- Phong trào học và hát dân ca trong trường học và sóng Phát thanh truyền
4.2.3. Giải pháp xây dựng mô hình không gian văn hóa (không gian văn hóa của một số loại hình dân ca chủ yếu) triển khai trong giai đoạn
một số loại hình dân ca chủ yếu) - triển khai trong giai đoạn 2
Có thể thấy, xu thế hội nhập và toàn cầu hóa phần nào đã phá vỡ sự thỏa hiệp thiêng liêng giữa con người với tự nhiên, làm mất dần những mái đình - gốc đa - giếng nước, một số ngành nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một, nhân thế thay đổi, lớp nghệ nhân cũng ra đi theo thời gian… khiến cho không gian diễn xướng nguyên bản của dân ca ví – giặm cũng dần bị thu hẹp và ít nhiều không còn phù hợp
với nhịp sống đương đại. Mặc dù dân ca xứ Nghệ vẫn sống bền bỉ, lan tỏa trong đời sống nhân dân, song việc phục hồi dân ca như trước đây lại đang là bài toán khó. Nói như NSND Trịnh Thị Hồng Lựu “Dân ca đang bị khuất chìm ngay trên những miền
quê đã sinh ra nó”. Thế nên, để dân ca xứ Nghệ hồi sinh nơi chính mảnh đất đó thì
dân ca cần được trả về với nhân dân nhưng bằng hình thức mới, dưới dạng phục dựng môi trường văn hóa dân gian là giải pháp bảo tồn di sản lâu dài và bền vững nhất. Đó còn là căn cứ để minh chứng cho thế hệ mai sau hiểu về giá trị vốn có của di sản dân ca của xứ Nghệ.
Cần có chủ trương khôi phục không gian văn hóa bằng việc thay thế một số không gian văn hóa khác
Bước 1: Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực tiễn quá trình phát sinh,
phát triển của dân ca, từ đó đề ra chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị không gian và môi trường diễn xướng. Với nguyên tắc không thể cứng nhắc, nhất nhất cho rằng dân ca phải thuộc về không gian văn hóa gốc (trên đồng ruộng, dệt vải, quay tơ..), mà ở đây cần có sự linh động, gắn với tình hình thực tiễn, gieo mầm khúc hát dân ca ví – giặm vào không gian văn hóa mới (Giải pháp này cũng được tỉnh Hà Tĩnh áp dụng gắn biểu diễn hát ca trù tại các điểm di tích lịch sử - văn hóa như di tích cụ Nguyễn Du; cụ Nguyễn Công Trứ…).
Để thực hiện được giải pháp này, ngoài chủ trương của tỉnh và ngành văn hóa, trong đó vai trò tiên phong là Sở VHTT&DL, Trung tâm BT&PHDS dân ca xứ Nghệ, các đơn vị nghiên cứu, đồng thời, rất cần sự vào cuộc và tính kiên trì của chính quyền địa phương ở những địa bàn thí điểm, đặc biệt là sự cộng tác và ủng hộ cao từ phía người dân: Từ việc chọn điểm làm không gian văn hóa; phổ biến đến chủ trương đến người dân; sự đầu tư về tài chính, chọn hạt nhân ca hát, tổ chức dạy hát cho người dân…
Bước 2: Lựa chọn một số không gian văn hóa:
- Gắn với lễ hội dân gian: mỗi năm ở Nghệ An đều diễn ra 20 lễ hội dân gian. (lễ hội người Việt và lễ hội các dân tộc thiểu số); có khoảng 25 lễ hội di tích lịch sử - văn hóa. Qua khảo sát của đề tài tại các địa phương thì hiện nay, vẫn chưa có một lễ hội dân gian, lễ hội di tích nào có hình thức diễn xướng dân ca, trong khi đó lễ hội lại là nơi con người được về với cội nguồn tâm linh và thăng hoa trong các trò chơi, hình thức diễn xướng dân gian. Đây có thể là không gian văn hóa khá phù hợp cho ngành văn hóa gieo mầm hạt giống dân ca hiện nay.
+ Thông qua công tác khảo sát, một số lễ hội dân gian của người Việt như lễ hội đền Cờn, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội Nguyễn Xí… đều có thể đưa hình thức sinh hoạt hát dân ca vào chương trình kịch bản của lễ hội (lồng ghép vào phần hội của lễ hội). Kịch bản sẽ do Trung tâm BT&PHDS dân ca xứ nghệ dàn dựng, nên chọn những trích đoạn ngắn gọn hoặc đoạn đối đáp dễ nghe, dễ hiểu.
+ Trước mắt có thể huy động số lượng nghệ nhân, nghệ sỹ biểu diễn các trích đoạn về các danh nhân, các sự kiện lịch sử... sau đó, mời nhân dân tham gia, lôi kéo vào các trò đối đáp, giao duyên, dân dần sẽ thu hút sự tham gia, yêu thích của người đi lễ, từ đó, nhân rộng mô hình đến các lễ hội khác trong tỉnh.
- Một số làng nghề truyền thống: Qua thống kê, Nghệ An có 111 làng nghề được UBND tỉnh công nhận và chia thành các nghề như: mây tre đan, mộc dân dụng và mỹ nghệ; nông sản thực phẩm, hải sản; nghề đan chổi đót và giấy gió, nghề trồng dâu, tơ tằm… tập trung đến 17.000 lao động thủ công.
+ Chọn một số nghề thủ công có thời gian nhàn rỗi, không đòi hỏi cao độ về thời gian, kỹ xảo như nghề mây tre đan, nghề đan chổi đót, giấy gió…
+ Cán bộ trung tâm văn hóa các huyện, thị phối hợp với văn hóa xã, cử các nhân tố có khả năng truyền dạy, ca hát dân ca về tận cơ sở sản xuất tổ chức nghe hát dân ca qua băng đĩa, sau đó phổ biến kỹ năng ca hát dần dần vào đội ngũ lao động.
Mỗi đợt nên tập trung tập huấn tại chỗ để người lao động có thể hiểu biết, thẩm thấu các giá trị của dân ca.
- Một số làng cổ thuần Việt (còn lưu giữ phong cách, kiến trúc không gian cổ) có các di tích đình, đền chùa, các di tích lịch sử - văn hóa: Nghệ An có hệ thống di tích lịch sử - văn hóa trải dài khắp các địa phương. Có thể chọn một số di tích thuộc các làng xã vốn đã nổi tiếng hát dân ca trước đây như Kim Liên (Nam Đàn); Thanh Thịnh, Đồng Văn (Thanh Chương), Đô Lương, Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu)… sau đó đưa phong trào hát dân ca về cơ sở gắn với các sinh hoạt văn hóa dân gian của các dòng họ.
- Gắn với các trò chơi dân gian: ở một số quốc gia trên thế giới, họ đã kết hợp dạy hát dân ca với các trò chơi dân gian cho trẻ em ở các ở các vùng nông thôn khác nhau. Nghệ An cũng có hệ thống các trò chơi dân gian rất phong phú, như: chơi sáo diều, nhảy dây, chơi ô ăn quan, đánh gụ, chơi chong chóng… nếu biết kết hợp và lồng ghép hợp lý với sinh hoạt hát dân ca thì sẽ đạt hiệu quả. Những khúc hát dân ca cũng cần được chọn lựa, nội dung gần gũi, phù hợp với lứa tuổi.
- Khôi phục sinh hoạt ca hát dân ca không gian sông nước (sông Lam): Chọn một số huyện có dòng sông Lam chảy qua, từng có sinh hoạt dân ca nổi trội như: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương...
Hy vọng trong tương lai không xa, đây sẽ là một giải pháp cần được ưu tiên đầu tư và xác định là giải pháp hàng đầu để tiếp tục là cái nôi nuôi dưỡng dân ca phát triển đúng với giá trị vốn có, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, sao cho những điệu ví, câu hò lại rộn ràng vang lên trong từng thôn xóm của các làng quê xứ Nghệ.