Đặc điểm, giá trị về Nghệ nhân trong dân ca xứ Nghệ

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy kho tàng dân ca xứ nghệ trước xu thế đổi mới, hội nhập toàn cầu hóa hiện nay (Trang 55 - 62)

- Ví trong nhà ngoài sân như ví phường vải: thể ví hoàn toàn khác, là hình

1.3.3.2. Đặc điểm, giá trị về Nghệ nhân trong dân ca xứ Nghệ

Trong quá khứ, khi truyền khẩu chiếm ưu thế thì kiến thức là tài sản riêng của lớp người lớn tuổi. Lớp người này đã thu lượm những kiến thức cơ bản rồi truyền lại cho lớp trẻ theo những cách thích hợp, với một liều lượng cụ thể và ngôn ngữ giàu biểu tượng mang đầy âm điệu cảm xúc. Dân ca xứ Nghệ cũng được truyền đạt qua con đường gia truyền như thế qua những buổi sinh hoạt văn hóa mà ở đó, người già truyền cho người trẻ, bà nội, bà ngoại hay cô dì chú bác… đến những “thầy gà” là lớp nhà nho, trí thức… tạo nên một đội ngũ nghệ nhân dân ca xứ Nghệ đa dạng và đầy tài hoa.

Trên cơ sở tiếp cận và nghiên cứu các công trình của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian PGS Ninh Viết Giao và một số tác gia khác, chúng tôi chia thành các loại nghệ nhân sau (chủ yếu tìm hiểu nghệ nhân trong hát ví):

- Nghệ nhân dân gian quần chúng: là những người xuất thân từ tầng lớp lao động, không có học hành song lại có sở thích hát hò, có giọng hát hay và cả năng khiếu sáng tác. Lớp nghệ nhân này có số lượng rất đông đảo. Môi trường của họ gắn với cảnh quang nông thôn, làng xã với cây đa, bến nước, sân đình. Đề tài sáng tác của họ là những vấn đề thiết thân trong đời sống, nhất là đời sống nội tâm. Vốn tư liệu mà họ dùng để sáng tác là cả một kho tàng văn hóa, văn học dân gian bình dân mà họ được tiếp thu qua những thế hệ trước. Vì lẽ đó mà sự bình dị, trong sáng của dân ca phần lớn cũng là ở những tập thể nghệ nhân dân gian này.

- Nghệ nhân được “đào tạo” trong những gia đình trí thức nho học: đó là những

cô gái con nhà khuê các, người đi ở mà chủ nhà có nuôi ông đồ làm gia sư, con nhà bình dân... được tiếp xúc ít nhiều với chữ nghĩa lại có dịp tham gia các buổi sinh hoạt

hát hò của quần chúng. Có thể đó là những kiến thức vụn vặt chắp vá nhưng ít nhiều họ là những người lanh trí, thông minh, có những người thuộc cả quyển Minh Tâm, đọc Kiều, lẫy Kiều, những tác phẩm như Chinh Phụ Ngâm, Tống Trân Cúc Khoa… hay những câu vè, tục ngữ… để rồi khi trở thành những chất liệu làm nên câu ví, câu giặm lại trở nên tha thiết, rạo rực tình ý, dí dỏm, đôi khi còn bày tỏ thái độ của mình với cuộc sống, với xã hội đương thời một cách mới mẻ, sắc sảo và chân thành.

