Quận 1 là một quận trung tâm của thành phố Hồ Chí Minh nằm giữa sáu quận nội thành: phía Bắc tiếp giáp với quận Bình Thạnh- quận Phú Nhuận có ranh giới tự nhiên là rạch Thị Nghè và quận 3, lấy đường Hai Bà Trưng và đường Nguyễn Thị Minh Khai làm ranh giới. Phía Đông giáp quận 2 có ranh giới tự nhiên là sông Sài Gòn. Phía Tây giáp quận 5, lấy đường Nguyễn Văn Cừ làm ranh giới. Phía Nam giáp quận 4 có ranh giới tự nhiên là rạch Bến Nghé.
Quận 1 có diện tích 7,71km2, bằng 0,35% diện tích thành phố, trong đó diện tích sông rạch chiếm 8,1% và diện tích xây dựng hơn 20%.
Về địa lý hành chánh, trước năm 1976 trên địa bàn quận 1 ngày nay là quận Nhất và quận Nhì có diện tích 7,71km2, Dân số Quận 1: 198.815 người số liệu năm 2014. Trong đó Nữ: 107.775 người
Mật độ dân số: 25.654 người /km2
Quận 1 được tổ chức thành 10 phường, 57 khóm. Trong đó, quận Nhất có 3 phường (Trần Quang Khải, Tự Đức, Bến Nghé) và 23 khóm với dân số là 88.082 người. Quận Nhì có 7 phường (Cầu Kho, Cầu Ông Lãnh, HuyệnSĩ, Nguyễn Cư Trinh, Nguyễn Cảnh Chân, Bùi Viện, Bến Thành) và 34 khóm với dân số là 164.270 người. Vào cuối năm 1975, quận Nhất và quận Nhì đã tiến hành nhập khóm, chia phường theo tinh thần Chỉ thị 24 của Ủy ban nhân dân thành phố về chuyển cơ chế hành chánh từ 4 cấp còn 3 cấp, giải thể cấp khóm. Theo đó, quận Nhất từ 3 phường được chia thành 10 phường (từ 1 đến 10): phường Trần Quang Khải chia thành 4 phường (từ 1 đến 4), phường Tự Đức chia thành 3 phường (5, 6, 7), phường Bến Nghé chia thành 3 phường (8,
9, 10). Quận Nhì từ 7 phường được chia thành 15 phường (từ 11 đến 25): phường Bến Thành chia thành 2 phường (11, 12), phường Huyện Sĩ là phường 13, phường Nguyễn Cư Trinh chia thành 2 phường (14, 15), phường Bùi Viện chia thành 2 phường (16, 17), phường Cầu Ông Lãnh chia thành 4 phường (18, 19, 20, 21), phường Cầu Kho chia thành 2 phường (22, 23) và phường Nguyễn Cảnh Chân chia thành 2 phường (24, 25).
Tháng 5-1976, quận Nhất và quận Nhì được sáp nhập thành quận 1, phân giới hành chánh 10 phường được chia lại thành 25 phường với 884 tổ dân phố. Từ đó đến nay, địa giới hành chánh và tên gọi của quận 1 không thay đổi nhưng ở cấp phường có hai lần thay đổi:
Tháng 8 năm 1982, quận 1 thực hiện phương án quy hoạch lại địa giới hành chánh cấp phường lần thứ nhất, từ 25 phường sắp xếp lại thành 20 phường (giải thể 5 phường: 2, 5, 9, 16 và 22), 105 khu phố và 1.200 tổ dân phố.
Thực hiện Quyết định số 184/HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng, ngày 27-3-1989, quận 1 đã phân vạch lại địa giới hành chánh cấp phường, từ 20 phường tổ chức lại thành 10 phường mới là: phường Tân Định (sáp nhập các phường 1, 3, 4), Đa Kao (sáp nhập các phường 6, 7), Bến Nghé (sáp nhập các phường 8, 10), Bến Thành (sáp nhập các phường 11, 12), Phạm Ngũ Lão (sáp nhập các phường 13, 17), Nguyễn Cư Trinh (sáp nhập các phường 14, 15), Nguyễn Thái Bình (sáp nhập các phường 18, 19), Cầu Ông Lãnh (phường 20), Cô Giang (sáp nhập các phường 21, 23), Cầu Kho (sáp nhập các phường 24, 25). Dưới phường có 105 khu phố, 1.202 tổ dân phố.
