Kinh nghiệm của một số địa phương

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề trong kinh tế nông thôn ở tỉnh Thái Bình Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 31 - 36)

* Tỉnh Nam Định:

+ Thực trạng phát triển làng nghề tỉnh Nam Định.

Nam Định là tỉnh đông dân, dân số 1.905.300 người, diện tích tự nhiên 163,7 ha, mật độ dân số cao: bình quân 1.164 người/km2

.

Tỉnh Nam Định có 90 làng nghề, trong đó có 77 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Mỗi năm các làng nghề này đem về cho tỉnh 13-15 triệu USD kim ngạch xuất khẩu, chưa kể phần lớn tiêu thụ trong nước. Làng nghề đã và đang đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế - xã hội của Nam Định - một tỉnh 85% dân số sống ở nông thôn. Làng nghề Nam Định với lực lượng lao động chủ yếu là theo kinh nghiệm lâu năm, khoảng 90% chưa được qua trường lớp đào tạo, trang thiết bị hầu hết là cũ và lạc hậu, công tác bảo vệ môi trường chưa được coi trọng đúng mức nên gây nên ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 21% tổng số làng nghề. Vấn đề môi trường trở nên bức xúc. Làng nghề Vân Chàng (Nam Giang, Nam Trực) mỗi ngày sử dụng từ 50 đến 70 tấn sắt thép, 30 tấn than; 14 hộ mạ bản lề và phụ tùng xe đạp, thường xuyên sử dụng các loại hóa

chất như: HCL, H2SO4, NaOH, HCN... Nước thải từ các bể mạ hầu hết chưa được xử lý, thải thẳng vào ao hồ sông ngòi. Làng nghề Cổ Chất (ươm tơ) và làng dệt, tẩy nhuộm Cự Trữ (Phương Định, Trực Ninh) có 500 hộ, mỗi hộ 2 bếp ươm tơ, mỗi ngày sản xuất 1 tấn tơ, sử dụng 10 tấn than, 4 lò tẩy sợi, mỗi lò tẩy 100 kg sợi, khăn sử dụng các loại hóa chất như NaOH, H2SO4, H2O2... nước thải ra đều không được xử lý, thải vào ao, sông hồ. Làng nghề Tổng Xá (Ý Yên) có 4 công ty và 25 tổ hợp đúc, mỗi công ty một ngày sử dụng từ 15 đến 25 tấn thép và 150-280 tấn than. Nhà xưởng của làng nghề chủ yếu đặt tại nơi ở của gia đình, tận dụng sân, nhà ở, bếp, buồng làm xưởng sản xuất. Trang thiết bị máy móc của làng nghề phần lớn là cũ kỹ, lạc hậu, tự chế tạo, lao động thủ công là chính, 97% lao động làng nghề là lao động chưa qua đào tạo. Mật độ dân số ở các làng nghề rất cao, bình quân 1850 người km2, đặc biệt có những làng nghề như Xuân Tiến (Xuân Trường): 2300 người/km2, Mỹ Hương (Mỹ Lộc): 2900 người km2

, Xuân Trung (Xuân Trường): 3825 người/km2. Hạ tầng cơ sở của các làng nghề đã được cải tạo nâng cấp 1 phần. 100% các làng nghề đều có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt, 85% số làng nghề có đường nhựa hoặc đường bê tông trong thôn, xóm. Nhưng mới có 9 trong số 90 làng nghề có hệ thống cấp nước sạch tập trung qui mô xã. Các làng nghề còn lại chủ yếu sử dụng nguồn nước sông, ao, hồ, giếng khơi, giếng khoan, bể nước mưa để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Một số làng nghề rất khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt như làng nghề Tổng Xá (Yên Trấn, ý Yên), Quang Trung, Vĩnh Hào, Liên Bảo (Vụ Bản), Nam Phong (thành phố Nam Định), Cổ Chất, Cự Trữ (Trực Ninh)... Hệ thống cống rãnh thu gom, tiêu thoát nước của làng nghề chưa được chú ý qui hoạch xây dựng, nước thải chủ yếu tự thấm vào đất hoặc chảy tràn tự do vào các ao, hồ, sông, mương của làng nghề. Chất thải rắn cũng chưa được chú ý thu gom, chưa có bãi đổ thải hợp vệ sinh, trừ làng nghề Vân Chàng đã thành lập hợp tác xã nước sạch và vệ sinh môi trường.