Với lớp nghệ nhân này có thể kể đến: bà Dũng Thơn, bà cháu Ban, bà Cựu Năm, bà Chánh Diên, chị ba Xuân, cô Cúc, cô Nhẫn, cô Chín… họ cũng đã để lại những giai thoại cho đời với những câu ví mà đôi khi nếu ta không biết cứ tưởng đó là những câu của một nhà nho hay của ông cử, ông tú say nôm sành chữ nghĩa văn chương nào đó. Ví như:

Vườn hoa quả thị má hồng

Mận mơ quấn quít đèo bòng cho cam

Một câu mà có đủ các giống quả: thị, hồng, mận, mơ, quít, bòng, cam. Hay câu của chị nho Xuân:

Mấy khi người ngọc hội đồng

Trắng in thẻ bạc, gió rung tiếng vàng

Người đời còn nhắc mãi một câu hát của cô Dũng:

Ra về em cũng trông chừng

Trông trăng nhớ tán, trông rừng nhớ hoa

Hay ở Nam Đàn, nổi tiếng khắp vùng có bà Dũng Thơn:

Đêm khuya trống đánh cái thùng Gió hiu hiu thổi cây tùng tùng reo Năm canh thức suốt năm canh

Đèn liu riu ngọn, gối chềnh vềnh nghiêng

Hay câu đắt giá như:

Tam niên học vấn mục bất khuy viên Cớ sao quân tử lưu niên dạ hành

- Nghệ nhân dân gian có trình độ học vấn: lớp nghệ nhân này cũng khá nhiều. Họ thường xuất thân từ quần chúng hay ít ra cũng có dịp lăn lộn trong quần chúng. Đối với những nghệ nhân này, việc tắm gội ít nhiều vào ngọn nguồn mát mẻ của dân ca cũng đã ít nhiều giúp họ trau chuốt thêm ngữ ngôn của dân tộc, cung cấp cho họ

những hiểu biết về cuộc sống, về cảnh vật ở nông thôn. Được bao quanh mình vốn văn hóa của dân tộc, các sáng tác của dân gian từ đời nọ qua đời kia đã bồi dưỡng cho họ tình yêu cuộc sống, bất bình trước xã hội bất công và khát khao một xã hội. Trong lớp nghệ nhân này, có thể 3 bộ phận:

+ Bộ phận thứ nhất là nghệ nhân dân gian có bước qua cửa Khổng sân trình như Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ, Phan Bội Châu... trước khi là những tác gia xuất sắc họ đều là những nghệ nhân dân gian nổi tiếng trong làng hát ví. Dân gian còn lưu lại giai thoại về Nguyễn Du đi chơi hát ví ở Trường Lưu, để lại cho đời hai bài thơ “Thác lời trai phường nón” và “Gửi lại gái phường vải”; bài văn tế “Văn tế sống Trương Lưu nhị nữ” và những giai thoại giữa Nguyễn Du và cô Xạ, giữa Nguyễn Du và cô Cúc…

Xin được kể thêm một giai thoại. Ấy là một buổi chiều, Nguyễn Du cưỡi ngựa sang Trường Lưu hát phường vải. Đi đến đò Cài, chẳng may trời nổi cơn dông. Ngày đã gần tàn, con đò ở bên kia sông, cô lái đò đã gác lái khi nào rồi, ngoài Nguyễn Du ra, không một người nào qua lại. Giữa lúc không biết bằng cách nào để qua sông, về thì tiếc cuộc hát tối nay thì lúc đó, một giọng hát trong trẻo du dương cất lên:

Sóng to thuyền bé khó sang

Thiếp nguyện thiên địa giúp chàng một phen

Theo âm vang trầm trầm mênh mang của tiếng hát, con đò nhổ sào, tự động lướt qua sông rồi cập bến bên này để đưa Nguyễn Du đi hát phường vải. Phải chăng lòng say mê hát ví của Nguyễn Du đã khiến quỷ thần cảm động.

