- Khảo sát các câu lạc bộ trên địa bàn 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh:
8. Nếu được chọn về các chương trình liên quan đến sinh hoạt dân ca, học sinh cho biết:
3.2.1. Hoạt động sưu tầm, nghiên cứu về dân ca xứ Nghệ
Sớm ý thức được sự mai một các giá trị văn hóa truyền thống sẽ trở thành mối đe dọa đối với công tác xây dựng một nền văn hóa – văn nghệ của tỉnh nhà, đặc biệt là với vốn di sản dân ca ví, giặm – là biểu trưng cho tâm hồn, cốt cách của người dân xứ Nghệ, các đợt điền giã để sưu tầm, khai thác của các nhà nghiên cứu, các nhạc sĩ, nghệ sĩ được tổ chức ở hầu khắp mọi miền quê tỉnh Nghệ An và một số địa phương của Hà Tĩnh.
So với các hoạt động khác, công tác bảo tồn dân ca trên phương diện sưu tầm, nghiên cứu trên địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh được triển khai khá sớm. Đây là công việc cần nhiều công sức, sự lao động thầm lặng, gian khổ và đầy tâm huyết của thế hệ các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ và nhạc sĩ. Nhằm mục đích lưu giữ vốn cổ, tạo điều
kiện cho các thế hệ tiếp nối có “nguồn tư liệu” để nghiên cứu, phát huy các giá trị riêng có của dân ca xứ Nghệ trong các giai đoạn tiếp theo, một số nhà khoa học, nghiên cứu về văn hóa, văn học dân gian đã mở đầu cho quá trình gìn giữ vốn di sản dân ca xứ Nghệ với một số công trình nghiên cứu, sưu tầm tiêu biểu.
Thời kỳ Pháp thuộc, tác giả Nguyễn Văn Ngọc đã bỏ nhiều công sức đi sưu tầm, ghi chép, kết quả là đã sưu tập được 2 tập “Tục ngữ phong dao”, xuất bản năm 1928; Giáo sư Nguyễn Đổng Chi với“Hát giặm Nghệ Tĩnh” xuất bản 1944.
Những tác giả như Nguyễn Tất Thứ, GS Nguyễn Đổng Chi, GS Hoàng Xuân Hãn đã công bố nhiều công trình nghiên cứu, sưu tâm về dân ca hò – ví – giặm xứ Nghệ. Đất Nghệ còn tri ân nhà nghiên cứu PGS Ninh Viết Giao với nhiều công trình tiêu biểu: Hát
phường vải (Nxb văn học, hà Nội, 1961), Hát giặm Nghệ Tĩnh (2 tập, Nxb Khoa học, Hà
nội, 1962; tập 2, Nxb sử học, Hà nội, 1963), Kho tàng vè xứ Nghệ (9 tập, NXb Nghệ An, 1999 – 2000), Về Văn học dân gian Nghệ Tĩnh (Tuyển tập những bài nghiên cứu, Nxb Nghệ Tĩnh, 1982).
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, các công trình sưu tầm, nghiên cứu có giá trị như của tác giả Vũ Ngọc Phan với cuốn khảo cứu về “Tục ngữ dân ca”. Đầu năm 1958, Nguyễn Chung Anh với “Hát ví Nghệ Tĩnh”.
Hiện nay, có nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc dân ca xứ Nghệ như Âm
nhạc dân gian xứ Nghệ của nhạc sĩ Thanh Lưu, Lê Hàm, Hoàng Thọ; Sở VHTT&DL
Nghệ An (năm 2012) với “Tuyển tập âm nhạc dân ca xứ Nghệ” hay “Bảo tồn và phát
huy các giá trị dân ca ví, giặm xứ Nghệ”, tập hợp bài tham luận tại Hội thảo khoa học
bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò – ví – giặm xứ Nghệ và một số các bài nghiên cứu có liên quan. Bên cạnh đó còn có một khối lượng đồ sộ các bài nghiên cứu của các tác giả Lê Văn Hảo, Đào Việt Hưng, Nguyễn Mỹ Hạnh..., đăng tải trên các tạp chí Trung ương và địa phương.
Hội Văn nghệ dân gian Nghệ An đã cho ra đời hàng loạt các công trình nghiên cứu của PGS Ninh Viết Giao, các nhạc sĩ, các nhà nghiên cứu và đã công bố một khối lượng đồ sộ kho tàng di sản dân ca xứ Nghệ do các hội viên của Hội đã sưu tầm, thu thập khắp các địa phương trong tỉnh và Hà Tĩnh. Hội cũng đã tôn vinh được 23 nghệ nhân hát dân ca (trong dịp đi sưu tầm, khai thác dân ca năm 1975 - 1980)
Một số đơn vị nghiên cứu về lĩnh vực KHXH&NV trên địa bàn trong và ngoài tỉnh cũng đã và đang tiếp cận di sản dân ca của xứ Nghệ trên nhiều phương diện lịch
sử, văn hóa, văn học... như: Phòng nghiên cứu – sưu tầm của Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ, Đại học Vinh, Trung tâm KHXH&NV Nghệ An, Hội văn nghệ dân gian Nghệ An, Tạp chí văn hóa xứ Nghệ, Hội di sản văn hóa Việt Nam (tại Hà Nội)...
