Xây dựng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên của TTHTCĐ

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng quận 1 thành phố hồ chí minh (Trang 78 - 83)

3.2.3.1. Mục tiêu của giải pháp

Xây dựng một đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên ổn định, đủ về cơ cấu, mạnh về chất lượng, có phẩm chất và năng lực chuyên môn đáp ứng với yêu cầu đòi hỏi của trung tâm.

Giúp cho việc hình thành ở trung tâm HTCĐ một số lượng giáo viên nhất định để thực hiện các nội dung, chương trình học tập của người dân, đồng thời xây dựng cơ chế, chỉ ra trách nhiệm cho các bên có liên quan nhằm thống nhất mục tiêu, chương trình, nội dung học tập của trung tâm HTCĐ.

Bồi dưỡng đội ngũ giáo viên có chất lượng có kiến thức sâu rộng, am hiểu thực tế, có phương pháp làm việc với cộng đồng và có hiệu quả cao hơn trong công việc, đáp ứng đòi hỏi của CNH, HĐH đất nước.

3.2.3.2. Nội dung của giải pháp

Giáo viên, hướng dẫn viên của các TTHTCĐ gồm:

- Giáo viên được phòng Giáo dục biệt phái để dạy chương trình XMC và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ và củng cố chất lượng giáo dục phổ cập, thực tế hiện nay các TTHTCĐ thường có 01 -2 giáo viên được cử biệt phái để phụ trách và trực tiếp lên lớp về các chuyên đề này.

- Báo cáo viên dạy các lớp chuyên đề, cộng tác viên, hướng dẫn viên là những người tình nguyện tham gia hướng dẫn tại TTHTCĐ theo hợp đồng thoả thuận với Giám đốc trung tâm. Thực tế thường phân công các công chức được giao phụ trách địa chính, tư pháp, văn hóa,... và người đứng đầu của các tổ chức, đoàn thể như: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội khuyến học, giáo viên các nhà trường, cán bộ kỷ thuật các doanh nghiệp… căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác, nhu cầu học tập của nhân dân để đăng ký các chuyên đề cần phổ biến, chuyển giao kỹ thuật, tập huấn trong năm.

Để xây dựng được đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên đa dạng, có năng lực và phẩm chất tốt để phục vụ giảng dạy tại các TTHTCĐ, nội dung của giải pháp này tập trung vào các nội dung sau:

- Xác định nhu cầu học tập của cộng đồng để tuyển chọn giáo viên, hướng dẫn viên phù hợp với yêu cấu và tính chất công việc.

- Bố trí sử dụng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên theo nguyên tắc liên kết, phối hợp, nhằm thống nhất mục tiêu, chương trình, nội dung học tập của TTHTCĐ

- Bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên có kiến thức sâu, am hiểu thực tế, có phương pháp làm việc với cộng đồng, có năng lực thực hiện liên kết phối hợp, hợp tác trong giảng dạy và hướng dẫn thực hành thực tế.

3.2.3.3. Cách thức thực hiện giải pháp

a. Xác định nhu cầu học tập của cộng đồng để tuyển chọn giáo viên, hướng dẫn viên phù hợp với yêu cầu và tính chất công việc.

Tổ chức tìm hiểu nhu cầu học tập của cộng đồng, từ đó xây dựng nội dung và hình thức học tập phù hợp cho từng loại đối tượng.

Xây dựng các chương trình như: Chương trình về kinh tế (chuyển giao công nghệ, tạo thu nhập cải thiệt đời sống gia đình, tiêu thụ sản phẩm sau khi sản xuất…); chương trình về văn hoá (xây dựng khu dân cư văn hoá, xây dựng các câu lạc bộ văn hoá,…); chương trình giáo dục (bổ túc tiểu học, XMC, bổ túc THCS, THPT,...); chương trình sức khoẻ, y tế (dân số-kế hoạch hoá gia đình, tiêm chủng mở rộng, vệ sinh an toàn thực phẩm,...); chương trình an ninh quốc phòng (phổ biến pháp luật, an toàn giao thông,báo cáo tình hình an ninh trật tự và các biện pháp phòng chống trộm cắp…).

