Vấn đề môi trường của các làng nghề

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề trong kinh tế nông thôn ở tỉnh Thái Bình Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 73 - 80)

Bên cạnh những ưu thế mà các làng nghề mang lại thì người dân làng nghề, xã nghề đang phải đối mặt với những thách thức môi trường nghiêm trọng. Có thể thấy vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề tập trung vào một số mảng sau:

* Ảnh hưởng tới môi trường nước:

Ở các làng nghề hiện nay, môi trường nước luôn trong tình trạng bị ô nhiễm. Các sinh vật ở dưới nước không sống được, sản xuất bị ảnh hưởng, sức khỏe của người dân luôn luôn bị đe dọa, các loại bệnh tật có xu hướng gia tăng, đặc biệt là các bệnh về đường tiêu hóa, ngoài da, đau mắt…

Tình trạng ô nhiễm nguồn nước cũng ở mức báo động. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, như chưa có quy hoạch hệ thống thoát nước một cách hoàn chỉnh, nên có rất nhiều diện tích ao hồ ở các làng nghề bị ô nhiễm (nước có váng, màu đen, mùi hôi…). Những năm gần đây, các làng nghề và nghề ngày càng phát triển, các hộ gia đình mở rộng sản xuất bằng cách mở rộng diện tích mặt bằng , cho nên ao hồ dần dần bị lấp đi, các thuỷ vực nước bị thu hẹp, lượng nước thải bị đẩy ra các vùng xung quanh, làng khác, và xã khác…

Ô nhiễm nước thải là vấn đề môi trường lớn nhất đối với các làng nghề dệt nhuộm. Do sản xuất có sử dụng nhiều nước hoá chất, thuốc nhuộm nên thành phần các chất ô nhiễm trong nước thải làng nghề dệt nhuộm bao gồm: các tạp chất tự nhiên tách ra từ sợi vải: chất bẩn , dầu, sáp, hợp chất chứa nitơ, pectin trong quá trình nấu tẩy, chuội tơ và các hoá chất sử dụng trong quy trình xử lý vải như hồ tinh bột, NaOH, H2SO4, HCl, Na2CO3 các loại thuốc nhuộm, chất tẩy giặt. Khoảng 10-30% lượng thuốc nhuộm và hoá chất sử dụng bị thải ra ngoài cùng với nước thải. Quá trình dệt, nhuộm, in hoa có sử dụng hóa chất, thuốc nhuộm như sút, Javen... và rất nhiều nước trong các công đoạn sản xuất. Lượng nước thải sau sản xuất không được xử lý, đã thải trực tiếp ra hệ thống cống rãnh và đổ thẳng xuống hồ ao, sông, ngòi gây ô nhiễm nghiêm trọng tầng nước mặt, mạch nước ngầm.

Ở làng nghề dệt Phương La - Thái Phương (Hưng Hà), một số hộ chuyên làm tẩy nhuộm. Đây là nguồn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do nước thải ra tại các hộ này chưa qua xử lý. Chỉ tính trung bình mỗi cơ sở thải ra từ 100 - 300m3/ngày, thì lượng nước thải được đưa vào môi trường nước mặt là 500 - 1.500m3/ ngày, đêm. trong nước thải có chứa các thành phần hóa chất phục vụ

cho công đoạn tẩy, nhuộm như: xút, axit sunfuric, silicat, javen, xôđa, xà phòng bột, lơ tẩy trắng và thuốc nhuộm.

Trong nghề dệt nhuộm ở Phương La thông thường sử dụng một khối lượng nước rất lớn để phục vụ công đoạn sản xuất, đồng thời thải ra một lượng nước thải tương ứng, bình quân từ 120-130 m3/tấn vải để tẩy nhuộm, trong đó cộm lên hai nguồn ô nhiễm chính đó là dệt nhuộm và nấu tẩy.

Nước thải từ công đoạn tẩy giặt có độ pH dao động từ 9-12, hàm lượng các hữu cơ trong nước thải rất cao, chỉ số ôxy hoá học (COD) khoảng 1000-3000 mg/l do thành phần các chất tẩy gây ra. Độ màu của hàm lượng cặn lơ lửng (SS) có thể đạt đến trị số 2000mg/l, nồng độ này giảm dần ở cuối chu kỳ xả, giặt. Thành phần chủ yếu của nước thải công đoạn giặt tẩy nhuộm bao gồm thuốc nhuộm thừa, chất hoạt động bề mặt, các chất ôxy hoá, cellulose, xáp, xút, chất điện ly.

