Tổ chức sản xuất trong làng nghề

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề trong kinh tế nông thôn ở tỉnh Thái Bình Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 64 - 66)

Trước thời kì đổi mới, hình thức tổ chức sản xuất trong các làng nghề là xí nghiệp quốc doanh, hợp tác xã hoặc các tổ hợp. Sau thời kì đổi mới, hình thức sản xuất trong các làng nghề chủ yếu là hộ gia đình, các tổ chức tư nhân, cá thể ngày càng tăng và chiếm ưu thế. Đặc biệt từ giai đoạn 1990 - 1991 trở đi, do sự chuyển đổi cơ chế quản lý mới, nhiều xí nghiệp quốc doanh và tập thể làm ăn thua lỗ, không thể tiếp tục đứng vững trong cơ chế thị trường nên đã bị giải thể. Một số tư nhân, cá thể có trình độ và kinh nghiệm quản lý, có vốn liếng, có kỹ thuật và tay nghề giỏi đã thành lập công ty tư nhân tổ chức sản xuất hoặc làm dịch vụ các khâu cung ứng nguyên liệu hay tiêu thụ sản phẩm cho đa số các hộ gia đình trong địa phương.

Ở làng nghề hiện nay đã hình thành và song song tồn tại các thành phần kinh tế trong sản xuất - kinh doanh các sản phẩm truyền thống gồm: hợp tác xã, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp tư nhân và hộ cá thể. Tuy nhiên, trong các làng nghề hiện nay, hộ gia đình vẫn là hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh phổ biến nhất. Với hình thức này, hầu như tất cả các thành viên trong hộ đều được huy động vào những công việc khác nhau của của quá trình sản xuất - kinh doanh. Tổ chức sản xuất - kinh doanh theo hộ gia đình đảm bảo được sự gắn kết giữa quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm giữa các thành viên. Nó huy

động được mọi lực lượng có khả năng lao động tham gia vào quá trình sản xuất, tận dụng được thời gian, nhu cầu đầu tư thấp... Hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh này thích hợp với quy mô sản xuất nhỏ, nhất là với tâm lý và thói quen sản xuất nhỏ của người nông dân và thợ thủ công. Tuy nhiên, nó lại rất bị hạn chế trong việc đầu tư trang thiết bị, đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản phẩm, làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm làng nghề. Hình thức cơ sở sản xuất (những hộ đầu tư vốn lớn, có thuê thêm lao động ngoài gia đình), những tổ hợp, hợp tác xã kiểu mới (chủ yếu làm dịch vụ đầu vào, đầu ra và một số công đoạn quan trọng, phức tạp), doanh nghiệp tư nhân (bao gồm cả công ty trách nhiệm hữu hạn) xuất hiện, phát triển ở những làng nghề có trình độ tập trung sản xuất tương đối cao, sản phẩm ngành nghề phát triển. Đến năm 2006 đã có 131 doanh nghiệp trong làng nghề, điển hình như làng dệt Phương La có 20 doanh nghiệp, làng dệt đũi Nam Cao có 16 doanh nghiệp, làng thêu Minh Lãng có 7 doanh nghiệp...

Làng nghề mây tre đan xuất khẩu Trần Lãm (Thành phố Thái Bình) năm 2005 đạt tổng giá trị sản xuất 7,3 tỷ đồng. Năm 2006 phường Trần Lãm ra đời 14 tổ hợp vừa tổ chức sản xuất vừa tổ chức tiêu thụ, vì thế số lượng và giá trị sản xuất tăng khá nhanh. Sáu tháng đầu năm 2008, đạt giá trị sản xuất hơn 4,2 tỷ đồng.

Ở các xã của huyện Hưng Hà nghề dệt khăn, vải và chiếu cói xuất khẩu ngày càng phát triển. Chỉ tính xã Thái Phương đã có hơn 20 doanh nghiệp và hàng chục tổ sản xuất với hơn 3.000 khung dệt thủ công, mỗi năm sản xuất hơn 300 triệu chiếc khăn các loại, đạt giá trị hơn 230 tỷ đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 20 nghìn lao động trong xã và các vùng lân cận .

Sự ra đời và lớn mạnh của các cơ sở sản xuất, các tổ hợp, các doanh nghiệp tư nhân… trong làng nghề ngày càng khẳng định ưu thế của nó trong tổ chức sản xuất - kinh doanh trong các làng nghề. Chúng là những đầu tầu, những chất xúc tác quan trọng làm động lực thúc đẩy, lôi kéo sự phát triển các làng nghề trong kinh tế thị trường và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nông thôn hiện nay.

Ở Thái Bình, Tỉnh uỷ và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình trong gần chục năm vừa qua đã rất coi trọng đến vấn đề tổ chức sản xuất trong làng nghề, coi đây là một giải pháp quan trọng cho sự phát triển của làng nghề Thái Bình. Trong các đề án phát triển nghề và làng nghề giai đoạn 2001 - 2005, và giai đoạn 2005 - 2010 đều đưa giải pháp về “hình thành các doanh nghiệp trong làng nghề”. Trong các chính sách thực tế của mình cũng đã tập trung rất nhiều vào vấn đề này, thông qua những chính sách về thuế, về mặt bằng sản xuất, và một số hỗ trợ khác… cho sự hình thành và thành lập của các doanh nghiệp trong làng nghề. (Nghị quyết 01-NQ/TU, các Quyết định 672/2001/QĐ-UB ngày 20/9/2001 về qui định chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề; Quyết định số 12/2002/QĐ-UB ngày 05/3/2002 về qui định tiêu chuẩn làng nghề; Quyết 253/2001/QĐ-UB ngày 10/4/2001 về qui định quản lý sử dụng vốn khuyến công; Quyết định 52/2002/QĐ-UB ngày 25/7/2002 về qui định một số chính sách khuyến khích đầu tư tại Thái Bình).

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề trong kinh tế nông thôn ở tỉnh Thái Bình Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 64 - 66)