Như vậy : Địa danh quận 1 mới xuất hiện từ năm 1976 nhưng vùng đất trung tâm thành phố này đã có cách đây gần bốn thế kỷ, trải qua bao biến cố thăng trầm đã trở thành một trung tâm hành chánh- văn hóa- dịch vụ- thương mại- du lịch-xuất nhập khẩu- đầu tư của một đô thị lớn mang tầm vóc trung tâm nhiều mặt của đất nước.
b. Về chính trị - văn hóa:
Đảng bộ Quận 1 đã trải qua 74 năm (1930- 2004) hoạt động dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố. Trong mỗi thời kỳ cách mạng, Đảng bộ đã quán triệt, vận dụng sáng tạo đường lối của Trung ương và Thành phố vào hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của Quận; động viên, hướng dẫn các tầng lớp nhân dân lao động chiến đấu, xây dựng và bảo vệ địa phương. Trong quá trình phấn đấu bền bỉ, kiên cường đó, Đảng bộ và nhân dân Quận I đã đạt được những thành tựu to lớn, tạo ra những biến đổi sâu sắc về đời sống xã hội và cảnh quan đô thị Quận I, tích lũy được những kinh nghiệm quý báu, có ý nghĩa sâu sắc và giá trị lâu dài.
Từ ngày Thành phố được giải phóng đến nay, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để hoàn thành nhiệm vụ chính trị ở một địa bàn trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh.
Về tổ chức, Đảng bộ đã đề ra và tổ chức thực hiện thắng lợi các chương trình, kế hoạch về xây dựng, củng cố hệ thống tổ chức của Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của các tổ chức của Đảng và đảng viên.
Về chính trị, Đảng bộ đã xây dựng và củng cố được sự thống nhất ý chí và niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào con đường đi lên CNXH của đất nước ta, vào vai trò lãnh đạo của Đảng, nhận rõ âm mưu của các thế lực thù địch, nâng cao cảnh giác cách mạng, kiên quyết đấu tranh, phê phán các luận điệu sai trái, phản động.
c. Về dân số, lao động
Dân số Quận 1: 198.815 người số liệu năm 2014. Trong đó Nữ: 107.775 người Mật độ dân số: 25.654 người /km2
Cơ cấu dân cư của Quận 1 chuyển dịch theo hướng phù hợp với đặc điểm của một Quận trung tâm thành phố. Bên cạnh trên 20.000 cán bộ công chức (tại chức và hưu trí) của quận, thành phố và các cơ quan Trung ương trú đóng trên địa bàn, phần lớn dân cư là công nhân- lao động tập trung trong hơn
9.261 doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ, bộ phận dân cư còn lại là tiểu thương trong đó có 22.042 hộ kinh doanh cá thể. Gần 20% dân số có trình độ đại học và sau đại học. Toàn dân đã có trình độ trung học cơ sở và có 03 phường thực hiện xong phổ cập phổ thông trung học. Tính theo tuổi đời, Quận 1 là một địa phương khá trẻ với hơn 85% dân số có độ tuổi từ 50 trở xuống, trong đó có 143.412 người trong độ tuổi lao động, chiếm 72,1% dân số.
d. Về phát triển kinh tế - xã hội
Về kinh tế, Đảng bộ và nhân dân Quận 1 không ngừng phấn đấu để từng bước phục hồi kinh tế, khắc phục hậu quả chiến tranh, vượt qua tình trạng suy thoái kinh tế, tạo đà để phát triển liên tục, đồng đều trong 40 năm qua. Bộ mặt kinh tế của Quận có nhiều khởi sắc. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung đã chuyển nhanh sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần đã được xác lập, cơ cấu kinh tế của Quận từng bước chuyển dịch theo hướng CNH- HĐH: "Dịch vụ- thương mại, xuất nhập khẩu, sản xuất CN- TTCN". Các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch.