Từ những giai thoại vẫn được người đời nay nhắc đến về Nguyễn Du trong những ngày đi chơi hát ví để chúng ta thấy rằng, ông sinh ra và lớn lên ở quê hương của những làn điệu hát ví, hát giặm, đã say mê hát ví phường vải, ví phường nón… Đương nhiên ông phải là người có tài năng sáng tác thực sự, có cá tính sáng tạo rõ ràng mới có thể hòa mình vào những sáng tác của nhân dân giản dị, thông cảm với những khổ đau, mơ ước của nhân dân, thì mới tập hợp được những gì là tinh túy của ngữ ngôn dân tộc, những hình ảnh nghệ thuật gần gũi để tạo nên một tập đại thành về thơ lục bát: “Đoạn trường tân thanh”. Thiên tài Nguyễn Du – người nghệ sĩ dân gian vĩ đại - xây dựng được tác phẩm làm rực sáng lâu đài văn học cổ điển Việt Nam với

những lời thơ hàm súc, dư ba, nhạc điệu réo rắt, mênh mang và có “sự giúp đỡ thầm lặng của nhân dân”. Rồi đến Nguyễn Công Trứ với những bài thơ lưu loát, hào phóng

bằng thể hát nói; Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ bâng khuâng xao xuyến “đứt nối mà ẩn hiện, đổi thay mà hấp dẫn, lời phát ra tiếng nghe bi tráng, văn dựng đặt cực kỳ ngưng trầm” (nhận định của Cao Bá Quát về Hoa tiên truyện song cũng có thể

đúng cả với Mai Đình mộng ký); những tác gia ấy đều là nhân vật chính, là những đối thủ, là nghệ nhân dân gian đã say sưa với bao đêm hát ví rạo rực, hòa quyện ân tình nơi quê hương Hồng Lam lịch sử. Cái chất dân gian còn đọng lại ít nhiều trong các câu hát, trong cách thức một cuộc hát của các cụ.

+ Bộ phận thứ hai là những sĩ phu yêu nước. Họ vốn xuất thân từ quần chúng nhân dân nhưng lại ở trong thời binh đao khói lửa, nhất là từ ngày Tây qua, những con người ấy luôn có chí hướng muốn cứu lấy giang san. Bên cạnh đó, họ lại là những người say mê hát ví, hoặc vốn đã là những nghệ nhân trong làng hát ví, nên mỗi khi tham gia, họ đã lợi dụng phương tiện tự túc ấy của dân gian để khêu gợi lòng yêu nước và chí căm thù giặc trong nhân dân. Có thể kể đến như: Trần Tấn, Đặng Như Mai, Cao Thắng, đề Kiều, đề Nam, Hoàng Giáp Lập, Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Vương Thúc Quý, Bùi Chính Lộ, Đặng Văn Bá, Nguyễn Thức Canh, Lê Võ... đều đi chơi hát phường vải. Tiêu biểu nhất trong bộ phận nhà nho là thi sĩ yêu nước đi chơi hát ví là Phan Bội Châu. Ông là người vừa hát hay, đặt câu hát giỏi, lại vừa đưa tinh thần dân tộc vào nội dung câu hát một cách tài tình. Phan Bội Châu xứng đáng về mọi phương diện là một nghệ nhân dân gian ưu tú trong đám sĩ phu đi chơi hát ví. Ông còn làm thầy gà, tất cả nhà nho Hoan Diễn đều phải khâm phục. Hiện nay nhân dân Nghệ Tĩnh còn lưu truyền khá nhiều câu hát và giai thoại hoặc mang nội dung yêu nước hoặc mang tính cách thông minh mà nghịch ngược của Phan. Ở đây xin đề cập một trong số các giai thoại về ông.

Ai cũng biết Phan Bội Châu là người mẫn tiệp, nhanh trí, uyên bác, nhiệt thành. Việc làm cũng như văn thơ của Phan trước sau đều vì nước. Với tinh thần

“làm trai phải lạ ở trên đời, há để non sông tự chuyển dời” muốn khôi phục nước Việt Nam âm ỉ rạo rực từ ngày còn là cậu nho San. Một lần đi hát phường vải ở Kim Liên, biết Phan là tay học giỏi, một cô gái thẩm vấn về chí hướng sau này:

Nhất vui thơ túi rượu bầu

Biết ai khanh tường công hầu là ai?