Do chưa có qui hoạch và đầu tư cho xử lý chất thải nên hệ thống thu gom và xử lý chất thải tại các làng nghề còn sơ sài, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nên ô nhiễm môi trường đang còn là phổ biến.

+ Một số giải pháp đặt ra.

Một là, xây dựng các làng nghề thực sự trở thành các trung tâm kinh tế, thương nghiệp - dịch vụ nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn, tạo việc làm cho người lao động, tăng thu nhập cho nhân dân và tăng tích lũy cho Nhà nước, đồng thời phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Hai là, phát triển các làng nghề theo cụm công nghiệp nông thôn như Cụm công nghiệp nông thôn Xuân Tiến (Xuân Trường), Cụm công nghiệp nông thôn Nam Giang (Nam Trực), nâng cấp Cụm công nghiệp nông thôn Tổng Xá (ý Yên).

Ba là, đảm bảo cho các cụm công nghiệp nông thôn có được kết cấu hạ tầng cơ sở cần thiết để phát triển như đường giao thông, điện, nước sinh hoạt và nước sản xuất.

Bốn là, giữ vững và phát triển các làng nghề hiện có, đồng thời nhân ra diện rộng hoặc đầu tư phát triển ngành nghề mới ở các thôn, làng chưa có nghề nhưng sản phẩm có nhu cầu của thị trường và phù hợp với đặc điểm của địa phương. Xây dựng mỗi xã có ít nhất 1 doanh nghiệp dân doanh làm hạt nhân phát triển làng nghề tại địa phương.

Năm là, đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đã tập trung hoàn thành một số văn bản như các văn bản qui định về lập, kiểm tra và xét duyệt các đề án qui hoạch làng nghề, xây dựng và ban hành "Qui định về bảo vệ môi trường tại các làng nghề ở Nam Định", xây dựng các tiêu chuẩn về môi trường như tiêu chuẩn về nước thải, khí thải, tiếng ồn... cho làng nghề. Xây dựng và kiện toàn bộ máy tự quản để bảo vệ môi trường ở các làng nghề.

* Tỉnh Bắc Ninh:

+ Thực trạng phát triển làng nghề ở Bắc Ninh.

Bắc Ninh là một tỉnh nằm trong châu thổ sông Hồng, là miền đất cổ, địa linh nhân kiệt của vùng Kinh Bắc giàu truyền thống. Tỉnh có 7 huyện và 01 thành phố trực thuộc tỉnh (Thành phố Bắc Ninh).

Làng nghề ở Bắc Ninh đã có lịch sử tồn tại và phát triển từ lâu đời, phân bổ rộng khắp trên địa bàn toàn tỉnh và hoạt động ở hầu hết các ngành kinh tế chủ

yếu. Sự tồn tại và phát triển của các làng nghề đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các sản phẩm làm ra phong phú, đa dạng đáp ứng một phần nhu cầu tiêu dùng của nhân dân; một số mặt hàng xuất khẩu ra nước ngoài được bạn hàng ưa chuộng, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng giá trị của sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh.

Trong tổng số 125 xã, phường, thị trấn của tỉnh Bắc Ninh, hiện nay, có 35 xã có làng nghề truyền thống, gồm 62 làng nghề (trong đó, có 53 làng nghề TTCN) tập trung chủ yếu ở 3 huyện Từ Sơn, Yên Phong, và Tiên Du (3 huyện này có 38 làng nghề, chiếm 61,29%). Căn cứ vào hiệu quả sản xuất - kinh doanh, có thể phân loại 62 làng nghề thành 3 nhóm như sau:

Số làng nghề phát triển tốt: có 20 làng nghề, chiếm 32%; gồm các làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, sắt, thép, đồng, giấy, dệt... Những làng nghề này sản xuất các sản phẩm phù hợp với thị trường, luôn có sự đầu tư tăng cường năng lực sản xuất.

Số làng nghề hoạt động cầm chừng không phát triển được: 26 làng nghề, chiếm 42%, bao gồm những làng nghề sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp như chế biến từ gạo (mì, bún, bánh, nấu rượu...), nuôi trồng, chế biến tơ tằm, mộc dân dụng...

Số làng nghề hoạt động kém, có nguy cơ mai một, mất nghề: 16 làng nghề, chiếm 26%. Đây là những làng nghề mà sản phẩm làm ra không còn thích hợp với thị trường, do sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm công nghiệp như gốm, dụng cụ cầm tay, tranh dân gian, mây tre đan...

Nhìn chung, sản xuất trong các làng nghề những năm qua đã có sự phát triển lên một quy mô mới, thể hiện ở việc giá trị sản xuất công nghiệp ngày càng cao. Như vậy, trên địa bàn toàn tỉnh mặc dù có sự đầu tư của các doanh nghiệp vào khu công nghiệp tập trung nhưng sự đóng góp của công nghiệp ngoài quốc doanh và công nghiệp trong các làng nghề vẫn có vị trí rất quan trọng, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của khu vực công nghiệp địa phương.

Làng nghề đã góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế từng làng, từng xã, từng huyện và cả tỉnh, tạo ra khối lượng hàng hóa dồi dào, phong

phú đa dạng, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và cho xuất khẩu. Làng nghề phát triển đã cải thiện đời sống vật chất tinh thần của nhân dân và tạo ra diện mạo nông thôn mới; hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn ngày được nâng cấp và xây dựng hiện đại. Làng nghề phát triển là mục tiêu, động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn, phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn và phù hợp với định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh.

Tuy nhiên, thực tế cũng đặt ra hàng loạt vấn đề đối với các làng nghề ở tỉnh Bắc Ninh. Đó là sự phát triển thiếu bền vững, khó khăn về mặt bằng sản xuất, vốn, công nghệ, trình độ tổ chức quản lý, sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, môi trường sinh thái…

Ví dụ: làng giấy Dương Ổ mỗi ngày thải ra môi trường 900-1000m3

nước thải, mang theo một hàm lượng chất hữu cơ, hóa chất ngâm, tẩy rất lớn gây ô nhiễm nặng nguồn nước, các chỉ tiêu CO2, NH3, độ PH, COD, BOD, Colipom đã vượt qua tiêu chuẩn cho phép từ 10-20 lần. Làng nghề Mẫn Xá (Văn Môn, Yên Phong), đúc nhôm, chì, kẽm, nồng độ chì trong không khí đã có lúc vượt quá 80 lần giới hạn cho phép. Làng nghề sắt thép Đa hội mỗi ngày tiêu thụ hơn 200 tấn than, thải 50 tấn xỉ sắt và còn nhiều làng nghề khác, hầu hết chất thải độc hại từ sản xuất đều đổ thẳng ra môi trường, không qua xử lý. Tuy khối lượng khí thải nước thải do các làng nghề thải ra không lớn, song do qui mô nhỏ, phân bố rải rác, nên diện gây ô nhiễm lan rộng, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm và gây hại cho sản xuất nông nghiệp. Với nghề đúc đồng, chế biến lâm sản ô nhiễm môi trường ở khâu sẻ gỗ, đốt lò,... sản xuất tập trung sẽ làm không khí bụi bặm, gây tiếng ồn, các loại mùn cưa gỗ lim, gỗ trắc cũng ảnh hưởng xấu đến môi trường. Đây là mặt trái của sản xuất, nó vừa là hậu quả, vừa là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển làng nghề, cần được nghiên cứu giải quyết.

Một là, củng cố, giữ vững, hiện đại hóa các làng nghề hiện có đang phát triển, khôi phục các ngành nghề truyền thống. Phát triển và xây dựng làng nghề mới, nhân rộng điển hình về công nghiệp, hộ gia đình ở từng làng, từng xã khắc phục dần tình trạng thuần nông.

Hai là, khuyến khích và tăng cường đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cho các làng nghề theo hướng kết hợp khoa học kỹ thuật hiện đại với công nghệ kỹ thuật truyền thống tạo ra những sản phẩm tinh xảo giữ được bản sắc truyền thống của Bắc Ninh và hiệu quả sản xuất cho các làng nghề. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Ba là, phát triển làng nghề theo hướng hình thành các cụm công nghiệp có quy mô hợp lý; chuyển mạnh sản xuất đáp ứng nhu cầu hàng xuất khẩu.

Bốn là, phát triển làng nghề phải gắn với hoạt động văn hóa, du lịch; Phải đi đôi với đảm bảo môi trường sinh thái, bảo vệ sức khỏe nhân dân, từng bước xây dựng một số tua du lịch làng nghề.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề trong kinh tế nông thôn ở tỉnh Thái Bình Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 31 - 36)