Kinh nghiệm phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa cho hộ nông dân ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển kinh tế hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa ở huyện yên sơn, tỉnh tuyên quang (Trang 27 - 34)

cho hộ nông dân ở Việt Nam

Quan điểm chủ trương chính sách của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy sự liên kết giữa các chủ thể trong sản xuất nông nghiệp như: Nghị quyết số 06 - NQ/TW ngày 10/11/1998 của Bộ Chính trị khi ban hành về phát triển kinh tế trang trại đã chỉ rõ: “Nhà nước cần có chính sách khuyến khích phát triển hình thức kinh tế trang trại gia đình cũng như các hình thức kinh tế khác của hộ gia đình. Đặc biệt khuyến khích các hộ nông dân, các trang trại gia đình, hình thành các tổ chức, các hình thức kinh tế hợp tác để mở rộng quy mô sản xuất, thu hút và hỗ trợ các hộ gia đình còn khó khăn.”

Quyết định số 67/QĐ-TTg ban hành ngày 30/03/1999 về “Một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn” cũng góp phần tạo điều kiện cho hộ gia đinh, hộ làm kinh tế hàng hóa, kinh tế trang trại, HTX và doanh nghiệp vay vốn theo quy định để phát triển sản xuất.

Trải qua quá trình tổng kết thực tiễn sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa của các doanh nghiệp và địa phương diễn ra từ nhiều năm, ngày 24/06/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg về chính sách “Khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân.” Theo quyết định này, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa với người sản xuất nhằm gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa để phát triển sản xuất ổn định và bền vững.

Trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011-2020, Đảng ta đã định hướng phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững trên cơ sở “Gắn liền chặt chẽ, hài hòa lợi ích giữa người sản xuất, người chế biến và người tiêu thụ, giữa việc áp dụng kỹ thuật với công nghệ với tổ chức sản xuất, giữa phát triển nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới”. “Phải luôn coi trọng đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn hướng tới xây dựng, phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa lớn, đa dạng, phát triển nhanh và bền vững, có năng suất, chất lượng và hiệu quả cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và tạo điều kiện từng bước hình thành một nền nông nghiệp sạch, phấn đấu giá trị tăng thêm trong nông nghiệp lâm nghiệp thủy sản tăng 3-3.2%/ năm.”

Trên cơ sở đó, mới gân đây nhất, một số văn bản khác hỗ trợ cho mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa và đáp ứng điều kiện gia nhập WTO đã được ban hành như: Quyết định số 315/QĐ-TTg ngày 01/03/2011 về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011- 2013; Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/03/2011 về “Quy định về việc kiểm tra, đánh giá về cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp - nông lâm thủy sản”.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng Đảng và Nhà nước luôn đóng vai

trò định hướng quan trọng cho các chương trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước nói chúng và sự phát triển của nông nghiệp nói riêng. Các chủ trương chính sách của Đảng về vấn đề sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa và sự trợ giúp nông nghiệp phát triển đã được ban hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế khá kịp thời, phù hợp với bối cảnh phát triển của đất nước. Đó chính là một trong những căn cứ để định hướng giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

* Giải pháp phát triển kinh tế hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa ở Việt Nam

Trước năm 1980, sản xuất nông nghiệp nước ta lâm vào tình trạng đình đốn do mô hình hợp tác kiểu cũ và cơ chế kế hoạch hóa tập trung không phù hợp. Vào những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, mức sản xuất lương thực bình quân đầu người liên tục giảm, lượng gạo hàng năm nhập khẩu tăng lên gần 1 triệu tấn, tình trạng khoán chui diễn ra phổ biến. Chỉ thị 100/CT- TW ngày 13/01/1981 của Ban chấp hành TƯ Đảng đã bước đầu giải phóng lao động nông dân, gắn trách nhiệm và lợi ích của họ với sản phẩm cuối cùng trên ruộng khoán, khuyến khích đầu tư thêm lao động, phân bón, vật tư để thu thêm nhiều sản phẩm vượt khoán. Kết quả đem lại 6-7 vụ được mùa liên tiếp, sản lượng lương thực tăng gần 1 triệu tấn/năm.

