3.2.2.1. Mục tiêu của giải pháp
Ban Giám đốc TTHTCĐ là nhân tố quyết định sự thành công của các hoạt động TTHTCĐ. Vì vậy, nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho đội
ngũ CBQL các trung tâm là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ.
3.2.2.2. Nội dung của giải pháp
Trước hết phải chú trọng công tác tổ chức của Ban giám đốc các TTHTCĐ: Phòng GD&ĐT cần tham mưu cho UBND quận để chỉ đạo các Phường rà soát lại thành phần đội ngũ CBQL TTHTCĐ của địa phương, nếu chưa phù hợp thì làm tờ trình đề nghị UBND quận ra quyết định bổ nhiệm lại. Thành phần Ban Giám đốc TTHTCĐ thích hợp nhất trong giai đoạn hiện nay với thành phần, cơ cấu gồm: 1 giám đốc, 2 phó giám đốc.
Giám đốc: Hiện nay ở Quận 1 đang bố trí Phó Chủ tịch UBND Phường có phẩm chất năng lực, nhiệt tình, có uy tín, có khả năng tập hợp quần chúng và có điều kiện để làm Giám đốc trung tâm
Phó Giám đốc: 01 là Chủ tịch của Hội Khuyến học và 01 là cán bộ chuyên trách giáo dục trên địa bàn kiêm Phó Giám đốc
Năng lực quản lý, điều hành TTHTCĐ của Ban giám đốc gồm: Năng lực xây dựng kế hoạch hoạt động của TTHTCĐ; năng lực xây dựng nội dung, hình thức học tập cộng đồng; năng lực tuyên truyền vận động mọi thành viên trong cộng đồng tham gia các hoạt động của TTHTCĐ; năng lực xây dựng mạng lưới liên kết; năng lực quản lý tài chính của TTHTCĐ ; năng lực phát triển, thu hút, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, báo cáo viên và cộng tác viên.
3.2.2.3. Cách thức thực hiện giải pháp
Chính là việc tổ chức thực hiện để nâng cao các năng lực quản lý, điều hành TTHTCĐ bao gồm :
* Năng lực xây dựng kế hoạch hoạt động của TTHTCĐ:
Lập kế hoạch là chức năng khởi đầu, trọng yếu, là thành tố không thể thiếu được của quản lý. Một trong những tồn tại của các nhà quản lý là thường làm việc theo thói quen và chỉ tập trung thực hiện chức năng quản lý hằng ngày, mỗi khi có vấn đề gì xuất hiện thì các nhà quản lý mới tập trung
sức lực để giải quyết mà không dành thời gian lập kế hoạch để làm cho mọi việc hoặc ít nhất là nhiều việc xảy ra theo ý muốn của mình.
Công tác kế hoạch hóa của TTHTCĐ cần dựa trên nhu cầu, điều kiện, khả năng học tập của người dân trong cộng đồng. Người dân có những nhu cầu học tập rất khác nhau nhưng thường tập trung vào một số nhóm nhu cầu sau đây: Học kiến thức liên quan đến sản xuất, chuyển giao KH- KT và học hỏi cách thức làm ăn để tăng thu nhập; học kiến thức về đời sống gia đình và xã hội, kiến thức chăm sóc sức khỏe; tìm hiểu chính sách, pháp luật; học nghề…
Để xây dựng kế hoạch hoạt động của TTHTCĐ có hiệu quả, cán bộ quản lý TTHTCĐ cần phải tiến hành các bước sau:
Bước 1: Thu thập các thông tin cơ bản về cộng đồng, bao gồm:
Vị trí, diện tích, dân số và lịch sử của cộng đồng; Tình hình kinh tế và đời sống của nhân dân; trình độ văn hóa và tình hình giáo dục; Các vấn đề về sức khỏe, vệ sinh, môi trường và các dịch vụ phục vụ đời sống dân sinh; phong tục tập quán ; các nguồn lực; tiềm năng…
Các thông tin trên được thu thập, khai thác qua hệ thống câu hỏi, phỏng vấn, trao đổi theo nhóm; thảo luận hoặc qua nghiên cứu các báo cáo, biên bản hoạt động, tài liệu, hồ sơ lưu trữ tại các cơ quan liên quan... Những người tham gia vào việc khai thác, thu thập thông tin có thể là các thành viên trong ban giám đốc; giáo viên, hướng dẫn viên và học viên, cán bộ ban, ngành, đoàn thể, cán bộ hưu trí,…
Bước 2: Phân tích nhu cầu của cộng đồng theo cách thức sau:
Họp những người đã tham gia khai thác, thu thập thông tin cơ bản nêu trên để thảo luận tự do về các vấn đề và nhu cầu của cộng đồng; Mỗi người viết một số vấn đề nổi cộm nhất của cộng đồng; trình bày thông tin theo thu thập của mình cho mọi người cùng nghe; phân loại vấn đề, sắp xếp các vấn đề vào từng lĩnh vực; phân tích các vấn đề và nhu cầu để tìm hiểu: thực chất, nguyên nhân tồn tại, tác động đến những ai, cách giải quyết, phân loại ra các
vấn đề tự cộng đồng có thể giải quyết; vấn đề nào cần sự hợp tác với các bộ phận khác để giải quyết, vấn đề nào cần sự hỗ trợ về nguồn lực từ bên ngoài cộng đồng…
Bước 3: Sắp xếp ưu tiên các vấn đề và nhu cầu.