Phan đáp:

Dưới thành luống những muốn câu cá kình

Cô gái khen:

Rõ ràng cốt cách trượng phu

Nước non luống dậy cơ đồ có phen.

Quả là cô gái ấy có con mắt tinh đời. Cô gái ấy không ai xa lạ. Đó là bà Dũng Thơn. Bà Dũng Thơn và thân mẫu Bác Hồ là chị em ruột.

Cũng có thể kể thêm một số sĩ phu yêu nước khác cũng đi chơi hát ví với mục đích như cụ Phan. Các nghệ nhân dân gian này qua hát ví đã làm cho gia tài dân ca ca dao đậm đà tinh thần dân tộc. Dĩ nhiên là trong khi đi chơi hát ví, họ cũng bày, cũng hát những câu hát hoa tình, hát nghịch, hát đối chữ đối nghĩa... song những gì bà con Nghệ Tĩnh còn lưu truyền về họ là những câu hát, là những giai thoại mang tinh thần dân tộc, nội dung chủ yếu vẫn là kêu gọi lòng yêu nước trong nhân dân.

+ Bộ phận thứ ba là những nhà nho (số này đông hơn): xứ Nghệ thời cận đại vốn được mệnh danh là “xứ sở của nho sĩ”. Họ tìm thấy ở hát ví như món ăn tinh thần, nhất là trong buổi hoàng hôn của nho giáo nên cũng say sưa sinh hoạt văn nghệ tự túc ấy của nhân dân. Dù đến với hát ví vì nhiều lý do, có thể muốn lấp một chỗ trống trong tâm hồn hay một cách hưởng lạc hoặc có thể khoe tài… Họ cũng là những người rất gần gũi với quần chúng, trà trộn trong quần chúng. Riêng huyện Nam Đàn, trong làng hát ví phường vải, có thể kể: Cử Thụy, Hàn Sách, Tú Quỳnh, Tú cò, mền Cơ, kép Hai, cả Chiu, Tú Toản, cử Tích, cử Bân, nho Sáu, cử Vành, hàn Lương, đồ Sân...

Không phải tất cả đều đặt câu hát như nhau mà trong số các nghệ nhân này, có những người thích đặt các câu hát, đối đáp rất chỉnh cả ý lẫn lời như cử Thụy, tú Quỳnh, cố Mền Cơ, nho Phan, cố Tời... Một lần tại phường vải ở Thịnh Lạc, cố Mền Cơ đặt câu hát khá phiền toái rằng:

Lương duyên chỉ Tấn tơ Tần

Liệu Đường định Sở Châu Trần tùy cơ

Một câu hát có 14 chữ, 8 chữ đã là tên các nước thời Xuân Thu hoặc là các vương triều bên Trung Quốc, lại có chữ Cơ là tên của cố nữa. Nho Phan đáp lại cũng không kém:

Ngô phi thân Hán tâm Hàn

Lại có những người thích đặt câu hát có cả chữ lẫn nghĩa. Câu đối lại cũng phải có cả chữ lẫn nghĩa, song vị trí, chức năng của mỗi từ, nếu đặt đúng thì càng hay, còn không xê xịch một chút cũng được, miễn sao cho lời lọt ý thông. Đó là cử Tích, cả Chiu, cử Vành, cử Hùng, đồ Sân, hàn Sách,... ví như những câu:

Xa xôi bước đến thi tài

Trung thiên minh nguyệt giữa trời sáng trăng (Đồ Sân)

Ngựa xe bước tới cửa rồng Long môn xa mã thiếp trong ra chào

(Cả Chiu)

Lửa huỳnh lốm đốm vào dinh Trầu cau sắm sửa đãi tình tân lang

(Cử Tích)

Nhà em đường đệ hẳn hiên

Văn thân tưởng đến càng thêm vẻ người (Cử Vành)