Nước thải dệt nhuộm thường gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường gồm độ mầu, độ pH, tổng cặn lơ lửng SS, ôxy hoá học (COD), nhiệt độ vượt quá tiêu chuẩn cho phép xả vào ao, hồ, kênh mương tưới tiêu. Hàm lượng các chất hoạt động bề mặt khá cao, lên đến 10-12 mg/l, khi thải vào mương máng tạo màng nổi trên bề mặt, cản trở sự khuyếch tán O2 vào môi trường nước, gây hại cho hoạt động của thuỷ sinh, tiêu diệt sinh vật, làm cho nước chuyển thành màu đen và có mùi.

Ở làng nghề dệt đũi Nam Cao (Kiến Xương) nước thải chưa được xử lý đang làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm. Nhu cầu sử dụng vật tư hóa chất ở Nam Cao rất lớn, nhưng các hoạt động tẩy nhuộm đều theo quy mô hộ gia đình, phân tán và sản xuất bằng phương pháp thủ công. Nhiều cơ sở sản xuất lớn trong làng thải trực tiếp ra mương, ngòi, ao, hồ, cánh đồng quanh làng mà không qua xử lý, làm ô nhiễm nguồn nước mặt, nước ngầm.

Với những làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, đây là loại hình sản xuất có nhu cầu lớn về sử dụng nước và đồng thời cũng thải ra một lượng nước không nhỏ. Nước thải của các làng nghề này có đặc tính chung là rất giàu hữu cơ, dễ phân huỷ sinh học. Đặc trưng chất thải của một số làng nghề chế biến

nông sản thực phẩm cho thấy chất lượng môi trường nước tại các làng nghề là rất đáng lo ngại. Cho đến nay, phần lớn nước thải tại các làng nghề đều thải ra ngoài không qua bất kỳ khâu xử lý nào. Nước thải này tồn đọng ở cống rãnh thường bị phân huỷ yếm khí gây ô nhiễm không khí và ngấm xuống lòng đất gây ô nhiễm môi trường đất và suy giảm chất lượng nước ngầm. Chất lượng nước ngầm tại các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm phần lớn đều có dấu hiệu bị ô nhiễm với hàm lượng COD, TS,NH4+

trong nước giếng cao. Mặt khác phần lớn các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm đều tận thu phế liệu để chăn nuôi. Nước thải từ nguồn này cũng gây ô nhiễm môi trường không khí và nước đáng kể.

* Ảnh hưởng tới môi trường không khí:

Ô nhiễm không khí ở các làng nghề thể hiện ở các dạng ô nhiễm bụi, mùi, nhiệt độ, và tiếng ồn. Mức độ ô nhiễm nặng hay nhẹ tuỳ thuộc vào tính chất, đặc điểm và quy trình sản xuất của mỗi làng nghề. Ở các làng sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí, đúc thì ô nhiễm đều rất nặng ở tất cả các dạng. Ở các làng nghề chế biến gỗ, mây, tre đan thì bị ô nhiễm bụi, tiếng ồn, mùi…Tình trạng này rất khó khắc phục, bởi thiết bị kỹ thuật ở các làng nghề đều ở dạng thủ công, lạc hậu.

+ Ô nhiễm không khí do bụi: Đây là một dạng ô nhiễm rất nguy hiểm đối với sức khoẻ của con người. Hầu như ở làng nghề nào cũng bị ô nhiễm ở mức độ khác nhau.

Ở các làng nghề dệt nhuộm, ô nhiễm môi trường không khí ở các làng quê này chủ yếu là bụi và hơi hoá chất. Bụi bông sinh ra trong quá trình giàn sợi, đánh ống, xe sợi, dệt vải. Hơi hoá chất phát sinh trong quá trình nấu, tẩy, nhuộm do sử dụng hoá chất ở nhiệt độ cao và hầu hết các thiết bị sản xuất đều là thiết bị hở. Hơi hoá chất chủ yếu là xút, HCl, Cl2, CH3COOH, chất tẩy giặt. Khí thải lò đốt chứa nhiều thành phần ô nhiễm môi trường không khí như CO2, SO2, CO, NOx và bụi. Tại các làng nghề dệt nhuộm hiện chưa có cơ sở nào có hệ thống hút bụi, thông gió để giảm lượng bụi bông trong khu vực sản xuất. Tình trạng ô nhiễm do hơi hoá chất cũng không có biện pháp khắc phục. Các cơ sở sản xuất đa phần không có ống khói và hệ thống xử lý khí thải lò đốt.