Để tìm hiểu nhu cầu học tập của người dân có thể dùng các hình thức như: Nghiên cứu tài liệu, hồ sơ lưu trữ của địa phương, báo cáo về các hoạt động của các tổ chức chính quyền và đoàn thể ở địa phương; Xây dựng bảng hỏi gửi đến từng gia đình trong cộng đồng nhằm thu thập những thông tin cơ

bản, phỏng vấn trao đổi trực tiếp với một số người dân để tìm hiểu những vấn đề mới, những thuận lợi, khó khăn của địa phương.

Trên nhu cầu học tập của nhân dân, lựa chọn đội ngũ giáo viên đa dạng, linh hoạt để đáp ứng đòi hỏi của các chương trình đã đặt ra và phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Yêu cầu về số lượng: Mỗi trung tâm cần thường xuyên có ít nhất từ 15-20 người chia thành các tiểu ban. Tiểu ban hướng dẫn về khoa học-kỹ thuật, sản xuất và đời sống; tiểu ban hướng dẫn về văn hoá, văn nghệ; tiểu ban giáo dục; tiểu ban sức khoẻ y tế cộng đồng; tiểu ban chính trị pháp luật,…

+ Về chất lượng: Đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên TTHTCĐ phải là những người có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức lối sống; có trình độ chuyên môn vững vàng, có năng lực sư phạm.

+ Đối tượng tuyển chọn: Là cán bộ công chức địa phương, giáo viên các trường học, cán bộ giáo viên đã nghỉ hưu, những người giỏi về nghề nghiệp, nông dân sản xuất giỏi, cán bộ đang công tác tại cơ quan ban, ngành đoàn thể của Quận, Thành phố.

b. Bố trí sử dụng đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên theo nguyên tắc liên kết, phối hợp

Quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các ngành, các cấp đối với hoạt động và quản lý TTHTCĐ. Xác định cơ chế phối hợp giữa các bộ phận để các đơn vị cùng có trách nhiệm bố trí đội ngũ giáo viên cho TTHTCĐ. Xác định các bộ phận quản lý, chỉ đạo các hoạt động của TTHTCĐ theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Bộ GD&ĐT.

+ Cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương: có trách nhiệm đối với việc thành lập, duy trì, phát triển TTHTCĐ. Hàng tháng có trách nhiệm xem xét đánh giá đồng thời uốn nắn những sai sót, lệch lạc; giải quyết những vấn đề vướng mắc cụ thể của trung tâm. Tạo điều kiện về kinh phí để hỗ trợ giáo viên, hướng dẫn viên và kinh phí để trung tâm hoạt động.

+ Phòng GD&ĐT: Chủ trì xây dựng kế hoạch phối hợp với hội khuyến học, trung tâm GDTX và các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội, các đơn vị giáo dục đóng trên địa bàn Quận để thống nhất việc sắp xếp bố trí giáo viên thực hiện các hoạt động của TTHTCĐ, trực tiếp chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ của các TTHTCĐ.

+ Hội khuyến học Quận: Chủ trì phối hợp với phòng GD&ĐT xây dựng kế hoạch hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các TTHTCĐ. Phối hợp với các hội khuyến học xã, chi hội khuyến học Phường và các ban, ngành, đoàn thể, các trường học khảo sát thăm dò nhu cầu học tập của người dân.

+ Trung tâm GDTX quận: Chủ trì phối hợp với phòng GD&ĐT tư vấn cho các BGĐ TTHTCĐ liên kết với các ban, ngành đoàn thể thực hiện nội dung chương trình, các hoạt động của TTHTCĐ theo kế hoạch.

+ Các ban, ngành đoàn thể: Tuỳ theo chức năng nhiệm vụ phối hợp với TTHTCĐ xây dựng kế hoạch và tổ chức học tập. Dựa trên nguồn kinh phí hội nghị, tập huấn và của các chương trình dự án (nếu có) để hỗ trợ TTHTCĐ.

+ Đối với TTHTCĐ: Tổ chức tìm hiểu nhu cầu học tập của nhân dân, xây dựng kế hoạch, xây dựng nội dung, chương trình học tập, đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên; tìm nguồn kinh phí hỗ trợ giảng viên, học viên, mua sắm cơ sở vật chất thiết bị, tổ chức các hoạt động của TTHTCĐ.

c. Bồi dưỡng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên

* Nội dung bồi dưỡng:

Bồi dưỡng về kiến thức: Các kiến thức về đánh giá nhu cầu học tập, kiến thức về thiết kế chương trình giảng dạy, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, sử dụng thiết bị dạy học, vận động quần chúng, giao tiếp và trình bày trước công chúng.