Bắt đầu từ cuối năm 1983 đến 1984, động lực khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động có dấu hiệu suy giảm, bởi lẽ khoán sản phẩm mới chỉ điều chỉnh cơ chế phân phối và cơ chế quản lý giữa người lao động và hợp tác xã, giữa công nhân lao động và nông trường, chưa thiết lập đầy đủ quyền làm chủ cho các hộ nông dân. Nghị quyết 10-NQ/TW ngày 5/4/1988 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp đã chính thức thừa nhận vai trò của kinh tế hộ và coi kinh tế hộ là đơn vị kinh tế tự chủ trong nông nghiệp. Đồng thời nhiều chính sách khác được thiết lập như xóa bỏ chế độ độc quyền thu mua nông sản, xóa bỏ chế độ 2 giá, thực hiện chính sách khuyến khích nông dân tăng sản lượng để bán ra thị trường, cải cách chế độ thuế và hỗ trợ đối với nông nghiệp, từng bước cải cách pháp lý để hỗ trợ kinh tế thị trường phát triển trong nông nghiệp. Kết quả đến năm 1995 lần đầu tiên hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 1991 - 1995 trong đó có chỉ tiêu nông nghiệp, đều hoàn thành và vượt mức, đưa nước ta thành nước xuất khẩu trên dưới 3 triệu tấn gạo/ năm.

Từ năm 1995 đến nay, đổi mới trong nông nghiệp tiếp tục được thực hiện để tăng trưởng và hội nhập. Ngày 10/11/1998, Ban bí thư ban hành Nghị

quyết số 06-NQ/TW về một số vấn đề phát triển nông nghiệp và nông thôn, trong đó khẳng định vấn đề trọng yếu là kinh tế trang trại. Ngày 2/2/2000 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03/NQ-CP về kinh tế trang trại... Những văn bản chính sách về khuyến khích phát triển nông nghiệp tiếp tục được hoàn thiện tạo động lực cho nông nghiệp nước ta phát triển và đã đạt được những thành tựu quan trọng:

+ Sản xuất lương thực tiếp tục tăng cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường. Đến năm 2009, sản lượng lương thực có hạt cả nước đạt 44,32 triệu tấn (trong đó lúa là 38,89 triệu tấn) nâng mức lương thực có hạt bình quân đầu người từ 444,9kg năm 2000 lên 503,7kg năm 2009. Đây là một chỉ tiêu rất quan trọng để một nước đang phát triển có thể thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa thực sự. Trong vòng 10 năm, sản xuất lương thực tăng hơn 10,2 triệu tấn, mỗi năm tăng hơn 1 triệu tấn. Giai đoạn 2000-2009 các sản phẩm trồng trọt khác đều tăng với tốc độ khá.

Sản lượng các loại cây trồng đều tăng nhanh, trong khi đó diện tích gieo trồng các loại cây lương thực tăng từ 8,39 triệu ha năm 2000 lên 8.53 triệu ha năm 2009, riêng diện tích trồng lúa giảm mạnh từ 7,66 triệu ha xuống 7,44 triệu ha. Về cơ bản đã khắc phục được tình trạng độc canh cây lúa trên phần lớn diện tích, làm giá trị sản xuất trên 1 ha đất canh tác tăng từ 17 triệu đồng năm 2000 lên trên 34 triệu đống năm 2009; riêng ở đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long đạt trên 40 triệu đồng/ ha.