Ở các làng nghề sản xuất vật liệu xây dựng, các tác động chủ yếu đến môi trường là ô nhiễm không khí do bụi và khói lò nung. Quy trình nung vôi, gạch ở các làng nghề chủ yếu theo phương pháp thủ công sử dụng nguyên liệu là than. Khí thải từ các lò nung đốt than chứa bụi, các khí ô nhiễm. Đặc biệt các lò nung thường không được thiết kế đúng quy cách, nên quá trình cháy không hết, tạo ra các sản phẩm cháy nhiên liệu thiếu ôxy như CO, SO2,… Bụi phát sinh từ khâu khai thác, gia công đất nguyên liệu, vận chuyển vào lò, ra lò và bốc dỡ sản phẩm. Các quá trình: đốt gạch, nung vôi sử dụng nhiều nguyên liệu là đất, đá, than đã thải ra môi trường một lượng lớn khí thải độc hại ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của dân cư trong vùng. Lượng khí thải độc hại từ các lò nung gạch thủ công còn làm ảnh hưởng đến mùa màng và hoa màu của nông dân tại làng nghề và cả các vùng lân cận.

+ Ô nhiễm không khí do tiếng ồn: Loại ô nhiễm này ảnh hưởng đến sức khoẻ con người khá lớn, gây các bệnh về thần kinh, thính giác. Ở hầu hết các làng nghề hiện nay, dạng ô nhiễm không khí do tiếng ồn khá phổ biến, nó không chỉ làm ảnh hưởng đến những người lao động trực tiếp tại làng nghề mà còn ảnh hưởng đến dân cư ở địa phương. Ở hầu hết các làng nghề ở Thái Bình, hầu như không có hệ thống cách âm, xử lý tiếng ồn trong quá trình sản xuất ở các cơ sở làng nghề. Hầu hết, các cơ sở sản xuất làng nghề chưa quan tâm đến loại ô nhiễm này.

+ Ô nhiễm không khí do mùi và nhiệt độ:

Với làng nghề chế biến nông sản nguồn gây ô nhiễm đặc trưng nhất của làng nghề này là mùi hôi thối của nguyên vật liệu tồn đọng lâu ngày và do sự phân huỷ của các hợp chất hữu cơ có trong chất thải rắn và nước thải từ các cống rãnh, kênh mương. Quá trình phân giải yếm khí các chất hữu cơ sinh ra các khí độc rất ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân làng nghề. Đặc biệt phải kể đến các làng nghề sản xuất nước mắm, do phơi ngoài trời nên mùi hôi tanh khắp cả làng rất khó chịu. Một nguồn gây ô nhiễm không khí nữa ở làng nghề chế biến nông sản thực phẩm là bụi nguyên liệu phân tán trong không khí, ví dụ như bụi trà ở các làng nghề chế biến trà hương rất mịn và rất dễ xâm nhập vào cơ thể người

gây ảnh hưởng đến đường hô hấp. Ngoài ra, cũng như phần lớn các làng nghề, nguyên liệu chủ yếu phục vụ sản xuất là than, củi. Với nhu cầu nhiên liệu rất lớn, khí thải sinh ra do đốt nhiên liệu than củi là nguồn gây ô nhiễm chính tới môi trường không khí.

Với nghề sản xuất mây tre đan, đây là nghề thủ công truyền thống hầu như ở các xã đều có với qui mô khác nhau. Trong quá trình sản xuất thường dùng lưu huỳnh để sấy, tẩy mốc sản phẩm, lượng khí độc thải ra môi trường chủ yếu là H2S, SO2 không qua xử lý gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sản xuất.

