Trình độ kỹ thuật và công nghệ của các làng nghề

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề trong kinh tế nông thôn ở tỉnh Thái Bình Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 58 - 60)

Trước đây, trong các làng nghề, công cụ sản xuất chủ yếu là công cụ thủ công, thô sơ được người thợ thủ công chế tạo ra. Đặc điểm của công nghệ cổ truyền là kỹ thuật sản xuất thủ công tinh xảo, chủ yếu dựa vào đôi bàn tay khéo léo và đầu óc thẩm mỹ của người thợ.

Ngày nay, dưới sức ép của cơ chế thị trường và sự tác động tích cực của khoa học - công nghệ, công nghệ - kỹ thuật trong các làng nghề đã có những thay đổi tiến bộ đáng kể. Trước tiên là việc dùng điện vào sản xuất, gắn liền với nó là việc thực hiện nửa cơ khí, cơ khí hóa từng phần hoặc toàn bộ quá trình sản xuất. Đó là dùng điện làm động lực chạy máy, như máy xay xát, máy nghiền bột, máy cưa, máy bào, máy tiện, máy may, máy dệt, máy cán ép, máy hàn, máy cơ khí nhỏ và một số loại máy khác thay cho lao động thủ công.

Trong những năm gần đây, tùy tính chất của sản phẩm, khả năng về vốn… nhiều cơ sở sản xuất trong các làng nghề đã đầu tư mua sắm máy móc thiết bị, cải tiến công cụ sản xuất, nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm (phụ lục 1). Những máy móc thiết bị đang được sử dụng thì nhiều loại có kết cấu đơn giản, tính năng tác dụng hạn chế, chất lượng chế tạo chưa tốt, năng suất máy thấp, chất lượng sản phẩm không cao. Nhìn chung công nghệ sản xuất

của các nghề ở làng nghề hiện nay vẫn là công nghệ cũ, lạc hậu, khả năng cơ khí hoá thấp:

Chỉ một vài nghề có điều kiện thuận lợi để tiến hành cơ khí hoá, tức là có nhiều chủng loại máy móc thiết bị đã được nghiên cứu chế tạo (trong đó có một số chủng loại được nhập ngoại), người sản xuất dễ dàng mua được máy móc thiết bị làm công cụ sản xuất, thì khả năng cơ khí hoá, điện khí hoá tương đối cao (như: nghề sản xuất đồ gỗ).

Nhiều nghề, khả năng cơ khí hoá còn hạn chế: Chỉ mới một số chủng loại máy móc thiết bị được sử dụng, một số công đoạn sản xuất được cơ khí hoá. Nhiều chủng loại máy móc thiết bị cho một số công đoạn sản xuất chưa được nghiên cứu chế tạo.

Một số nghề thì khả năng cơ khí hoá rất thấp, rất khó đưa máy móc vào thay thế lao động thủ công (như nghề thêu, nghề dệt chiếu...).

Trong số các nghề trong tỉnh hiện nay mới chỉ có rất ít nghề sử dụng đáng kể số lượng máy móc thiết bị trong sản xuất như: Nghề dệt (dệt khăn, dệt đũi...), nghề mộc, nghề mây tre đan, nghề sản xuất đồ nhôm... còn nhiều nghề khác, việc sử dụng máy móc thiết bị còn rất hạn chế. Qua khảo sát ở các làng nghề trong tỉnh cho thấy, việc sử dụng máy móc thiết bị chỉ mới tập trung ở một số địa phương: Ở Vũ Thư, mới có làng nghề Vũ Hội, Nguyên Xá sử dụng nhiều máy móc thiết bị trong sản xuất. Ở Kiến Xương, có Nam Cao, Hồng Thái, Lê Lợi, Thượng Hiền, Trà Giang, Vũ Ninh. Ở Đông Hưng, có Đông Quang, Đông La, Nguyên Xá, Mê Linh, Đông Sơn. Ở Hưng Hà, có Thái Phương, Tân Lễ, Bình Lăng, Canh Tân, Minh Tân, Thái Hưng. Ở Quỳnh Phụ chỉ có Quỳnh Hoàng. Ở Thái Thuỵ có Thuỵ Liên, Thái Hoà. Ngoài các làng nghề kể trên, ở các làng nghề khác việc sử dụng máy móc thiết bị trong sản xuất không đáng kể.

+ Mức độ sử dụng máy móc thiết bị trong các nghề và làng nghề ở Thái Bình hiện nay còn rất hạn chế. Các làng nghề sử dụng nhiều máy móc thiết bị mới chiếm tỷ lệ khá nhỏ chỉ gần 20%.

+ Về mặt chất lượng của máy móc thiết bị: Trong số các máy móc thiết bị được sử dụng thì nhiều máy móc thiết bị có kết cấu đơn giản, tính năng tác dụng

hạn chế, năng suất máy và chất lượng sản phẩm sản xuất được còn thấp, khả năng cạnh tranh trên thị trường không cao.

+ Máy móc thiết bị sử dụng trong các làng nghề được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau: Có loại nhập khẩu, có loại sản xuất trong nước và có loại trong tỉnh tự sản xuất lấy.

Nhìn chung máy móc thiết bị được sản xuất trong tỉnh còn ít, mới sản xuất được một số loại như: Máy mài cây mây, máy chẻ mây, máy tuốt sợi, các khung dệt (đạp chân và chạy điện), máy chẻ cói, máy dệt bao, một số máy cưa đĩa, máy khoan, bào, tiện gỗ loại nhỏ. Máy móc thiết bị trong tỉnh tự sản xuất nhìn chung thuộc dạng đơn giản, chất lượng chế tạo thấp, năng suất và chất lượng sản phẩm còn hạn chế.

Một số máy móc thiết bị được chế tạo trong nước hoặc nước ngoài có chất lượng khá, giá thành hợp lý, được sử dụng nhiều như: Máy mài, máy bào gỗ cầm tay, máy soi định hình, máy gia công gỗ vạn năng, máy đánh giấy ráp, máy bắn đinh, máy nghiền, dây chuyền sản xuất bánh phở...

Một phần của tài liệu Phát triển làng nghề trong kinh tế nông thôn ở tỉnh Thái Bình Luận văn ThS. Kinh tế (Trang 58 - 60)