Quận 1 có hệ thống giao thông thủy bộ thuận tiện cho việc mở mang, giao lưu, phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội. Nằm bên bờ sông Sài Gòn, Quận 1 tiếp cận các đầu mối giao thông đường thủy thông qua các cảng Sài Gòn, Khánh Hội. Hệ thống kinh rạch Bến Nghé- Thị Nghè tạo điều kiện dễ dàng cho việc vận chuyển hàng hóa, hành khách từ trung tâm Thành phố đi các nơi và ngược lại. Dọc bờ sông, kinh, rạch của Quận có cảng nhỏ, cầu tàu, công xưởng sửa chữa, đóng tàu, xà lan... tạo thành những yếu tố mở mang giao thương, dịch vụ. Mạng lưới đường bộ của Quận 1 khá hoàn chỉnh, không những đảm bảo sự thông thoáng cho lưu thông nội thị mà còn có các trục đường chính đi đến sân bay, nhà ga, hải cảng và các cửa ngõ của thành phố để đi khắp các tỉnh, thành trong cả nước.
Từ ngày hình thành cho đến nay, Quận 1 luôn luôn giữ được vị trí trung tâm của thành phố. Qua hơn 300 năm xây dựng, tôn tạo và phát triển, ngày nay Quận 1 đã trở thành trung tâm hành chính, văn hóa, dịch vụ, thương mại, du lịch và xuất nhập khẩu của thành phố Hồ Chí Minh.
Công tác tổ chức thu thuế năm 2014 hoạt động hiểu quả, thu ngân sách quận đạt 6.350 tỷ đồng/4500 tỉ đồng (đạt 141% dự toán). Hiện nay trên địa bàn Quận có 22.042 hộ kinh doanh cá thể và 9.261 doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hoạt động; trong năm, có 1.604 hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động.
e. Về văn hóa- xã hội
Trên địa bàn Quận 1 có nhiều dân tộc sinh sống trong đó người Kinh chiếm tuyệt đại đa số với hơn 88,4% dân số, người Hoa có 23.465 người, chiếm 11,8% dân số, các dân tộc khác gồm người Chăm, Khơme, Tày, Nùng, Mường, Thái, Dao, Gia-rai tổng cộng có 294 người, chiếm 1,4% dân số.
38,8% dân số Quận 1 theo các tôn giáo khác nhau, trong đó bao gồm: - Theo Phật giáo: 83.672 người.
- Theo Thiên Chúa giáo: 18.652 người. - Theo đạo Tin Lành: 1.500 người. - Theo đạo Cao Đài: 700 người. - Theo đạo Hồi: 650 người. - Theo đạo Hòa Hảo: 100 người.
Theo các tôn giáo khác là 245 người và 121.665 người không tín ngưỡng.
Các tôn giáo đã xây dựng 58 công trình thờ tự (nhà thờ, chùa, thánh đường, thánh thất) trên đất Quận 1, ngoài ra còn có hàng chục đình, đền, miếu mạo thờ tự theo tín ngưỡng dân gian. Nhiều công trình thờ tự có giá trị kiến trúc và lịch sử văn hóa như Nhà thờ Đức Bà, Đền Trần Hưng Đạo, chùa Phước Hải, chùa Thiên Hậu...
Trải qua hơn ba thế kỷ, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo sinh sống trên đất Quận 1 đã kề vai sát cánh, đoàn kết một lòng trong các cuộc đấu tranh chống thiên tai, địch họa, lao động không biết mệt mỏi để dựng xây, tô điểm nên tầm vóc Quận 1 ngày nay.
Đảng bộ và nhân dân Quận 1 đã nỗ lực xây dựng môi trường văn hóa, môi trường xã hội lành mạnh, thực hiện việc xây dựng con người mới thông qua công tác giáo dục- đào tạo và các phong trào vận động "xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở". Thiết chế văn hóa, giáo dục- đào tạo, y tế, TDTT được xây dựng và phát triển ngày càng hiện đại. Các nhu cầu của nhân dân về học tập, việc làm, nhà ở, đời sống, chăm sóc sức khỏe, rèn luyện thể chất phúc lợi văn hóa được đáp ứng ngày càng tốt hơn. Các đối tượng diện chính sách được chăm lo chu đáo, thường xuyên. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo đã phát triển thành phong trào quần chúng rộng rãi. Từ trong thực tiễn của Quận đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương tiêu biểu, thể hiện phẩm chất con người mới XHCN.
Song song với quá trình xây dựng đời sống văn hóa- xã hội, giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc dân tộc, Đảng bộ và nhân dân Quận 1 đã kiên trì đấu tranh để đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nọc độc văn hóa gắn với cơ chế thị trường và âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
Sự phát triển kinh tế- văn hóa- xã hội đã tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân trong Quận. Trình độ dân trí được nâng cao, sinh hoạt tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú.