Vốn là nhân tố cơ bản tạo ra tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc bảo tồn và phát triển các làng nghề phải trên quan điểm huy động tối đa mọi nguồn vốn trong dân vào phát triển kinh tế. Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế đòi hỏi phải huy động rất nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực kinh tế rất quan trọng là vốn. Một mặt hiện nay, các làng nghề Thái Bình đang gặp khó khăn vì thiếu vốn cho sản xuất - kinh doanh, nhưng mặt khác, theo đánh giá của nhiều chuyên gia thì các nguồn lực, bao gồm cả nguồn vốn nhàn rỗi còn tồn đọng trong dân chưa được huy động vào sản xuất - kinh doanh còn khá lớn. Từ thực tế những vấn đề khó khăn về vốn trong các làng nghề Thái Bình hiện nay, tác giả đề xuất những giải pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục huy động vốn tự có của người lao động, của nhân dân. Theo thống kê hiện nay mức huy động vốn nhàn rối trong dân mới chỉ đạt 36%. Ở những làng đã xã nghề tuy mức huy động cao hơn, song có thể thấy rằng vẫn còn một lượng rất lớn vốn nhàn rỗi chưa được huy động. Vấn đề ở đây là tạo được niềm tin để thu hút nguồn vốn tồn đọng đó, đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Thứ hai, mở rộng hệ thống dịch vụ tín dụng cho khu vực nông thôn, tổ chức các quỹ tín dụng chuyên doanh phục vụ phát triển các ngành nghề trong
nông thôn . Tăng vốn cho vay từ các nguồn vốn tín dụng đầu tư, quỹ quốc gia xúc tiến việc làm, Ngân hàng chính sách xã hội và các ngân hàng thương mại quốc doanh. Hệ thống ngân hàng cần mở rộng các đại lý, đại diện của mình trên khắp các địa bàn nông thôn trong toàn tỉnh, đặc biệt là các làng nghề, nơi thường xuất hiện nhu cầu sử dụng và vay vốn. Hàng năm, tỉnh nên có kế hoạch dành một phần vốn nhất định từ nguồn vốn đầu tư phát triển cho vay với lãi suất ưu đãi cho các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề mới khôi phục…
Thứ ba, đơn giản hoá thủ tục cho vay vốn của các ngân hàng, các quỹ tín dụng hiện nay. Các thủ tục cho vay vốn còn nhiều phiền hà tốn nhiều thời gian, trong khi đó thời hạn cho vay thường ngắn, lượng vốn cho vay nhỏ thường chỉ đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất theo kiểu gia công . Một số cơ sở sản xuất có nhu cầu vốn tương đối lớn phục vụ nhu cầu đầu tư thường không được đáp ứng do thiếu tài sản thế chấp. Trong các làng nghề hiện nay nên phát triển hình thức cho vay qua các tổ chức đoàn thể ở địa phương, thực tế cho thấy mô hình cho vay này khá có hiệu quả. Các ngân hàng thương mại và các quỹ đầu tư phát triển cần phải nâng cao trách nhiệm và tạo điều kiện cho các làng nghề vay vốn để phát triển sản xuất trên cơ sở thẩm định nhanh chóng, chính sách, hiệu quả các dự án đầu tư.
Thứ tư, tổ chức các cơ quan tư vấn giúp đỡ cơ sở sản xuất làng nghề xây dựng các dự án đầu tư phát triển khả thi, hiệu quả và tạo điều kiện để các cơ sở được vay vốn thuận lợi. Trước hết, chi nhánh quỹ hỗ trợ phát triển các huyện, thành phố xem xét giúp đỡ một số hộ ở làng nghề lập dự án và cho vay từ nguồn vốn quỹ hỗ trợ quốc gia, vốn tín dụng ưu đãi. Ngoài ra cần giải quyết cho vay vốn lưu động đáp ứng chu kỳ vòng quay của sản phẩm, tạo điều kiện cho người sản xuất chủ động trong hoạt động tài chính.
Thứ năm, hệ thống ngân hàng cũng thường xuyên nâng cao năng lực của mình trong việc thẩm định các dự án đầu tư nhằm giảm bớt các khoản cho vay kém hiệu quả. Đồng thời, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đồng vốn cho vay được thực hiện có hiệu quả, tránh thất thoát, lãng phí, kết hợp cùng
khách hàng phát hiện kịp thời những sai phạm và những biến cố có thể xảy ra trong quá trình sản xuất.
Thứ sáu, Để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn vay, các chủ doanh nghiệp, các hộ gia đình trong các làng nghề cần được nâng cao tri thức về tổ chức, quản lý sản xuất, quản lý tài chính, các kiến thức về kinh doanh, tiếp thị, tiếp cận thị trường… Các cơ quan có trách nhiệm cần giúp đỡ các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất tại làng nghề có điều kiện tiếp cận với các tri thức cần thiết cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của mình bằng việc kết nối giữa các nhà khoa học, những nhà quản lý có kinh nghiệm với các cơ sở sản xuất kinh doanh tại làng nghề.
Thứ bảy, khai thác triệt để các khoản vốn trợ cấp bên ngoài thông qua các chương trình, dự án doanh nghiệp vừa và nhỏ trong làng nghề. Nghiên cứu sửa đổi quy định thế chấp khi vay vốn cho sát với từng loại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh trong làng nghề. Huy động tối đa nội lực, các thành phần kinh tế ở địa phương cho đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Căn cứ vào tình hình cụ thể của mình huy động đóng góp để hình thành một nguồn vốn dùng vào mục đích hỗ trợ phát triển làng nghề, hỗ trợ việc xây dựng các dự án, đề án đổi mới công nghệ, khôi phục nghề cũ và phát triển nghề mới. Khi huy động phải hết sức dân chủ, quản lý chặt chẽ chi tiêu đúng mục đích.