Để thực hiện bước này, BGĐ cần căn cứ vào chuẩn để xếp ưu tiên: Vấn đề (nhu cầu) có tác động to lớn và sâu rộng nhất; có số người bị tác động lớn nhất; sau khi vấn đề (nhu cầu) được giải quyết, lợi ích đem lại lớn nhất. Từ đó ta xếp theo thứ tự ưu tiên 1, ưu tiên 2, ưu tiên 3,…Các vấn đề nhu cầu nêu trên sẽ trở thành các hoạt động của kế hoạch.
Bước 4: Lên kế hoạch.
Muốn thực hiện có hiệu quả bước này, Ban giám đốc cần xác định: Mục tiêu tổng quát của kế hoạch cần phải đủ rộng để định hướng cho các hoạt động của TTHTCĐ; các công việc là các vấn đề (nhu cầu) đã sắp xếp trong bảng ưu tiên nêu ở trên; kết quả mong muốn phải cụ thể, thiết thực, đo lường được và có thể thực hiện được; nguồn lực gồm nhân lực, vật lực, tài lực phải bảo đảm.
Bước 5: Tổ chức thực hiện kế hoạch.
Khi đã có kế hoạch thì CBQL TTHTCĐ cần phải thường xuyên tổ chức, đôn đốc mọi người và bản thân mình thực hiện kế hoạch đã lập ra, đảm bảo các hoạt động được hoàn thành theo đúng lịch trình trong kế hoạch. Các kế hoạch cần được thông báo tại TTHTCĐ để mọi người biết và thực hiện.
Bước 6: Kiểm tra và đánh giá việc thực hiện kế hoạch.
Kế hoạch cần được kiểm tra và đánh giá việc thực hiện của Ban giám đốc, của các thành viên, các học viên THTCĐ, thông qua việc giao ban hàng tuần, hàng tháng của Ban giám đốc; thông qua việc kiểm tra hàng ngày, hàng tuần, các hoạt động của trung tâm, của CBQL TTHTCĐ. Việc kiểm tra, đánh giá phải dựa vào các tiêu chí đã đề ra trên cơ sở mục tiêu, biện pháp và kết quả đạt được của các hoạt động TTHTCĐ; kiểm tra đánh giá phải khoa học và khách quan theo các tiêu chí quy định.
* Năng lực xây dựng nội dung và hình thức học tập cộng đồng.
Căn cứ nhiệm vụ chính trị của địa phương và nhu cầu học của nhân dân trên địa bàn, CBQLTTHTCĐ xây dựng nội dung chương trình học tập phù hợp và thiết thực, nên theo định hướng gồm 5 nhóm chuyên đề: Học văn hóa (BTVH, XMC, phổ cập); chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật; cung cấp thông tin thời sự, chính sách, pháp luật kịp thời nâng cao chất lượng cuộc sống; học nghề.
*Năng lực giao tiếp, tuyên truyền vận động mọi thành viên trong cộng đồng tham gia các hoạt động của TTHTCĐ.
