dân địa phương
Nghề và làng nghề không ngừng phát triển trong những năm qua, đã làm cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thái Bình thay đổi theo hướng tích cực. Bộ mặt nông thôn từng bước thay đổi, hệ thống kết cấu hạ tầng không ngừng được hoàn thiện. Ở nhiều vùng nông thôn, xuất hiện các cụm làng nghề, các thị tứ, thị trấn, xóa dần cách biệt giữa thành thị và nông thôn. Nhờ có thu nhập cao, các làng nghề đã đầu tư xây dựng được nhiều cơ sở vật chất kỹ thuật hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống. Các công trình chung của xã như: điện, đường, trường, học, trạm xá, trụ sở ủy ban nhân dân đều khang trang hơn các xã trong cùng điều kiện mà không có nghề. Đời sống vật chất tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Ở các làng nghề phát triển mạnh không có hộ thuộc diện đói nghèo, tỷ lệ hộ có nhà kiên cố cao tầng, có đồ dùng và các phương tiện sinh hoạt đắt tiền ngày càng gia tăng. Các làng nghề ở nông thôn phát triển còn góp phần xoá bỏ các tập tục lạc hậu, lối làm ăn nhỏ còn tồn đọng ở nông thôn tạo ra nếp nghĩ, cách làm ăn mới theo tác phong của nền sản xuất công nghiệp, mở
rộng giao lưu hàng hoá. Trong các làng nghề các tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, nghiện hút cũng giảm đáng kể.
Một đặc điểm nữa thể hiện truyền thống hiếu học của người dân Thái Bình là luôn tạo điều kiện cho con, em được ăn học. Sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với giáo dục địa phương không ngừng được nâng lên, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy và học tập ngày càng hoàn thiện. Tỷ lệ học sinh đỗ đại học ở Thái Bình khá cao so với cả nước, trong đó một số lượng lớn học sinh ở các làng nghề trong tỉnh.
Không chỉ đạt được những thành công về kinh tế trong những năm qua mà các làng nghề Thái Bình cũng đã có những tham gia tích cực vào phát triển xã hội như đã nêu trên. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, làng nghề Thái Bình con gặp phải khá nhiều những vấn đề bất cập cần được giải quyết.
Ở một số làng nghề, do người dân quá tập trung vào việc làm nghề, mang lại mức thu nhập khá, vì vậy, đã tận dụng khả năng lao động của tất cả các thành viên trong gia đình vào công việc chung ấy. Điều đó có mặt tích cực là có thể huy động được mọi nguồn lao động vào trong sản xuất - kinh doanh, thế nhưng, cũng có những mặt hạn chế của nó. Ví dụ: Ở một số địa phương, cha mẹ ít quan tâm đến việc học hành của con cái, chỉ muốn con cái theo nghề, tạo tâm lý coi thường việc học cho con cái. Một số cá nhân do có thu nhập từ nghề, nảy sinh tâm lý quá coi trọng đồng tiền mà quên đi những giá trị truyền thống, văn hoá tinh thần khác. Một số khác lại sa đà vào các tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, nghiện hút…dẫn đến quên nghề, bỏ việc và biến chất dần. Những hiện tượng ấy cũng là bài học cho sự phát triển làng nghề theo hướng bền vững của Thái Bình hiện nay.