* Ảnh hưởng tới tài nguyên thiên nhiên:

Đây là việc phá vỡ môi trường sinh thái, việc sử dụng nguyên, nhiên vật liệu trong quá trình sản xuất không hiệu quả, thất thoát và làng phí; việc sử dụng đất đai, nguyên vật liệu vào mục đích sản xuất - kinh doanh không dựa trên căn cứ khoa học và quy hoạch chung của địa phương làm phá vỡ mặt bằng sản xuất, khai thác nguồn nguyên liệu không khoa học, gây giảm sút chất lượng nguyên liệu...cũng là một dạng của việc ảnh hưởng này. Điển hình đối với việc ảnh hưởng tới tài nguyên thiên nhiên diễn ra ở một số ngành sản xuất vật liệu xây dựng như: làm gạch đã lấy đất làm nguyên liệu từ đất ruộng, đất vườn nằm trong khu dân cư… việc khai thác đất bừa bãi không theo quy hoạch gây thoái hoá đất, phá vỡ thảm thực vật, tăng nguy cơ xói mòn và giảm độ phì của đất, hậu quả là cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng mùa màng.

Ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, quá trình sản xuất diễn ra một cách tự phát, không có quy hoạch, trình độ công nghiệp còn thấp. Thêm vào đó là tâm lý và thói quen sản xuất trên quy mô nhỏ, khép kín nên đã hạn chế trong đầu tư trang thiết bị và đổi mới công nghệ, dẫn đến hiệu quả sản xuất không cao, tiêu tốn nhiều nguyên nhiên liệu, đồng thời thải ra môi trường một lượng lớn chất thải, đặc biệt là nước thải giàu chất hữu cơ. Ở các làng nghề nằm trong cụm chạm bạc Đồng Xâm, vật tư đầu vào bao gồm nhiều hoá chất độc hại như axit HNO3, H2SO4, Cyanua, thuỷ ngân, đồng, bạc… với một khối lượng rất

lớn thì ngoài các chất thải do quá trình sản xuất gây ra luôn là mối đe doạ rất lớn cho môi trường sinh thái tại địa phương này.

* Đánh giá chung về môi trường của làng nghề:

Các chủ thể sản xuất trong làng nghề đa phần là cấp hộ, thường tổ chức sản xuất tại gia để tận dụng về thời gian sớm, tối và tận dụng mọi lao động trong gia đình khi đặt vấn đề xử lý môi trường thì các chủ cơ sở không chịu đầu tư, ngại chi phí tốn kém.

Các cơ sở sản xuất thường gắn với khu dân cư, thiếu quy hoạch nên dễ gây ô nhiễm và tác động trực tiếp đến sức khoẻ, môi trường sống của nhân dân trong địa bàn, nhưng lại rất khó xử lý những bất cập về ô nhiễm môi trường.

Phần lớn máy móc thiết bị sử dụng tại các làng nghề là thiết bị thô sơ, tự tạo hoặc do các cơ sở sản xuất trong nước gia công, láp ráp. Phương thức sản xuất thường là gián đoạn, thiết bị thiếu đồng bộ. Điều này dẫn đến việc giảm hiệu quả sử dụng nguyên nhiên liệu và đồng thời làm cho những vấn đề ô nhiễm môi trường ở các làng nghề trở nên bức xúc hơn.

Nhìn chung, hoạt động sản xuất của các làng nghề hiện nay đều ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường ở các mức độ khác nhau. Đó là sự ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí dưới dạng lý học, hóa học và sinh học, là sự suy thoái tài nguyên thiên thiên, không chỉ ở trong các làng nghề, mà còn ảnh hưởng tới môi trường của các vùng xung quanh. Tuy mức độ ô nhiễm môi trường có khác nhau nhưng nó đã ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ và sản xuất của dân cư.

Hầu hết các làng nghề trong tỉnh chưa có hệ thống xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn. Số người mắc bệnh có liên quan đến môi trường, theo số liệu điều tra tại một số làng nghề tỷ lệ mắc các bệnh này trung bình như sau:

- Số phụ nữ mắc bệnh phụ khoa chiếm từ 20 - 25%. - Số người mắc bệnh đau mắt hột chiếm từ 60 - 75%.

- Số người mắc bệnh răng miệng chiếm từ 80 - 90% (trong đó sâu răng chiếm khoảng 30%).

Ngoài các ảnh hưởng trực tiếp về bệnh tật như đã điều tra nó còn ảnh hưởng đến đời sống dân cư trong các lĩnh vực: An toàn thực phẩm, cảnh quan, môi trường khu vực và sự cân bằng sinh thái. Ngoài ra do tác động của làng nghề còn ảnh hưởng đến môi trường về tiếng ồn, bụi, chất thải lỏng, chất thải rắn, chất thải khí gây áp lực lớn cho môi trường làng nghề.

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề trong kinh tế nông thôn ở tỉnh Thái Bình Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 73 - 80)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)