- Lớp nghệ nhân đương đại: Theo dòng thời gian, nghệ nhân xứ Nghệ hiện nay

có thể xuất thân từ nhiều thành phần, đa số họ là những viên chức, trí thức, hưu trí, cũng có thể là người lao động. Từ lớp nghệ nhân được Hội văn nghệ dân gian phong tặng, Hội văn nghệ dân gian Việt Nam vinh danh (7 nghệ nhân) đến danh hiệu “nghệ nhân” do người đời tôn vinh như các cụ già, các cán bộ quản lý văn hóa ở các Trung tâm văn hóa, huyện, xã, những người dân rất đỗi bình dị, chân lấm tay bùn, kinh doanh lớn nhỏ… có niềm đam mê và khả năng ca hát… Có thể thấy, thế hệ nối tiếp thế hệ đã làm nên một đội ngũ nghệ nhân hát – trao truyền dân ca xứ Nghệ hết sức phong phú và đông đảo.

Từ những đặc điểm, có thể thấy rõ giá trị của nghệ nhân hát dân ca xứ Nghệ So với nghệ nhân hát dân ca ở các địa phương khác như ca trù hay quan họ, bài chòi... có thể thấy: Nghệ nhân dân ca xứ Nghệ không sống bằng nghề ca hát, chủ yếu sinh hoạt chung với quần chúng và có chức năng truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Bên cạnh đó, dân ca xứ Nghệ lại có sự tham gia đông đảo một tầng lớp nghệ nhân là nho sĩ, trí thức có tên tuổi, khiến cho các buổi sinh hoạt ca hát dân ca (chủ yếu ở thể loại Hát ví phường vải) thêm trang trọng, đầy thi vị. Hiếm có dân ca nào

như dân ca xứ Nghệ đạt đến độ “uyên bác nhưng vẫn bình dân, quê mùa mà quả là

nho nhã”, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân gian của địa phương (nhiều

tài liệu còn lưu truyền các điển tích của các cụ Nguyễn Du, Phan Bội Châu có tham gia đàn hát dân ca xứ Nghệ). Thứ nhất, xứ Nghệ là nơi tập trung những con người tài hoa, nhà cách mạng, văn hóa lớn... việc theo hát như một nhu cầu tất yếu. Hai là, qua các buổi hát, ít nhiều các nhà nho đã tiếp thu vốn quý của cha ông, sáng tác nên những tác phẩm bất hủ như Truyện Kiều của Nguyễn Du; Nguyễn Huy Tự với Hoa

tiên truyện,..

Rõ ràng, di sản ví, giặm xứ Nghệ không những đã để lại cho chúng ta một tài sản vô giá, một đặc sản của vùng quê xứ Nghệ, mà còn để lại cho chúng ta những lớp nghệ nhân tài hoa, đam mê và đầy nhiệt huyết. Đó là nơi nuôi dưỡng những tài năng của người nghệ nhân, khi mới nhập phường họ chỉ bắt chước những người đi trước, về sau, tự họ phải thể hiện tài năng của mình. Họ không những góp phần hoàn thiện các thể thức hát dân ca xứ Nghệ mà còn truyền dạy cho các thế hệ tiếp nối, để gìn giữ và phát huy dân ca xứ Nghệ cho muôn đời sau.

Bản thân nghệ nhân vốn đã là một giá trị không thể phủ nhận và thay thế khi nói về di sản dân ca của dân tộc. Nghệ nhân được xem là linh hồn của những di sản văn hóa. Đó là nhân tố tất yếu quyết định đến sự tồn vong của di sản phi vật thể, trong đó có dân ca xứ Nghệ. Có được một đội ngũ đông đảo nghệ nhân, những người yêu và hát dân ca xứ Nghệ như hôm nay, rõ ràng, chúng ta không sợ mất đi di sản.

Một phần của tài liệu Bảo tồn và phát huy kho tàng dân ca xứ nghệ trước xu thế đổi mới, hội nhập toàn cầu hóa hiện nay (Trang 55 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(151 trang)
w