Chăn nuôi phát triển toàn diện theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ năm 2000 đến 2009 ngành chăn nuôi đạt tốc độ tăng trưởng khá, tăng cao nhất năm 2005 đạt 11,4%, năm 2009 tăng 7,1%. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng năm 2009 đạt 2,83 triệu tấn, tăng 86,1% so với năm 2000. Chăn nuôi trâu bò tương đối ổn định qua các năm, tính bình quân giai đoạn 2000-2009 sản lượng thịt trâu bò tăng bình quân 10,8%/ năm. Chăn nuôi gia cầm tăng trưởng bình quân 7,2%/ năm giai đoạn 2000-2004. Đến năm 2009, tổng đàn

gia cầm cả nước đạt 280,1 triệu con với 518,3 ngàn tấn thịt hơi. Về cơ bản, ngành chăn nuôi nước ta đã đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và một phần xuất khẩu.

Ngành thủy sản đang vươn lên thành ngành mũi nhọn trong nông lâm thủy sản. Đến năm 2009, sản lượng thủy sản cả nước đạt hơn 4,84 triệu tấn, tăng gấp 2,15 lần so với năm 2000. Thành tựu đáng chú ý nhất là diện tích và sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng trưởng ở mức cao. So với năm 2000, năm 2009 diện tích nuôi tăng gấp 1,62 lần và sản lượng tăng gấp 4,3 lần, đạt 2.569,9 ngàn tấn. Trong quá trình phát triển, các hoạt động khai thác nuôi trồng và chế biển thủy sản đã gắn kết chặt chẽ. Các khâu trọng yếu về hạ tầng kỹ thuật phục vụ nuôi trồng, khai thác, hậu cần nghề cá, chế biến đã được đầu tư, từng bước hiện đại hóa.

Sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản đã phát triển sau đổi mới đã làm cho kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản tăng nhanh chóng, năm 2009 đạt trên 12,16 tỷ USD với 1.183,5 ngàn tấn cafe; 177,2 ngàn tấn hạt điều; 134,3 ngàn tấn hạt tiêu; 143,1 ngàn tấn chè, cao su thiên nhiên đạt 731,4 ngàn tấn, thủy sản đạt 4,25 tỷ USD, tăng gấp 2,89 lần so với năm 2000. Thị trường xuất khẩu được đa dạng hơn, có nhiều thị trường mới cho hàng nông, lâm, thủy sản VN.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp nông thôn nước ta còn gặp một số khó khăn, thách thức đó là:

Cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển dịch chậm so với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tốc dộ giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp thủy sản trong GDP cả nước đã chậm lại, năm 1990 tỷ trọng này là 38,74%, năm 2000 còn 24,53%, bình quân mỗi năm giảm 1,4%, nhưng giai đoạn 2001-2009 chỉ giảm dưới 0,78%/ năm, còn 20,3% năm 2009.

Cơ cấu sản xuất nông nghiệp vẫn thể hiện được tính độc canh, tự túc, phân tán và quy mô nhỏ. Chăn nuôi chiếm tỷ trọng 20,7% giá trị ngành nông nghiệp và phát triển không vững chắc.

Phương thức chăn nuôi phân tán dưới hình thức hộ gia đình với kỹ thuật thủ công và chăn nuôi tận dụng vẫn là phổ biến. Số trang trại chăn nuôi tuy có tăng lên nhưng mới chỉ chiếm khoảng 15,3% số trang trại cả nước và sản phẩm chăn nuôi của trang trại cũng chỉ chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm chăn nuôi. Các sản phẩm trồng trọt xuất khẩu ngoài gạo, cao su, cafe chỉ đạt mấy chục ngàn tấn/năm. Nhiều loại sản phẩm xuất khẩu chủ yếu dưới hình thức tiểu ngạch sang TQ như rau, quả, chè...

Dân số và lực lượng lao động còn lưu lại trong nông nghiệp nông thôn khá cao. Năm 2009 trong số 30 triệu lao động nông thôn, lao động sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản chiếm tới 24,7 triệu người và chưa có dấu hiệu thuyên giảm do tình trạng thất nghiệp và tốc độ chuyển dịch cơ cấu chậm.

