- Phong trào học và hát dân ca trong trường học và sóng Phát thanh truyền
4.1.2.3. Vừa giữ gìn giá trị gốc vừa khuyến khích sáng tạo cách tân, cải biên
Di sản dân ca ví – giặm cũng như hầu hết các di sản văn hóa phi vật thể khác, không chỉ gắn bó với các chủ thể văn hóa mà còn hòa quyện vào không gian sinh thái – nhân văn, nơi chúng được sáng tạo ra và đang hiện diện, tiến diễn trong đời sống đương đại của cộng đồng cư dân xứ Nghệ. Điều đó có nghĩa là, dân ca xứ Nghệ cũng không “nhất thành bất biến”, bản thân nó nhất định phải hàm chứa những yếu tố mang tính lịch sử, đồng thời cũng phải mang hơi thở của thời đại mà chủ thể văn hóa cũng như chủ sở hữu nó đang sống và làm việc. Chính vì thế, di sản ví – giặm được sáng tạo ra, được bảo lưu và sáng tạo qua nhiều thế hệ là cả một quá trình sàng lọc không ngừng nghỉ. Đó là con đường phù hợp với quy luật sáng tạo và phát triển. Ví dụ: trước đây, hát ví – giặm thường tuân thủ theo trình tự, quy cách và không có nhạc cụ thì nay, để thêm phần hấp dẫn, nhân dân đã viết lời sẵn và có sử dụng một số nhạc cụ truyền thống như đàn bầu, đàn nhị, sáo diều…
Vì vậy, trong quá trình chọn lọc các giá trị của dân ca để phát huy và phù hợp với cuộc sống hiện nay, các cấp, ngành của 2 tỉnh cần khuyến khích các nhạc sĩ, nghệ sỹ, nhân dân cùng sáng tạo, cách tân, cải biên các làn điệu mới, các vở kịch mới, bài hát mới mang hơi thở đương đại song cần phải xác định được phạm vi cải biên hoặc sáng tác. Nếu không nắm vững những bài bản cổ, những kỹ thuật trình diễn… sẽ làm sai lệch di sản, xa rời bản sắc và giá trị truyền thống vốn có.