Song song với công tác sưu tầm, nghiên cứu, UBND tỉnh, Sở Văn hóa thể thao và Du lịch đã chủ trì tổ chức các cuộc hội thảo lớn, nhỏ về di sản dân ca xứ Nghệ:
Năm 1976, Hội thảo khoa học lần thứ nhất về định hướng thể nghiệm âm nhạc của sân khấu dân ca theo hướng kịch hát truyền thống của dân tộc được tổ chức.
Năm 1977, trường Đại học sư phạm Vinh (nay là Đại học Vinh) phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh đã tổ chức Hội nghị Văn học dân gian Nghệ Tĩnh lần thứ nhất. Sau Hội thảo, các hoạt động sưu tầm, nghiên cứu cũng như hoạt động giảng dạy văn học dân gian ở các trường Đại học và Cao đẳng sư phạm miền Trung diễn ra rất khẩn trương, tích cực với nhiều hình thức phong phú, thu lại một số kết quả bước đầu, trong đó, đáng ghi nhận là các thế hệ thầy và trò khoa ngữ Văn - Đại học sư phạm Vinh.
Năm 1981, Ủy ban KHXHNV Việt Nam và UBND tỉnh Nghệ Tĩnh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học về dân ca xứ Nghệ, trong đó tập trung chủ yếu vào công tác kiểm kê toàn bộ di sản dân ca.
Năm 1984, Hội thảo khoa học về dân ca xứ Nghệ lần thứ hai được tổ chức, xác định phương hướng phát triển cho bộ môn kịch hát dân ca xứ Nghệ
Năm 1985, Viện âm nhạc Việt Nam phối hợp với tỉnh tổ chức Hội thảo khoa học, tiếp tục xác định nội dung về kịch hát dân ca xứ Nghệ. Cũng từ hội thảo này là tiền đề ra đời vở diễn Mai Thúc Loan (Huy chương Vàng Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc), đánh dấu mốc son thành công của nền kịch hát tỉnh nhà.
Năm 1987, Hội thảo lần thứ 3 được tổ chức, một lần nữa tiếp tục tập trung cho công tác nghiên cứu để định hướng cho phát triển dân ca với tư cách là một bộ môn kịch hát.
Năm 2002, Hội thảo khoa học 30 năm sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh được Sở Văn hóa Thông tin Nghệ An phối hợp với Viện sân khấu tổ chức, tổng kết lại quá trình nghiên cứu, thể nghiệm sân khấu hóa dân ca, đề ra những giải pháp đưa sân khấu hóa dân ca tiếp tục phát triển – xây dựng một hình thức sân khấu mới mang đậm bản sắc Nghệ An.
Gần đây nhất, tháng 3 năm 2011, để khởi động cho công tác lập hồ sơ di sản dân ca đệ trình lên Tổ chức UNESCO ghi danh dân ca xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể thế giới đại diện cho nhân loại, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cùng Hội văn nghệ dân gian Nghệ An đã phối hợp tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò – ví – giặm”. Có thể nói đây là cuộc hội thảo đầu tiên tập trung đội ngũ các nhà quản lý từ Trung ương đến địa phương, cơ quan chuyên môn, các nhà nghiên cứu, nghệ sĩ... nhằm bàn về các biện pháp bảo tồn và phát huy các giá trị của thể loại ví – giặm đồng thời gợi mở, thống nhất một số vấn đề làm cơ sở cho công tác lập hồ sơ về di sản dân ca xứ Nghệ dự kiến hoàn tất vào năm 2015.
Có thể thấy, dân ca xứ Nghệ là mảnh đất màu mỡ còn cần khai thác, nghiên cứu, cần có những định hướng rõ ràng để khẳng định những giá trị vốn có của di sản dân ca, bảo tồn và phát huy di sản đó trong đời sống nhân dân và quảng bá ra thế giới. Ngày nay, so với các loại hình dân ca vùng miền khác trong tiến trình đệ trình UNESCO, chúng ta có thuận lợi rất cơ bản đó là đã có nguồn tài liệu, các công trình nghiên cứu rất đầy đủ và đồ sộ về kho tàng dân ca xứ Nghệ.