Năng lực cạnh tranh của hàng nông sản VN còn hạn chế. Chất lượng nông sản thấp, nguyên nhân chính là do chúng ta chưa có đủ bộ giống cây trồng và vật nuôi cho sản phẩm chất lượng cao. Công nghệ bảo quản, chế biến nông sản chậm được đổi mới và chưa đồng bộ là nguyên nhân cố hữu nhất, tồn tại lâu nhất làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Giá thành nông sản cao còn do nhiều nguyên nhân như giống kém, trình độ thâm canh còn hạn chế, tỷ lệ hao hụt trong các khâu thu hoạch, vận chuyển, bảo quản, chế biến khá cao; cơ sở hạ tầng dịch vụ thương mại hàng nông sản còn hạn chê, chi phí cao.

Trong những năm tới, để phát triển nền nông nghiệp nước ta theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững cần phải xây dựng được một chiến lược phát triển nông nghiệp đúng đắn dựa trên các căn cứ khoa học sau:

- Thứ nhất, phải đánh giá một cách khách quan và sâu sắc chiến lược phát triển nông nghiệp trong giai đoạn trước, chỉ ra những thành tựu đạt được cũng như các hạn chế còn tồn tại.

- Thứ hai, phải căn cứ vào nguồn tài nguyên của đất nước, bao gồm tài nguyên về đất đai, thời tiết, khí hậu. Đất nước ta với nguồn tài nguyên phục vụ cho nông nghiệp có nhiều lợi thế, song cũng có những khó khăn lớn. Cần

đánh giá đúng các lợi thế và những khó khăn trong quá trình xây dựng và thực hiện chiến lược phát triền nông nghiệp.

- Thứ ba, căn cứ vào cơ sở vật chất- kỹ thuật nông nghiệp bao gồm hệ thống công cụ máy móc, hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Với hệ thống đạt ở mức nào, cần thiết phải điều chỉnh bổ sung và nâng cấp xây dựng nhằm hướng vào phục vụ chiến lược phát triển nông nghiệp trong giai đoạn hiện tại và tương lai.

- Thứ tư, căn cứ vào nguồn lao động và trình độ của người lao động: Số lượng và chất lượng của nguồn lao động. Ở nước ta nguồn lao động nông nghiệp dồi dào, song chất lượng còn thấp, ít được đào tạo kỹ thuật và quản lý, trình độ dân chí chưa cao.

- Thứ năm, căn cứ vào nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế về sản phẩm nông nghiệp. Ở từng giai đoạn yêu cầu về số lượng, chất lượng và chủng loại các nông sản rất khác nhau ở trong nước cũng như trên quốc tế. Cần phân tích, đánh giá và dự báo về nhu cầu của thị trường một cách có căn cứ khoa học.

- Thứ sáu, căn cứ vào trình độ khoa học và công nghệ của thế giới, của nước ta và khả năng ứng dụng những thành tựu tiến bộ khoa học và công nghệ của thế giới vào điều kiện Việt Nam hiện nay và sắp tới.

Từ chiến lược tổng quát trên có thể xác định những nội dung chủ yếu sau:

+ Phát triển một nền nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa hiện đại hóa có cơ cấu sản xuất ngày càng hợp lý.

+ Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, đa dạng có cơ cấu sản phẩm hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và hướng mạnh vào xuất khẩu, đồng thời đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh trên thị trường.

+ Xây dựng và phát triển nền nông nghiệp sinh thái bền vững, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và tạo điều kiện từng bước hình thành một nền nông nghiệp sạch.

Mục tiêu phát triển: Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia về lâu dài. Tăng nhanh sản xuất nông sản hàng hóa và hàng hóa xuất khẩu. Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho dân cư nông nghiệp và nông thôn. Bảo vệ môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

Một phần của tài liệu Giải pháp phát triển kinh tế hộ nông dân theo hướng sản xuất hàng hóa ở huyện yên sơn, tỉnh tuyên quang (Trang 27 - 34)