Bồi dưỡng về phương pháp: Bồi dưỡng các phương pháp dạy học cho người lớn, để phát huy tối đa những kinh nghiệm của học viên, tính tự giác

của người học. Hướng dẫn của giảng viên cần có sự tương tác tích cực giữa người dạy và người học trong một môi trường học tập năng động.

Một số phương pháp giảng dạy cho cộng đồng:

Phương pháp thảo luận nhóm: Phương pháp này làm cho người học hiểu biết nhanh, được chia sẻ ý kiến với nhau nhiều hơn. Khi tham gia thảo luận, học viên có cơ hội được nghe ý kiến người khác cũng như thể hiện quan điểm hiểu biết của mình, từ đó dẫn đến những hành động cụ thể tốt hơn.

Phương pháp“Động não”: Động não là cách để khuyến khích học viên suy nghĩ, đóng góp ý kiến, cùng nhau làm việc để xây dựng hệ thống ý kiến rồi có thể sử dụng để giải quyết vấn đề. Phương pháp này rất bổ ích khi cần có những ý kiến mới sáng tạo.

Phương pháp đóng vai: Đó là việc mô tả lại các hành động để học viên trực tiếp thấy rõ và ý nghĩa hơn. Phương pháp này giúp học viên học tập đỡ căng thẳng hơn, thoái mái hơn.

Phương pháp thuyết trình có minh hoạ: Đây là phương pháp được dùng thường xuyên vì nó tiết kiệm thời gian, nó cũng đòi hỏi công tác chuẩn bị phải chu đáo, hình ảnh minh hoạ phải trực quan, dễ hiểu.

Phương pháp hội nghị: Đây là phương pháp tốt nhất cho học tập cộng đồng khi cần phải quyết định một số vấn đề của cộng đồng. Khi tổ chức hội nghị, học viên có thể chuẩn bị bài thảo luận trước, nội dung thảo luận được tất cả mọi người cùng tham gia, kết thúc bằng sự nhất trí và lập kế hoạch hành động. Phương pháp này phát huy được trí tuệ tập thể trong việc giải quyết vấn đề và lập kế hoạch.

Phương pháp thực hành: Học viên được tham gia vào các hoạt động thực tế trong những tình huống tại lớp học, tại hiện trường.

* Bồi dưỡng kỹ năng sư phạm:

Bồi dưỡng các kỹ năng lập kế hoạch dạy học, kỹ năng đặt câu hỏi, kỹ năng đặt vấn đề và giải quyết vấn đề, kỹ năng đánh giá, kỹ năng sử dụng các phương tiện dạy học (như máy chiếu qua đầu, máy chiếu đa năng, video,...).

* Cách thực hiện:

Thông qua các buổi hội thảo, hội nghị tập huấn do các cơ sở đào tạo tổ chức theo các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đã được biên soạn; các lớp bồi dưỡng ngắn hạn, tập trung do các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học tổ chức, hoặc liên kết với các trung tâm GDTX mở tại địa phương.

Tự bồi dưỡng thông qua các hình thức tự học. d. Điều kiện đảm bảo cho thực hiện giải pháp

- Hàng năm Sở GD&ĐT nói chung, phòng GD&ĐT quận nói riêng cần có kế hoạch, chương trình, nội dung bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thiết thực, hiệu quả cho đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên, cộng tác viên và cán bộ quản lý của các TTHTCĐ.

- Phòng GD&ĐT, các trường THCS, TH trên địa bàn khi cử giáo viên phụ trách các TTHTCĐ cần lựa chọn những người có năng lực chuyên môn phù hợp với nội dung các chuyên đề, có tinh thần trách nhiệm cao, có khả năng vận động, tập hợp quần chúng và am hiểu tình hình thực tế ở địa phương - Bản thân mỗi giáo viên, hướng dẫn viên phải ý thức được sự cần thiết phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển TTHTCĐ trong giai đoạn hiện nay.

3.2.4. Tăng cường công tác lãnh đạo của phường, chỉ đạo chuyên môn của phòng GD&ĐT, sự phối hợp của các ban, ngành ở địa phương

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng quận 1 thành phố hồ chí minh (Trang 78 - 83)