăn nuôi lợn và gia cầm, nuôi trồng thuỷ sản trên cả nước ngọt và nước lợ nhưng chủ yếu là ở quy mô hộ gia đình.

Bên cạnh nguồn tài nguyên đất đa dạng và phong phú, Nông Cống cũng có một số khoảng sản có trữ lượng đáng kể, tạo nền tảng cho ngành công nghiệp khai thác tại địa phương.

Huyện Nông Cống được đánh giá là huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản chiếm ưu thế trong toàn tỉnh tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng. Đặc biệt là các mỏ Cromit, phụ gia ximăng, Secpentin có trữ lượng lớn. Do đó, nếu được quản lý và khai thác tốt thì chúng sẽ có giá trị kinh tế cao phục vụ cho công nghiệp luyện kim, sản xuất phân bón, cung cấp nguồn phụ gia ximăng không chỉ cho điạ phương, trung ương mà còn là một nguồn xuất khẩu có giá trị.

Tóm lại, đặc điểm tự nhiên của Nông Cống cho thấy có nhiều thuận lợi trong việc tổ chức một nền nông nghiệp đa canh, một nền công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản có nhiều tiềm năng. Đây chính là thuận lợi của việc tạo công ăn việc làm cho nhân dân trong huyện. Mặt khác, sự đa dạng và phong phú của đất đai trong địa bàn một huyện cũng làm cho việc tổ chức sản xuất theo quy mô lớn gặp khó khăn.

2.1.1.2. Đặc điểm kinh tế xã hội

a. Đặc điểm kinh tế

Huyện Nông Cống có một nền sản xuất đa ngành nghề, trong những năm gần đây đang có nhiều chuyển biến. Bên cạnh những ngành nghề truyền thống cũng đã triển khai nhiều ngành nghề mới để tăng thu nhập và tăng khả năng tạo việc làm cho nhân dân trong huyện. Những nét lớn của kinh tế Nông Cống có thể khái quát như sau:

- Nông nghiệp

Nông nghiệp của Nông Cống có vai trò chủ đạo trong kinh tế của huyện và chiếm vị trí quan trọng trong kinh tế toàn tỉnh. Việc phát triển nông nghiệp trên điạ bàn huyện nhìn chung là toàn diện, nổi bật là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng mạnh mẽ cho phù hợp với tình hình hiện tại, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, tăng mùa vụ, tăng hiệu quả sử dụng đất và năng suất lao động là xu hướng phát triển chính của nông nghiệp Nông Cống trong thời gian gần đây. Huyện đã có những chính sách khuyến khích việc áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, diện tích những cây công nghiệp ngắn ngày có năng suất cao, phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng ngày càng mở rộng. Năng suất và sản lượng cây trồng cũng tăng cao. Bên cạnh việc phát triển toàn diện ngành trồng trọt thì chăn nuôi cũng là một ngành được quan tâm của huyện. Những năm gần đây do chịu ảnh

hưởng những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh trên toàn quốc chăn nuôi cũng gặp không ít khó khăn, nhưng nhờ các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi của tỉnh cùng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền huyện và xã nên việc chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản đều phát triển.

Một đặc điểm nổi bật nữa của nền kinh tế Nông Cống trong những năm gần đây là sự ra đời và phát triển của kinh tế trang trại. Năm 2005, mới có 164 trang trại hoạt động thì năm 2012 đã có 856 trang trại. Những trang trại này đã phát huy được tính đa dạng sinh thái và tài nguyên của Huyện, nhiều trang trại có thu nhập cao từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, kinh tế trang trại chưa phát huy hết tiềm năng, quy mô sản xuất nhìn chung còn nhỏ, trình độ quản lý và trình độ kỹ thuật của các chủ trang trại còn thấp, sản phẩm chủ yếu tiêu thụ ở dạng thô, chưa có thị trường ổn định và chưa phát huy được lợi thế của địa phương.

Một trong lĩnh vực được huyện Nông Cống quan tâm trong những năm gần đây là việc khoanh nuôi, trồng mới và phát triển nghề rừng. Trong 5 năm, huyện đã chỉ đạo trồng tập trung 506,3 ha rừng phòng hộ, chăm sóc 777 ha rừng trồng, trong đó có khoanh nuôi, tái sinh được 700 ha. Ngoài ra, còn trồng 87,7 vạn cây phân tán, nâng độ che phủ rừng lên cao góp phần bảo vệ môi trường, chống xói mòn cho đất.

- Công nghiệp - tiểu, thủ công nghiệp

Tính từ khi thực hiện chính sách đổi mới đến nay, đặc biệt là giai đoạn 2005-2010, ngành công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp của Nông Cống có nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng đều hàng năm, tính trung bình mỗi năm bình quân tăng 15,86%, cao hơn so với mức tăng bình quân của cả tỉnh 3,2%. Do tính tích cực của cơ chế và chính sách kích cầu qua đầu tư, chính sách thuế và các chính sách tài chính cùng với các biện pháp quản lý thị trường nên nhiều cơ sở quốc doanh đã phục hồi và phát triển. Bên cạnh việc phát triển công nghiệp quốc doanh, công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp tư nhân cũng phát triển mạnh. Năm 2005, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh là 28,3 tỷ đồng, năm 2012 đã tăng lên 36.8 tỷ đồng tăng 30%.

Kể từ khi có Luật doanh nghiệp ra đời cùng với chính sách khuyến khích phát triển ngành tiểu thủ công nghiệp của tỉnh đã tạo điều kiện cho

nhiều cơ sở sản xuất tư nhân phát triển mạnh. Tính đến hết năm 2013, trên địa bàn của huyện đã có hơn 5000 cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp trong đó có hai doanh nghiệp của Trung ương đóng trên địa bàn: nhà máy đường và công ty khai thác Secpentin. Còn lại, đều là các cơ sở sản xuất ngoài quốc doanh. Các mặt hàng công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp chủ yếu của Nông Cống là: đường, giấy, đá, quặng secpentin, cát xây dựng, hàng mộc dân dụng, đá phụ gia ximăng, vôi, chiếu, phân bón, công cụ cầm tay, cửa sắt… Sự phát triển của công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế của huyện, thu hút nhiều nhân công từ nông nghiệp sang tham gia sản xuất công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp.

b. Đặc điểm xã hội

Nông Cống là một địa danh có truyền thống lịch sử lâu đời, là huyện có nhiều đóng góp công sức viết nên trang sử vẻ vang của dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước. Nơi đây còn giữ lại nhiều di tích lịch sử và di sản văn hoá cổ truyền. Núi Nưa đã từng là nơi Bà Triệu cho luyện tập quân sĩ, làm căn cứ khởi nghĩa. Trong những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Nông Cống đã cống hiến nhiều sức người sức của, đặc biệt là các nhân tài. Là một nơi có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời, Nông Cống còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá cổ truyền, như các lễ hội truyền thống (Lễ hội đền Tam Giang, đền Mưng, Đông cao, Vĩnh Thái)… Nhiều di tích lịch sử văn hoá vật thể cũng còn được gìn giữ và được phong tặng di tích cấp quốc gia như đền thờ Vũ Uy, đền thờ Lê Hiển - Lê Hưu (xã Tân Phúc). Ngoài ra, còn có 18 di tích cấp tỉnh được công nhận như Chùa Vĩnh Thái (Hoàng Giang), thành Nguyễn Chích (Xã Hoàng Sơn), các đền thờ như đền thờ Tú Phương, Ngô Quỳnh, Tú Đa, Xa Lý, Đền Mưng, đền bà Triệu, Đền Đỗ Bí… Cảnh quan môi trường mang đậm sắc thái văn hoá nông thôn Việt Nam là tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và văn hoá. Nông Cống là huyện đông dân cư. Dân số toàn huyện tính đến năm 2012 là 183.074 người, mật độ dân bình quân trên toàn huyện là 657người/ km2. Sự phân bố dân cư tại các vùng trong huyện là không đồng đều. Mật độ dân cao nhất là ở thị trấn Chuối. Đến năm 2012, số người ở độ tuổi lao động của huyện chiếm 64% dân số (117.198 người). Tỷ lệ tăng dân số trong một số năm gần đây đã giảm do việc thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình.