Tuyên truyền vận động để mọi thành viên trong cộng đồng hiểu rõ về TTHTCĐ là một giải pháp hết sức cần thiết để nâng cao hiệu quả hoạt động của trung tâm. Do đó, năng lực giao tiếp, tuyên truyền là phẩm chất rất cần thiết của người CBQL các TTHTCĐ.
* Năng lực quản lý thiết lập mạng lưới liên kết và xây dựng mối quan hệ phối hợp đảm bảo sự phát triển bền vững của TTHTCĐ.
Cơ chế hoạt động của TTHTCĐ chính là cơ chế phối, kết hợp. Do đó, việc nâng cao năng lực của cán bộ quản lý TTHTCĐ về thiết lập mạng lưới liên kết và xây dựng mối quan hệ phối hợp đảm bảo sự phát triển bền vững của TTHTCĐ là rất cần thiết, nó mang tính chất thường xuyên trong suốt quá trình quản lý, điều hành hoạt động của TTHTCĐ.
* Năng lực quản lý tài chính của cán bộ quản lý TTHTCĐ.
Nguồn tài chính của TTHTCĐ chủ yếu phụ thuộc vào khả năng huy động của từng trung tâm. Vì vậy, để có được nguồn ngân sách nhất định đảm bảo cho các hoạt động chuyên môn và mua sắm trang thiết bị, phương tiện dạy học, làm việc của trung tâm thì đòi hỏi người CBQL trung tâm phải có năng lực tìm kiếm đối tác, tranh thủ sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức, cá nhân, các chương trình, dự án,... bổ sung vào ngân sách của đơn vị. Đồng thời phải biết sử dụng, quản lý nguồn ngân sách theo đúng quy định của Nhà nước và
đạt hiệu quả cao nhất. Do đó, việc bồi dưỡng cho CBQL về năng lực huy động, sử dụng và quản lý tài chính của TTHTCĐ là rất cần thiết.
Việc quản lý thu, chi từ các nguồn tài chính của TTHTCĐ phải tuân thủ theo các qui định của Nhà nước; chấp hành đầy đủ các chế độ kế toán, thống kê và báo cáo định kỳ theo qui định.
Để quản lý tốt tài chính của TTHTCĐ, Ban giám đốc cần phải thực hiện nguyên tắc: Mọi khoản thu, chi của trung tâm cần được ghi chép và lưu giữ đầy đủ để đảm bảo tính minh bạch trong chi tiêu tài chính, tránh những nghi ngờ, thắc mắc của nhân dân địa phương. Ngoài việc chấp hành chế độ quyết toán với Nhà nước, hàng quý TTHTCĐ nên có một bản báo cáo tài chính ngắn gọn, niêm yết công khai tại trung tâm để mọi người đều biết.
3.2.2.4.Điều kiện đảm bảo cho thực hiện giải pháp
- Sở GD&ĐT tham mưu cho UBND thành phố có văn bản yêu cầu các UBND quận thực hiện nghiêm túc về tiêu chuẩn của giám đốc TTHTCĐ; việc bố trí 01 giáo viên có đạo đức tốt, có năng lực chuyên môn về làm nhiệm vụ Phó giám đốc tại các TTHTCĐ theo tinh thần chỉ đạo của Thông tư 40/TT- BGDĐT
- UBND phường khi đề xuất cán bộ quản lý TTHTCĐ phải chú ý đến các tiêu chuẩn đã nêu và UBND quận khi ra quyết định bổ nhiệm cũng cần phải rà soát, xem xét lại năng lực của từng cán bộ quản lý.
- Bản thân mỗi cán bộ quản lý phải ý thức được sự cần thiết phải nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đáp ứng được yêu cầu xây dựng và phát triển TTHTCĐ trong giai đoạn hiện nay.
+ Ngành giáo dục cần tổ chức các lớp tập huấn về công tác quản lý TTHTCĐ, cụ thể như: phương pháp điều tra nhu cầu học tập; các bước lập kế hoạch hoạt động; cách thức triển khai nội dung Thông tư 26/TT-BGDĐT về ban hành chương trình giáo dục thường xuyên đáp ứng yêu cầu của người học, cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ;