- Tham mưu với nhà trường xây dựng ban chủ nhiệm câu lạc bộ trong đó giáo viên âm nhạc đóng vai trò chủ chốt.
4.2.4.3. Đẩy mạnh công tác sưu tầm, thu thập di sản dân ca xứ Nghệ
Dân ca xứ Nghệ đã có một kho tàng đồ sộ các công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, các nhạc sĩ trong và ngoài tỉnh. Đó là một ưu thế vô cùng lớn trong quá trình gìn giữ và phát huy di sản. Tuy nhiên nếu chỉ dừng lại ở ghi chép bằng văn tự, xuất bản thành sách thì hiệu quả chưa cao. Tính chất nguyên hợp của văn hóa dân gian, tính chất phi vật thể càng khiến chúng ta phải nghĩ đến những hình thức khác, cách làm khác. Với nhịp sống thay đổi nhanh chóng như ngày nay, vấn đề cốt yếu là
chúng ta vẫn chưa thể lượng hóa hết được các làn điệu dân ca, bao nhiêu làn điệu gốc, bao nhiêu làn điệu cải biên đang tồn tại trong nhân dân. Vì vậy:
- Công tác kiểm kê phải được đẩy lên trước tiên nhằm huy động những nghệ nhân có khả năng ứng tác giỏi, thuộc được những lời hát cổ để ghi chép làm tư liệu, trước mắt là phục vụ cho công tác lập hồ sơ trình UNESCO, sau là tư liệu để phục dựng lại môi trường diễn xướng dân gian và công bố với công chúng. Công tác này còn giúp chúng ta nắm chính xác kho tàng di sản dân ca của địa phương mình.
- Để hoạt động này có hiệu quả, ngoài việc huy động nguồn nhân lực của phòng nghiên cứu, sưu tầm Trung tâm BT&PHDS dân ca, chúng ta cũng cần có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các Trung tâm văn hóa thể thao huyện thị kêu gọi hoạt động theo hình thức xã hội hóa, mọi người dân có thể tham gia sưu tầm tại địa phương. Hình thức này cũng cần có cơ chế hỗ trợ như khen thưởng, quà bằng tiền mặt hoặc hiện vật để động viên, khuyến khích nhân dân hưởng ứng.
- Công tác sưu tầm có thể ứng dụng những thành quả của công nghệ thông tin hiện đại, đó là xây dựng ngân hàng dữ liệu (bằng những phương tiện và kỹ thuật hiện đại nhất) về di sản bằng việc xây dựng phòng di sản văn hóa giao cho Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ có trách nhiệm quản lý, lưu giữ vừa phục vụ cho công tác nghiên cứu, phục dựng, vừa giới thiệu khách tham quan khi đến Nghệ An.
Tuy nhiên, việc học tập kinh nghiệm làm ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa của các nước đã có kinh nghiệm và điều kiện hơn là điều cần thiết, tuy nhiên, xây dựng cấu trúc ngân hàng dữ liệu cho dân ca lại là một công việc không hề đơn giản. Bởi lẽ, diện mạo loại hình, thể loại của ví - giặm cũng như các văn hóa phi vật thể của Việt Nam nói chung lại không giống như diện mạo thể loại, loại hình phi vật thể của các nước khác. Vì
vậy, nắm vững những đặc trưng của di sản dân ca trong quá trình bảo tồn, sưu tầm, ghi chép tư liệu là yêu cầu có tính tiên quyết với đội ngũ các cán bộ làm công tác này.