Trong những năm gần đây, điều kiện xã hội của Nông Cống đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là giai đoạn những năm 2000. Mạng lưới giáo dục đã phát triển trên địa bàn huyện với nhiều hình thức đa dạng. Quy mô giáo dục ngày càng mở rộng theo hướng xã hội hoá giáo dục. Đội ngũ giáo viên được tăng cường cả về chất lượng và số lượng. Cơ sở vật chất đã được củng cố và nâng cấp. Năm học 2012-2013, toàn huyện có 75 trường phổ thông, tiểu học và trung học, với 51 trường đạt chuẩn quốc gia; 1 trung tâm giáo dục thường xuyên; một trung tâm dạy nghề. Huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học trên toàn huyện. Tuy nhiên, về cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành cũng còn nhiều khó khăn. Điều kiện y tế trong huyện cũng cải thiện nhiều. Tính đến năm 2013 huyện có 958 cán bộ y tế, trong đó y, bác sỹ là 327 người. Do thực hiện chủ trương tăng bác sỹ cho các tuyến huyện và xã nên tỷ lệ y bác sỹ tăng nhanh trong những năm gần đây. Hiện huyện có một bệnh viện đa khoa, một trung tâm y tế dự phòng, 100% số xã đã có trạm y tế.

Văn hoá thông tin, thể thao cũng có những đóng góp tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Các phương tiện thông tin đại chúng đã có những bước cải tiến đáng kể cả về nội dung, thời luợng và phương thức thể hiện, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền kịp thời mọi chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, thúc đẩy sự nghiệp đổi mới, động viên và cổ vũ các nhân tố tích cực, đấu tranh chống các tệ nạn xã hội. Diện tích phủ sóng phát thanh và truyền hình trung ương và địa phương luôn luôn được mở rộng. Đến nay có 100% số hộ được xem truyền hình. Toàn huyện có 396 làng đạt tiêu chuẩn làng văn hoá. Nông Cống có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua, gồm quốc lộ 45, đường sắt Bắc Nam, 4 tuyến đường tỉnh lộ và nhiều tuyến đường huyện, xã, thôn xóm. Trong những năm gần đây, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện phát triển khá nhanh. Nhiều cây cầu đã được xây mới, hệ thống giao thông nông thôn được quan tâm, nâng cấp, đặc biệt là chủ trương bê tông hoá đường các thôn đã được nhân dân hưởng ướng mạnh mẽ.

Thị trấn Chuối là trung tâm hành chính- chính trị-văn hoá-thương mại của huyện, là đầu mối giao lưu hàng hoá của nhiều điểm dân cư và vùng phụ cận. Tốc độ đô thị hoá của thị trấn này thuộc loại chậm. Tuy diện tích của thị trấn có mở rộng, dân cư tăng nhanh, nhưng kiến trúc đô thị còn chắp vá. Quản lý và quy hoạch chưa được quan tâm đúng mức. Một số thị tứ, trung tâm cụm

xã cũng phát triển theo kiểu đô thị ở một số nơi có đường giao thông thuận tiện. Các khu dân cư nông thôn hình thành từ rất lâu đời tập trung thành các làng, thôn, xóm. Trong khuôn viên mỗi hộ, diện tích nhà ở, sân, giếng nước, chuồng trại còn có vườn cây, ao cá. Diện tích đất cư trú của mỗi hộ là 300- 400m2, thậm chí có hộ có 500-1.000m2. Khu dân cư nông thôn phát triển theo xu hướng mở rộng các làng, xóm cũ, do đó diện tích khu dân cư mở rộng chủ yếu là đất nông nghiệp xung quanh làng.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp quản lý hoạt động dạy học ở các trường Tiểu học huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa (Trang 30 - 35)